Xã Thiên Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) là địa phương mạnh về xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhờ đó, KT-XH ngày càng phát triển. Tuy vậy, “sức hấp dẫn” từ XKLĐ đã khiến một số cán bộ nơi đây... xin rời nhiệm sở.

Hơn 4 tháng nay, Thiên Lộc không có trưởng công an xã. Để đủ tư cách pháp nhân ký các giấy tờ, Phó Chủ tịch UBND xã phải kiêm nhiệm.

{keywords}
XKLĐ mang lại nguồn lực lớn, góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn Hà Tĩnh. Tuy nhiên, xu thế này đang ít nhiều ảnh hưởng đến việc tạo nguồn cán bộ xã, thôn.

Là một trong 6 địa phương trọng điểm, nơi có chùa Hương Tích nhiều người qua lại, dĩ nhiên, cấp ủy, chính quyền nơi đây “ruột như lửa đốt”, mong có một vị đứng đầu lực lượng công an để chuyên trách. Sau khi ông Trần Đình Cảnh thôi chức trưởng công an xã vào năm 2016 theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, đầu năm 2017, anh Lê Anh Thắng được bổ sung vào vị trí này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, anh Lê Anh Thắng xin nghỉ việc để đi XKLĐ.

“Xã có mời gặp riêng trao đổi, nắm bắt tâm tư thì đồng chí Thắng trả lời là do mới làm nhà xong, nợ nần nhiều, trong khi đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải, nuôi con, tuổi còn trẻ nên đi XKLĐ. Việc đồng chí Thắng nghỉ chúng tôi rất tiếc vì đồng chí này đã là công chức, vừa được bầu vào ủy viên UBND, có sức khỏe tốt, cương quyết, dám đối đầu với tội phạm” - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc Võ Nhân Nông cho hay. Được biết, lương của anh Lê Anh Thắng khi làm trưởng công an xã chưa đến 3 triệu đồng/tháng.

{keywords}
Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, xây dựng nhà cửa, nhiều người dân Thiên Lộc đã chọn con đường xuất khẩu lao động.

Trước câu chuyện này, một số cán bộ xã Thiên Lộc cũng đã rời bỏ công việc địa phương để ra nước ngoài kiếm thu nhập. Cách đây ít năm, Phó Trưởng công an xã Võ Minh Quân được cử đi học và nằm trong kế hoạch tạo nguồn của xã nhưng cũng xin nghỉ đi nước ngoài làm kinh tế. Tiếp đến, một đồng chí khác thay thế, cũng chỉ đảm nhiệm công việc một thời gian ngắn rồi lại theo con đường rất quen: ra nước ngoài lao động. Cũng là cán bộ không chuyên trách cấp xã, mới đây, anh Đặng Văn Trường đã rời bỏ nhiệm vụ làm cán bộ văn hóa kiêm một số công việc khác để đến nước người xa xôi.

Không chỉ cán bộ xã, “lực hút” từ XKLĐ còn tạo ra một số khó khăn đối với cán bộ thôn. Thời điểm này, Chi bộ thôn Đông Nam đang trong “nỗi niềm” bầu bí thư chi bộ. Người bí thư chi bộ mới đây, dẫu tâm huyết nhưng đã 70 tuổi, có nguyện vọng xin nghỉ. Nhìn trong nguồn đảng viên, chi bộ tin tưởng giao nhiệm vụ cho một đồng chí trẻ, là thường vụ đoàn xã, phó bí thư chi bộ. Nhưng, theo tìm hiểu, đồng chí này đã làm xong hồ sơ để tới đây đi XKLĐ. Tìm hiểu thông tin tại UBND xã, được biết, đồng chí này là một trong những gương mặt trẻ được xã chú ý, đang tạo nguồn để bổ sung cán bộ đoàn xã.

Cũng tại Chi bộ thôn Đông Nam, trước đó, một đảng viên có trình độ đại học, là đại biểu HĐND xã, được đưa vào “tầm ngắm” giữ chức vụ chủ tịch Hội Nông dân xã, đang định hướng để chi bộ bầu giữ chức vụ bí thư chi bộ, thì đùng một cái, lại chọn con đường ra nước ngoài làm kinh tế.

“XKLĐ đã tạo thuận lợi rất lớn cho địa phương trong phát triển kinh tế, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Thế nhưng, mặt không thuận lợi của XKLĐ là việc tạo nguồn cán bộ gặp những khó khăn, nhất là đối với các tổ chức đoàn thể, cán bộ thôn. Vừa rồi, kiện toàn chi bộ 10 thôn mà rất khó tìm nguồn bí thư chi bộ vì nhiều đảng viên trẻ có ý định đi làm ăn xa” - ông Võ Nhân Nông cho hay. Được biết, hiện Thiên Lộc có hơn 1.030 người đi XKLĐ.

(Theo Báo Hà Tĩnh)