Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nền kinh tế 2017 đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP đạt 6,7%, mức cao nhất trong gần 10 năm. Tại VBF, Thủ tướng nhấn mạnh: mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là lá phiếu ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ.

Tăng trưởng toàn diện

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến thời điểm này, có thể khẳng định kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.

Điểm nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; xuất khẩu tăng mạnh; khu vực công nghiệp phục hồi rõ nét, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tình hình chính trị, xã hội ổn định.

Một thành công nổi bật nữa là công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó có việc tổ chức thành công Năm APEC 2017. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng lên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đồng hành của VBF với cộng đồng doanh nghiệp và xác nhận, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, lớn lên cùng đất nước, đông thêm về số lượng và mạnh lên về tiềm lực và là động lực hàng đầu đưa GDP của nền kinh tế tăng trưởng cao, liên tục. GDP của Việt Nam năm 1997 mới đạt 27 tỷ USD nhưng đến 2017 ước đạt gần 220 tỷ USD. Phấn đấu đến 2020, GDP của Việt Nam sẽ đạt 300 tỷ USD.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn VBF

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 đạt mức kỷ lục, trên 120 nghìn, với số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 3 triệu tỷ đồng, đồng thời có trên 25 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Số vốn FDI đăng ký đạt kỷ lục trên 35 tỷ USD, tăng 30%; số vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm.

Theo Thủ tướng, mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là lá phiếu ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng phát triển trong ngôi nhà chung Việt Nam.

Theo Báo cáo 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh tế về môi trường kinh doanh, tăng 14 bậc so với năm 2017 và tăng 30 bậc so với 2012. Tổ chức xếp hạng Moody’s tháng 10/2017 cũng vừa nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.

Đổi mới và sáng tạo hơn nữa

Mặc dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo của Chính phủ, của cộng đồng DN, người dân.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi, cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế lan tỏa sâu rộng, nhiều phân tích và thực tiễn chỉ ra rằng, mô hình sản xuất thâm dụng vốn, lao động đơn giản, tài nguyên thiên nhiên,... đã không còn đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng, thay vào đó là khoa học công nghệ, tri thức và lao động sáng tạo.

Để làm được điều này, Việt Nam phải nỗ lực tìm ra những động lực tăng trưởng mới, phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhất quán đường lối đổi mới, tập trung hoàn thiện thể chế, quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho người dân.

Việc triển khai cơ chế chính sách tại các Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP đã thực sự mang lại “luồng gió mới” trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để tiếp tục cải thiện, nâng hạng môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới top 3 ASEAN và các chuẩn mực cao của OECD.

Cùng với đó, Chính phủ chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Phấn đấu trong năm 2018-2019 có thể ký hiệp định EVFTA với EU, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định RCEP,... với mục tiêu mang đến nhiều cơ hội cho các DN, tham gia vào chuỗi giá trị của các nước thành viên, mở ra không gian phát triển rộng lớn cho phát triển của nền kinh tế.

Chính phủ khuyến khích đầu tư vào giáo dục; quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô ổn định; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa về tái cơ cấu nền kinh tế, hệ thống tài chính ngân hàng, xử lý nợ xấu, kiểm soát thâm hụt ngân sách, xây dựng chính sách thuế theo hướng giảm gánh nặng cho DN.

Việt Nam cũng sẽ sử dụng linh hoạt các công cụ tài khóa, tiền tệ để nâng đỡ nền kinh tế, thúc đẩy công ăn việc làm và cải thiện đời sống người dân; tăng cường tính minh bạch, an toàn hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, duy trì tăng trưởng, đảm bảo thăng tiến xã hội để duy trì sự ổn định, gia tăng tầng lớp trung lưu và tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, cộng đồng DN là động lực và cũng là phương tiện để Chính phủ hiện thực hóa tầm nhìn của mình. Thủ tướng kỳ vọng Việt Nam sẽ có một lớp DN và doanh nhân mới, làm sao số đông các DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam có thể lớn mạnh và vươn ra biển lớn.

Chính phủ trân trọng những DN khởi nghiệp tại Việt Nam, nhưng không hoan nghênh hoạt động làm ăn không chân chính. Chính phủ sẽ xử lý nghiêm DN gây ô nhiễm, phá vỡ môi trường tự nhiên, sử dụng lao động bất hợp pháp, trẻ vị thành niên, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng... ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, trốn thuế, gian lận thương mại....

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cộng đồng DN là người định hình nên diện mạo Việt Nam trong các thập niên tới. Họ là người hiện thực hóa sự phát triển của nền kinh tế, trong khi đó Chính phủ là nhà kiến tạo.

M. Hà