Nguy cơ về chủ nghĩa bảo hộ đã lớn hơn bao giờ hết sau sự kiện Brexit, Donald Trump thắng cử, Thủ tướng Italia thất thế... Xu hướng này đang trỗi dậy gây lo ngại về khởi đầu của một tiến trình đổ vỡ các khối, các liên kết thương mại toàn cầu. Đã những cảnh báo về thách thức về 'thời của Trump' đang tới.

Bùng nổ chính sách bảo hộ

Bloomberg - tờ báo tài chính hàng đầu thế giới, vừa đưa một bài trích dẫn lời cảnh báo của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lên top 3 trang chủ.

Dẫn lời người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, tờ báo chuyên ngành nổi tiếng phố Wall (Mỹ) nhắc đến thách thức to lớn hiện nay là: “chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ trở lại”. Bên cạnh các thách thức về an ninh kinh tế, lương thực, tiền tệ, biến đổi khí hậu,... chủ nghĩa bảo hộ có thể ảnh hưởng tới nỗ lực thúc đẩy tự do thương mại trong khu vực cũng như ra thế giới.

Không chỉ ở Việt Nam, lo ngại về một xu hướng bảo hộ thương mại đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Quyết định từ chức của Thủ tướng Italy Matteo Renzi hôm 5/12 vừa qua (sau thất bại trong cuộc trưng cầu cải cách Hiến pháp) một lần nữa khiến thế giới giật mình sau quyết định sửng sốt khi người Anh lựa chọn rời EU (Brexit) hôm 23/6.

{keywords}
Chủ nghĩa bảo hộ đang gây lo ngại trên toàn thế giới.

Điều mà nhiều người lo ngại nhất chính là chủ nghĩa dân túy (quan điểm bảo hộ thị trường nội địa) đang lan rộng ở châu Âu. Bởi, một số nước cũng có thể theo chân Anh, như Pháp (Frexit), Hà Lan (Dutxit), Áo, Ý (Itexit), Thụy Điển (Swexit), Phần Lan và Hungary. Mới đây nhất, nhiều người Lativa đã ủng hộ ý tưởng quốc gia này rời EU.

Sức mạnh bảo thủ đang nổi lên ngay ở chính các nước lớn nhất, rõ nét nhất là ở Anh sau sự kiện Brexit và ở Mỹ, sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ và có thể sẽ là khởi đầu của một tiến trình đổ vỡ các khối, các liên kết thương mại đối với nền văn minh và chính trị phương Tây.

Sau sự tự tin ban đầu, gần đây, Trung Quốc đã thực sự tỏ ra lo lắng. Nếu như trước đó, nhiều người cho rằng, những phát ngôn theo chiều hướng bảo hộ mậu dịch của ông Trump chỉ là chiêu bài tranh cử, thì giờ đây họ đã nghĩ khác. Ông Trump có lẽ sẽ không chỉ là nhà lãnh đạo với tư duy của một doanh nhân thuần túy.

Những động thái gần đây của ông Trump, từ cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan, cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng NDT, rồi chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông,... đang khiến thế giới nghiêm túc đánh giá về các chính sách của ông Trump.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) được tỷ phú Trung Quốc Jack Ma mua lại từ Hong Kong hôm 4/12 đã cảnh báo về chính sách bảo thủ của ông Trump có từ 30 năm trước. Khi đó, phát biểu của ông Trump hướng mũi dùi hướng về phía Nhật Bản. Ông không hài lòng về việc Nhật xuất khẩu sản phẩm giá rẻ sang Mỹ, giống như những gì mà Trung Quốc đang làm.

Nước lớn co mình: Xu thế tất yếu hay lựa chọn nhất thời?

Với những động thái gần đây, nhiều nhà phân tích cho rằng, chính quyền mới của tổng thống đắc cử Donald Trump, bao gồm rất nhiều gương mặt bảo thủ, có thể sẽ có cách tiếp cận về thương mại cứng rắn với nhiều nền kinh tế và khu vực trên thế giới, từ khu vực tự do Bắc Mỹ cho tới châu Âu, Trung Quốc và có thể cả khu vực kinh tế phát triển năng động như Đông Nam Á.

Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) có thể bị xem xét lại. Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU gặp nhiều khó khăn,... Với Trung Quốc, nhiều khả năng các chính sách của Mỹ sẽ rất cứng rắn. Ông Trump muốn một nước Mỹ vĩ đại trở lại và không bị “cười vào mặt”.

{keywords}
Ông Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP.

Các chính sách bảo hộ mà ông Trump đề cập có thể sẽ phá vỡ nỗ lực của rất nhiều nước trên thế giới muốn xây dựng một nền kinh tế tự do hơn, cởi mở hơn. Điển hình như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định thế hệ mới tưởng chừng như sắp thành công sau nhiều năm xây dựng.

Các chính sách của ông Trump có thể khiến Mỹ đánh mất vai trò tại APEC, tại châu Á, tại Đông Nam Á,... thay vào đó là sự nổi lên của Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ không thể cản trở các quyết định của một vị tổng thống có khá cứng rắn như ông Trump, nhất là khi Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong cả hạ và thượng viện Mỹ.

Chính sách dân túy của ông Trump có lẽ còn được hậu thuẫn bởi một xu hướng đang nổi lên tại châu Âu và sự phân hóa rất mạnh ngay trong lòng nước Mỹ, trong lòng Liên minh châu Âu (EU),...

Không ít chuyên gia, bao gồm cả nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz, cho rằng, tự do hóa thương mại bỏ lại phía sau nhiều người. Đây cũng là một lý do dẫn tới tâm lý bài ngoại, bài tự do thương mại trong một bộ phận không nhỏ ở các nước lớn.

Có một thực tế là: chiến thắng của ông Donald Trump đã khiến thế giới hứng khởi ngoài sức tưởng tưởng trong khoảng một tháng qua. Người Mỹ hồ hởi đã kéo TTCK liên tục lập đỉnh cao mọi thời đại. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 19 trong số 23 phiên gần đây, với 4 phiên liên tiếp phá kỷ lục tính tới 8/12. Cũng “nhờ ông Trump”, chứng khoán toàn cầu đã tăng 2 ngàn tỷ USD, trái ngược hoàn toàn với dự báo trước đó.

Các nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ. Việc bảo hộ có thể giúp các nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong nước.

Tuy nhiên, đó có thể chỉ là trong ngắn hạn. Về dài hạn, tác động tiêu cực của chủ nghĩa bảo hộ được đánh giá là rất lớn. Chủ nghĩa bảo hộ ở một số nước lớn có thể sẽ khiến quan hệ kinh tế thế giới thay đổi. Đây có thể là cơ hội trăm năm có một để Trung Quốc nổi bật trên trường quốc tế.

H. Tú