Còn tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp tính tới 30-6-2020 đã lên tới 2.335 tỉ đồng - gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu.

{keywords}
Nguồn thu từ hoạt động đầu tư, kinh doanh điện của Trường Thành Group chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết. Ảnh minh họa: DNCC

Hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào thời tiết

135 triệu cổ phiếu TTA của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành (Trường Thành Group) đã được Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) chấp thuận niêm yết với mức giá tham chiếu 18.000 đồng mỗi cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa là 2.430 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính bán niên, Trường Thành Group ghi nhận mức doanh thu thuần - doanh thu từ bán điện là 169,6 tỉ đồng, tăng 58,9% so với cùng kỳ năm 2019 – nhờ dự án điện mặt trời hồ Bầu Ngứ được đưa vào phát điện từ cuối quý 4-2019.

Biên lợi nhuận của doanh nghiệp cũng được cải thiện đáng kể, từ mức 58,9% ở thời điểm 30-6-2019 lên 67,5% ở thời điểm 30-6-2020 do giá vốn hàng bán chỉ tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước.

Dù chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp của Trường Thành Group tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm 2019, nhưng doanh nghiệp vẫn ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế lên tới 42 tỉ đồng, tăng 91%.

Tuy nhiên, kết quả doanh nghiệp đạt được chỉ tương đương 37,8% chỉ tiêu doanh thu và 30% chỉ tiêu lợi nhuận được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 là 450 tỉ đồng doanh thu và 140 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.

Danh sách cổ đông lớn của Trường Thành Group tính tới 7-8-2020 gồm: Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành sở hữu 23,63% cổ phần; Ông Trần Huy Đức - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trường Thành Group - sở hữu 23,26% cổ phần; Bà Nguyễn Thị Ngọc - vợ ông Trần Huy Đức Đức – sở hữu 11,63% cổ phần; ông Trần Huy Thiệu – em trai ông Đức – sở hữu 6,52% cổ phần.

Ngoài ra, với quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lần lượt là 4.112,9 tỉ đồng và 1.583,2 tỉ đồng, tỉ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đến cuối quý 2-2020 của Trường Thành Group chỉ đạt 1,07% và 2,8%. Nếu muốn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2020, các chỉ số ROA và ROE của doanh nghiệp phải tăng lên mức 4,4% và 8,8%.

Trên thực tế, hoạt động của các nhà sản xuất điện phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, cụ thể là lượng mưa tại khu vực đặt nhà máy.

Cụ thể, ba nhà máy thủy điện của Trường Thành Group, gồm hai nhà máy đã vận hành và một nhà máy chuẩn bị vận hành đều đặt tại Yên Bái nên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào biến động thời tiết tại khu vực này.

Bản cáo bạch của doanh nghiệp cho biết, hiện tượng El Nino xuất hiện từ cuối năm 2018 đã khiến lượng nước ở các hồ thuỷ điện ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Bước sang năm 2019, tổng lượng nước về các hồ chứa chỉ đạt 69% so với giá trị trung bình nhiều năm đã làm giảm hiệu quả sản xuất điện năng của các nhà máy thuỷ điện.

Với các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận và Bình Thuận, rủi ro quá tải lưới điện truyền tải từng xuất hiện trong năm 2019 khi phần lớn đường dây và trạm biến áp 110-500 kV trên hai địa bàn này đều quá tải. Thậm chí, có đường dây quá tải lên đến 360% - khiến nhiều nhà máy sản xuất điện phải cắt giảm công suất từ 30%  tới 35% - gây thiệt hại cho chủ đầu tư.

Dù tình trạng này phần nào đã được giải quyết khi trạm biến áp 220 KV Ninh Phước đi vào vận hành từ 29-6-2020, nhưng với mức giá ưu đãi tương đối cao, các nhà máy điện mặt trời dự kiên vẫn sẽ nhận được sự đầu tư từ nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo thống kê, cả nước đã có 89 nhà máy điện gió và mặt trời tính cuối tháng 6-2019, với tổng công suất đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh - chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020.

Trong đó, riêng hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12-2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở hai địa phương này sẽ tăng lên 4.240 MW.

Tiền mặt cạn kiệt, nợ vay gia tăng

Tính tới 30-6-2020, tài sản của Trường Thành Group là 4.112,9 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang lên đến 981 tỉ đồng tính tới cuối quý 2-2020, chiếm gần 25% tổng tài sản.

Còn tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao chỉ chiếm chưa đến 7% tổng giá trị tài sản, đạt 273 tỉ đồng. Đáng chú ý, tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp ở thời điểm cuối tháng sáu chỉ ở mức 1,4 tỉ đồng – giảm 5,9 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm 2020 - cho thấy doanh nghiệp đang cạn tiền mặt.

Trong bối cảnh đó, công ty đã huy động tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 2.335 tỉ đồng – gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp – chủ yếu tài trợ vốn cho các dự án thủy điện Ngòi Hút 2A, thủy điện Ngòi Hút 2, nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ.

Ngoài ra, chi phí lãi vay của Trường Thành Group cũng đạt mức 63,8 tỉ đông – tăng 70% so với cùng kỳ năm 2019 và tương ứng với 59% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh mang lại. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng khi các dự án dở dang đưa vào vận hành, đồng nghĩa với việc chi phí lãi vay không còn được vốn hóa như giai đoạn đầu tư.

Mới đây, Trường Thành Group đã lên kế hoạch chào bán 25 triệu cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nhằm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp lên 1.600 tỉ đồng trong năm nay.

(Theo TBKTSG Online)