Thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của ngành công thương Việt Nam đối với những thành tựu vừa qua đất nước đạt được.

 

{keywords}
Thủ tướng đánh giá cao thành tích xuất khẩu, xuất siêu của nền kinh tế.

Thủ tướng cho biết, tổng quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên mức 500 tỷ USD, lớn chưa từng có, tốc độ tăng gấp 4 lần so với bình quân thế giới.

Cụ thể, xuất khẩu năm 2019 hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao, với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 500 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018.

Cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục (9,94 tỷ USD) góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

“Những con số này 10 năm trước đây chúng ta không hình dung được. Bởi trước đây chúng ta nhập siêu liên tục”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Mặc dù trong cơ cấu này, hàng của doanh nghiệp Việt dù chưa cao bằng FDI song theo Thủ tướng, sự tăng trưởng này cũng đã thể hiện sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó tỷ lệ xuất khẩu hàng thô cũng giảm, thay vào đó các hàng hoá qua chế biến được đẩy mạnh hơn.

Thủ tướng cũng cho rằng, lạm phát thấp, đời sống người dân được cải thiện, mức sống tốt lên đưa tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng. “Ra đường phố người ta mua bán nhộn nhịp lắm, tôi rất vui mừng. Doanh nghiệp cần nghiên cứu để phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng. Dân có giàu nước mới mạnh”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng lưu ý ngành Công Thương cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách dài hạn, nhất quán, hướng tới tăng trưởng ổn định, phân bổ sử dụng nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường. Xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành cho 10 năm tới là khối lượng công việc rất nặng nề.

Thủ tướng đánh giá quy hoạch ngành rất quan trọng, làm chậm có thể cản trở sự phát triển. Thể chế, chính sách, quy hoạch phát triển tiên tiến sẽ tạo đà cất cánh cho Việt Nam, nhất là các ngành công nghiệp mũi nhọn.

Cho rằng năm tới là mốc quan trọng trong giai đoạn 2016-2020 và tiền đề cho giai đoạn sau, Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương 3 mục tiêu cần hoàn thành.

Thứ nhất, Thủ tướng giao chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp chế biến - chế tạo phải đạt 12%. Năm nay, tốc độ ngành này đạt 10%. Ông cho rằng ngành này là động lực chính cho tăng trưởng.

Thứ hai, người đứng đầu Chính phủ giao chỉ tiêu xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD ngay trong năm 2020.

“Đây là con số rất lớn đòi hỏi các giải pháp và sự nỗ lực. Đi liền với số đó là xuất siêu đạt khoảng 15-17 tỷ USD”, Thủ tướng nói.

Thứ ba, tăng trưởng thị trường bán lẻ đạt con số tăng trưởng khoảng 12%.

Để đạt các mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu lãnh bộ cần bám sát sản xuất và thị trường, tháo gỡ vướng mắc xuất nhập khẩu. Triển khai đồng bộ các hiệp định thương mại tự do, phát triển thị trường tiềm năng.

Cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ quá cao trong năm qua, Thủ tướng yêu cầu cần đa dạng hóa thị trường hơn nữa. Những thị trường quan trọng khác như 28 nước EU, các nước ký hiệp định CPTPP với VIệt Nam.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần quan tâm các ngành công nghiệp mũi nhọn. Bộ cần đẩy nhanh tái cơ cấu, xử lý các dự án thua lỗ; đảm bảo cung ứng đủ điện trong mọi tình huống, không để mất điện.

“Cần đẩy mạnh chống tham nhũng, gắn với trách nhiệm nêu gương, xứng đáng với truyền thống của ngành”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành công thương tiếp tục tái cơ cấu, tập trung xử lý các dự án thua lỗ kéo dài. Không chỉ 12 dự án mà có thể là 15 -17 dự án.

“Chúng ta không kêu ca cái cũ, đổi lỗi cho ai cả nhưng trách nhiệm của chúng ta là phải gánh những tồn tại này”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

{keywords}
Kinh tế đang có đà phát triển tốt.

2020 còn rất khó khăn

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ: Chúng ta thống nhất nhận định năm 2020, mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức về cơ bản vẫn rất lớn. Kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc, chủ nghĩa bảo hộ vẫn diễn biến phức tạp sẽ tác động mạnh tới xuất khẩu của nước ta. Trong nước, năng suất lao động trong nhiều lĩnh vực còn thấp, năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp còn hạn chế, yêu cầu toàn ngành Công Thương không chỉ cần nỗ lực, quyết tâm cao hơn mà còn phải sáng tạo hơn, đổi mới hơn, khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.

Với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả", Bộ Công Thương cam kết với Thủ tướng Chính phủ sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Trước đó, trong báo cáo tại hội nghị về định hướng năm 2020, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: “Mặc dù có kết quả khả quan, phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của khu vực và thế giới. Tuy nhiên xuất nhập khẩu còn nhiều chiều rộng, mức độ phát triển về chiều sâu chưa tương xứng với nỗ lực với yêu cầu".

Đặc biệt trong bối cảnh khi bảo hộ mậu dịch đang phát triển phức tạp, có nguy cơ làm cản trở sự hoàn thiện phát triển chống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, cũng như tự do hóa thương mại hóa của toàn cầu hóa, chúng ta thấy yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết, phải tiếp tục phát triển bền vững thị trường nước ngoài, dựa trên cơ sở tăng cường năng lực cạnh trạnh trên cơ sở tái cơ cấu lại nền công nghiệp, để đảm bảo khả năng tham gia thị trường quốc tế một cách bền vững”.

Đánh giá việc triển khai thực hiện các cam kết hội nhập, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ: Năm 2019 đã chứng kiến sự tăng trưởng rất nhanh chóng thương mại quốc tế của Việt Nam, đồng thời cũng thấy sự gia tăng nhanh chóng nhiều xung đột thương mại giữa trực tiếp của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác khu vực trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Công Thương, chưa bao giờ, số lượng điều tra về chống chống bán phá giá, cuộc tranh chấp thương mại khác với hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế tăng nhanh như vậy.

Điều đó cho thấy không chỉ còn là vai trò của một cơ quan trong điều phối chính sách chung về thương mại quốc tế, mà đặc biệt tập trung vào trong việc tổ chức thực thi các cam kết hội nhập trên những nền tảng để xử lý kinh tế thương mại, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, chủ thể khác của nền kinh tế trong quá trình phát triển bền vững ở thị trường quốc tế đang là những yêu cầu đặt ra nóng bỏng hơn bao giờ hết cho Bộ Công Thương, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan.

“Vì vậy, trong năm 2020, Đề án tăng cường quản lý nhà nước và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Đề án 824) Thủ tướng Chính phủ trực tiếp ký ban hành sẽ phải đi vào thực thi với sự tham gia sâu rộng của toàn bộ các hệ thống chính trị. Với vai trò bộ đầu mối, cơ quan thực thi trong biện pháp phòng chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại cũng như tăng cường quản lý nhà nước nói chung về chống gian lận thương mại, từ đó có biện pháp cụ thể, tạo sự tương tác kết dính chặt chẽ hơn nữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, giữa khu vực trong và các đối tác trong khu vực, quốc tế”- ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

H.Duy