Trên Nikkei Asian Review, nhà phân tích Fraser Howie - đồng tác giả cuốn Red Capitalism: The Fragile Financial Foundation of China's Extraordinary Rise - mô tả cuộc điều tra đối với hãng gọi xe Didi Global là diễn biến mới nhất trong "vụ đụng độ giữa ngành công nghệ Trung Quốc và các cơ quan quản lý".

Chính quyền Bắc Kinh đang thắt chặt kiểm soát ngành công nghệ sau nhiều năm buông lỏng. Tác động của chiến dịch trấn áp được thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán. Hồi cuối năm ngoái, công ty fintech (công nghệ tài chính) Ant Group của tỷ phú Jack Ma bị yêu cầu hoãn IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu).

Còn Didi bị các cơ quan quản lý Trung Quốc giáng đòn ngay sau khi IPO trên sàn New York (Mỹ). Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi, khiến công ty này mất hàng triệu người dùng mới.

{keywords}
Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi ngay sau khi công ty IPO trên sàn Mỹ. Ảnh: Reuters.

Thời thế thay đổi

Chuyên gia Fraser Howie cho rằng cuộc trấn áp của Bắc Kinh khiến nhiều người nhớ đến ông Yang Huaiding, triệu phú chứng khoán đầu tiên trong thời kỳ cải cách của Trung Quốc. Sau khi từ bỏ công việc luyện thép vào cuối những năm 1980, ông Yang bắt đầu giao dịch cổ phiếu.

Ở thời điểm đó, hầu hết người Trung Quốc chưa từng nghe nói đến chúng. Sau khi đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên diễn ra vào cuối năm 1979, các doanh nghiệp quốc doanh trên cả nước cũng bắt đầu phát hành cổ phiếu.

Tuy nhiên, trong thập kỷ tiếp theo, những giao dịch vẫn khá lộn xộn. Các sàn giao dịch chính thức chỉ xuất hiện vào năm 1990. Trong giai đoạn đầu đầy biến động, một số nhà đầu tư đã thắng lớn.

Khi đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc đầu những năm 1990, cơn sốt cổ phiếu tràn lan khắp nơi. Hàng trăm nhà đầu tư lẻ như ông Yang cố gắng đưa thị trường trở nên lớn mạnh.

Tuy nhiên, đó là một thời kỳ đổi mới và thử nghiệm, thúc đẩy các công ty quốc doanh áp dụng những cấu trúc tiêu chuẩn để có thể tương tác với thực thể nước ngoài. Chính quyền Trung Quốc cũng đã học cách thực hiện quyền kiểm soát bằng việc trở thành cổ đông.

Hồi năm 1992, thị trường vẫn được giám sát bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Việc ngân hàng trung ương xử lý không hiệu quả các đợt IPO ở Thâm Quyến đã gây ra một cuộc bạo động. Điều này thúc đẩy tạo ra một cơ quan quản lý thị trường chứng khoán riêng.

Năm 1992, sàn giao dịch Thâm Quyến giao dịch tổng cộng 43 tỷ NDT (6,63 tỷ USD) cổ phiếu trong cả năm. Để so sánh, tháng trước, quy mô giao dịch trung bình hàng ngày ở Thâm Quyến là 555 tỷ NDT. "Giá cổ phiếu giờ đã xa rời giá trị của nó", ông Yang bình luận.

Thị trường Trung Quốc thường bị chi phối bởi những đợt đầu cơ điên cuồng. Điều đó dẫn đến hàng loạt vụ nổ bong bóng sau mỗi 5-6 năm. Thị trường đã thay đổi nhiều từ thời kỳ của ông Yang. Nhưng một số vẫn giữ nguyên.

Rủi ro tiềm ẩn

Với việc bong bóng tan vỡ diễn ra thường xuyên, đầu tư dài hạn nhìn chung không mang lại hiệu quả, trong khi đầu cơ ngắn hạn chiếm ưu thế. Đầu tư lẻ đã thay đổi đáng kể nhờ giao dịch trực tuyến. Nhưng tiền chủ yếu được kiểm soát bởi những quỹ tư nhân.

"Không thể coi Trung Quốc là quốc gia của các nhà đầu tư cổ phiếu", nhà phân tích Howie viết trên Nikkei Asian Review. Thành công của ông Yang và các nhà đầu tư khác chắc chắn đã giúp thúc đẩy thị trường trong những ngày đầu. Nhưng rõ ràng là không có cách nào để quay về giai đoạn hoang sơ ban đầu.

Cổ phần hóa thông qua phát hành cổ phiếu là một bước cần thiết để chuẩn bị cho các doanh nghiệp Trung Quốc làm những điều lớn hơn.

Tuy nhiên, những hạn chế về quy mô thực tế của thị trường và sự thận trọng đối với rủi ro pháp lý đã khiến nhiều công ty Trung Quốc muốn phát hành cổ phiếu trên sàn nước ngoài. Mô hình đó vẫn diễn ra đến tận ngày nay. Didi là công ty Trung Quốc mới nhất lên sàn Mỹ.

Hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn không phân bổ vốn hiệu quả. Quá nhiều tiền được đổ vào những mục tiêu chính sách hoặc cổ phiếu nóng. "Nhận định của ông Yang về giá cả và định giá cổ phiếu hoàn toàn chính xác", chuyên gia Howie nhận định.

{keywords}
Trong thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc như Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã huy động được khoảng 76 tỷ USD thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Mỹ. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, Bắc Kinh giờ nghi ngại việc doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn nước ngoài. Thị trường Mỹ từng được coi là nguồn vốn quan trọng mà Trung Quốc chưa thể thay thế.

Trong tuyên bố hôm 6/7, sau khi giáng đòn lên Didi, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết sẽ cải thiện các quy định và luật pháp liên quan đến bảo mật dữ liệu, luồng dữ liệu xuyên biên giới và quản lý thông tin mật. Hội đồng khẳng định đang tăng cường giám sát và sửa đổi các quy tắc đối với những công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn nước ngoài.

"Trung Quốc có thể không khuyến khích các công ty có triển vọng niêm yết ở nước ngoài. Điều đó sẽ thúc đẩy tham vọng phát triển thị trường tài chính tại Trung Quốc đại lục", chuyên gia Martin Chorzempa tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bình luận.

"Và các nhà đầu tư có thể muốn đặt câu hỏi cho doanh nghiệp Trung Quốc để đối phó với những rủi ro (pháp lý) tiềm ẩn", chuyên gia Howie nhận định.

(Theo Zing)

Các tập đoàn công nghệ tìm cách xoa dịu 'cơn thịnh nộ' của Bắc Kinh

Các tập đoàn công nghệ tìm cách xoa dịu 'cơn thịnh nộ' của Bắc Kinh

Chính quyền Trung Quốc đang mạnh tay trấn áp các công ty công nghệ lớn. Nhiều tập đoàn đã tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh để tránh né sự trừng phạt của giới chức trách.