Ăn theo đại lộ Thăng Long và sự phát triển về phía Tây của Hà Nội, dọc hai bên đường hàng loạt dự án BĐS mọc lên. Từng được ví như thiên đường ở phía Tây, bất động sản dọc đại lộ Thăng Long vẫn đang còn ngái ngủ sau giấc mộng dài. 

Nỗi ám ảnh của nhà đầu tư

Khác với không khí sôi động cách đây mấy năm, BĐS dọc hai bên đại lộ Thăng Long vẫn yên ắng sau thời kỳ sốt đất của phía Tây Hà Nội. Hàng loạt dự án lớn ở Hoài Đức dù đã tái khởi động nhưng vẫn khá trầm lắng. Theo đánh giá, đây là một trong những khu vực có sự phục hồi chậm ở phía Tây.

Thực tế, đại lộ Thăng Long đi vào hoạt động nhưng không thể kéo BĐS ở dọc hai ven đường nóng lên. Nguyên nhân chính là việc kết nối giao thông từ đại lộ vào các dự án vẫn rất khó khăn. Chưa kể tới hạ tầng xung quanh các dự án đều rất hạn chế. Chính vì thế, việc chủ đầu tư xây nhà xong không có người ở là điều hoàn toàn dễ hiểu.

{keywords}
Loạt nhà giàu hoang vắng bóng người

Sau 5 năm dài bất động, đến nay dự án Nam An Khánh đang được triển khai trở lại. Tuy nhiên, để có tiền tái khởi động dự án này, Sudico đã "cắt đất" Nam An Khánh bán cho các ngân hàng. Cụ thể, Sudico đã ký phụ lục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho TCD với giá trị chuyển nhượng tăng thêm gần 900 tỷ đồng, tổng giá trị hợp đồng là 2.100 tỷ đồng. Sudico cũng đã chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất HH2D với giá trị hợp đồng là 263 tỷ đồng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho MB với giá trị hợp đồng 203 tỷ đồng.

Thời điểm cuối năm 2014, Sudico đã công bố rộng rãi thông tin hoàn thành hợp đồng mua bán với 50 khách hàng cá nhân với tổng trị giá 300 tỷ đồng, hoàn thành ký kết hợp đồng Hợp tác đầu tư với Techcomdeveloper tại dự án Nam An Khánh với giá trị hợp đồng đạt 1.218 tỷ đồng. Đồng thời, Sudico cũng hứa hẹn sẽ đầu tư 220 tỷ đồng vào dự án.

Tại dự án Spendora, kết quả kinh doanh bết bát trong nhiều năm qua, các sản phẩm đã hoàn thành cũng ế ẩm, Vinaconex gặp bế tắc trong việc bán cổ phần dự ánđược ví như Paris của Hà Nội với slogan đầy mê hoặc “nơi ước đến, chốn mong về”.

Nằm ở phía Tây và khá xa khu trung tâm, các sản phẩm tại dự án Splendora được bán dưới dạng hoàn thiện chứ không phải nhà xây thô; cơ cấu diện tích lớn đồng nghĩa với việc người mua phải bỏ ra nhiều tỷ đồng để sở hữu căn hộ tại đây điều này khiến cho dự án gặp khó khăn trong thời gian dài.

{keywords}
Biệt thự triệu đô bỏ hoang lạnh

Một đại gia khác là PVN cũng đã phải thoái vốn khỏi siêu dự án PVN Tower. Trong tháng 07/2015, Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội được giao đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức chỉ định để triển khai dự án "Công viên giải trí, trường học và Tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Palace A" tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Đồng thời xem xét đề xuất của CTCP Đầu tư Mai Linh, quyết định việc chuyển đổi chủ đầu tư đảm bảo hiệu quả quỹ đất.

Theo quy hoạch này, PVN Tower sẽ có quy mô 102 tầng, chiều cao dự kiến là 528m, dự kiến xây dựng trên khu đất có quy mô 6,5 ha, mang tầm vóc trở thành dự án Tòa tháp cao nhất Việt Nam và thuộc hàng nhất nhì châu Á tại thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên, giấc mộng về dự án tỷ đô đã không được triển khai như kỳ vọng.

Chỉ chưa đầy 1 năm kể từ khi dự án ra đời, PVN Tower được điều chỉnh từ 102 tầng xuống còn 79 tầng, vốn đầu tư theo đó cũng giảm từ hơn 1 tỷ USD xuống còn 600 triệu USD. Gần 1 năm sau, ngay trước thời điểm dự án dự kiến được khởi công thì Petro Vietnam bất ngờ tuyên bố rút khỏi dự án PVN Tower theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm từng bước đưa tập đoàn ra khỏi lĩnh vực đầu tư bất động sản.

Trái đắng

Nỗi đau của BĐS đại lộ Thăng Long phải kể tới dự án Tricon Tower của Công ty CP đầu tư Minh Việt. Sau khi hoàn thành phần móng, cho tới nay, dự án vẫn đang chìm trong giấc ngủ dài và chưa biết tới ngày nào tái khởi động bởi chính ông chủ của dự án này hiện nay không còn có thông tin nào ở Việt Nam.

Theo thống kê chưa đầy đủ, 128 khách hàng đã ký hợp đồng mua bán căn hộ Tricon Towers từ những năm 2009, 2010. Đa số người mua nhà đã nộp khoảng 30-70% giá trị căn hộ. Các khách hàng nhẩm tính, tổng số tiền Công ty Minh Việt đã thu vào khoảng gần 400 tỷ đồng. Có người nộp nhiều nhất lên tới hơn 5,3 tỷ. Thời hạn giao nhà là 31/12/2011, muộn nhất là ngày 30/6/2012.

{keywords}
Khu vực này còn phải mất nhiều thời gian mới phát triển 

Việc bắt đầu vỡ lở từ khoảng đầu năm 2011, khi nhiều khách hàng sốt ruột muốn được tham quan dự án nhưng bị cách ngăn cản, trì hoãn nhiều lần. Các khách hàng bắt đầu tập hợp nhau lại, tìm hiểu tiến độ dự án thì được biết công trình mới xong móng và tầng hầm.

Sau nhiều lần làm việc, Công ty CP Đầu tư Minh Việt buộc phải cam kết hoàn thành thủ tục thanh lý hợp đồng vào trước ngày 31/8/2012. Thời hạn trả tiền cho khách hàng từ ngày 31/12/2012 đến ngày 10/1/2013. Sau đó, nhiều khách hàng không còn liên lạc được với chủ đầu tư là Công ty Đầu tư Minh Việt. Ông Edward Chi - một người Mỹ gốc Hoa là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc được cho là không còn ở Việt Nam. 

Tháng 4/2012, nhà thầu Conteccons đã gửi đơn kiện công ty này ra Trung tâm trọng tài thương mại (VIAC) với lý do không chịu thanh toán tiền thi công dự án Tricon Tower.

Lý giải khu vực đại lộ Thăng Long khá trầm lắng trong thời gian dài, bà Nguyễn Thị Hoài An, Công ty CBRE Việt Nam, cho rằng, các khu vực khác ở phía Tây đều có sự phát triển nhanh chóng trong khi khu vực này lại đang trầm lắng nguyên nhân chính là thiếu hạ tầng và giao thông. Đại lộ Thăng Long dù đi vào hoạt động song các tuyến đường kết nối vào các khu đô thị vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, hạ tầng cũng kém phát triển.

“Năm 2008, các dự án nhà ở người mua có vẻ hào hứng nhưng họ chưa hình dung phải mất một thời gian mới có thể sống được. Khu vực này cần có thêm thời gian khi kinh tế phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước lấp đầy và hạ tầng đồng bộ mới có thể thu hút được người mua”, bà An nói.

Duy Anh