Kết quả khảo sát của tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) cho thấy các công ty Trung Quốc chiếm tới trên 30% thị phần toàn cầu trong 15 sản phẩm và dịch vụ công nghệ chủ chốt.

Thực tế này một lần nữa cho thấy những thách thức mà các quốc gia đang phải đối mặt trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Cuộc khảo sát của Nikkei được thực hiện trong năm 2020, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành cùng với cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực khiến nền kinh tế toàn cầu trở nên “phân mảnh.”

{keywords}
Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất hàng đầu về pin cho xe điện. (Nguồn: Reuters)

Mỹ đã thúc đẩy chính sách "Mua hàng Mỹ," yêu cầu các cơ quan liên bang tăng cường mua hàng hóa do Mỹ sản xuất, đồng thời nỗ lực “hồi hương” hoạt động sản xuất các mặt hàng chiến lược như chất bán dẫn về nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các quốc gia vẫn đang phụ thuộc tương đối nhiều vào “công xưởng” Trung Quốc.

Cụ thể, loa thông minh, điện thoại thông minh, camera giám sát, máy tính cá nhân, máy điều hòa không khí gia đình và máy giặt là những mặt hàng mà Trung Quốc chiếm thị phần từ 30% trở lên.

Nikkei đã khảo sát 70 nguyên vật liệu, thành phần cốt lõi, thành phẩm và dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế toàn cầu.

Danh sách này bao gồm các sản phẩm có nhu cầu tăng cao khi nền kinh tế dần trở nên “xanh hơn,” ví dụ như tấm pin năng lượng Mặt Trời và pin ôtô điện, và các lĩnh vực liên quan đến sự chuyển dịch kỹ thuật số, chẳng hạn như dịch vụ đám mây.

Đáng chú ý, tập đoàn sản xuất pin và module năng lượng Mặt Trời LONGi Solar (Trung Quốc) dẫn đầu thị trường tấm pin năng lượng Mặt Trời trong năm 2020, trong khi tập đoàn sản xuất ôtô FAW Group (Trung Quốc) chiếm thị phần lớn trong phân khúc xe tải cỡ lớn và cỡ trung.

BOE Technology, hãng sản xuất màn hình lớn nhất Trung Quốc, đứng số một về thị phần màn hình tinh thể lỏng được sử dụng trong các thiết bị điện tử.

Trong lĩnh vực pin ôtô, Contemporary Amperex Technology (CATL), nhà sản xuất pin xe điện Trung Quốc đang vượt lên dẫn trước đối thủ LG Chem của Hàn Quốc.

Công ty Shanghai Energy New Materials Technology Co. (Semcorp) của Trung Quốc cũng đã "soán ngôi" tập đoàn hóa chất Nhật Bản Asahi Kasei trên thị trường vật liệu cách điện cho pin lithium-ion, chiếm 22,3% thị phần, trong khi Asahi Kasei chỉ chiếm 14,5%.

"Người khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies cũng giữ vị trí đầu bảng về số lượng trạm phát sóng mạng di động tốc độ cao 5G, mở rộng thị phần lên gần 40% ngay cả khi Mỹ kêu gọi các các quốc gia khác “quay lưng” với nhà cung cấp này vì lo ngại về bảo mật.

Một số nhà quan sát dự đoán, các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì thị phần và mở rộng hoạt động kinh doanh tại các nước phương Tây dưới áp lực của Washington. Tuy nhiên, những tác động trên thực tế là tương đối hạn chế.

Theo chuyên gia Keisuke Okano thuộc công ty cung cấp dịch vụ tài chính Deloitte Tohmatsu (chi nhánh của Deloitte tại Nhật Bản), việc phụ thuộc vào một số quốc gia nhất định trong những lĩnh vực quan trọng sẽ tạo ra rủi ro lớn về nguồn cung nếu xảy ra sự cố, thảm họa... Điều đó cũng làm suy yếu vị thế của người mua khi thương lượng giá cả.

Thực tế là nhà sản xuất ôtô Honda Motor (Nhật Bản) đã phải tạm dừng sản xuất trong một thời gian do tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu.

Cũng theo khảo sát, các công ty Mỹ dẫn đầu về thị phần của 24 mặt hàng và dịch vụ, trong đó có các thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin quan trọng như máy chủ và bộ định tuyến.

Nhật Bản chỉ giữ vị trí số một trong số 7 mặt hàng, chẳng hạn như máy photocopy, máy in đa chức năng và máy ảnh kỹ thuật số.

(Theo TTXVN/Vietnam+)

Các tập đoàn lớn nhất Trung Quốc điêu đứng vì đòn giáng của Bắc Kinh

Các tập đoàn lớn nhất Trung Quốc điêu đứng vì đòn giáng của Bắc Kinh

Chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát đối với các doanh nghiệp tư nhân và làm bốc hơi 1.200 tỷ USD vốn hóa của những công ty hàng đầu nước này.