Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 25/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành điện khi công suất điện đứng thứ hai khu vực ASEAN, chỉ sau Indonesia và đứng thứ 23 thế giới.

{keywords}
Thủ tướng lo lắng vì nhiều dự án điện chậm tiến độ

Theo Thủ tướng, ngành điện vẫn không ngừng nỗ lực, bảo đảm cung ứng điện cho nền kinh tế, sinh hoạt của nhân dân. Điều ấn tượng nhất là chỉ số tiếp cận điện năng được cải thiện vượt bậc, năm 2019 được xếp hạng 27/190 quốc gia trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, tăng 129 bậc (từ 156 lên 27). Tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân giảm 11% so với năm 2018.

Tuy nhiên, Thủ tướng bày tỏ lo lắng khi các dự án nguồn điện ngoài EVN chậm tiến độ, gặp khó khăn, dẫn tới việc đảm bảo đủ điện gặp nhiều thách thức.

Nhắc đến dự án nhiệt điện Long Phú 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang nằm đắp chiếu, Thủ tướng cho biết: Công trình này từ năm 2011 mà giờ 2019 tiến độ mới chỉ được 76%. Công suất 1.200 MW mà ban đầu chỉ đưa ra vốn đầu tư chỉ 1,2 USD nên làm không nổi. Nhiều dự án nguồn điện theo sơ đồ quy hoạch điện VII phải dừng lại, kể cả PVN, TKV, EVN… khiến tồn tại lớn nhất là thiếu nguồn, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển đất nước.

{keywords}
Thủ tướng trao Huân chương lao động cho lãnh đạo EVN.

Trong bối cảnh hạn hán thiếu nước, Thủ tướng yêu cầu EVN cần phải thể hiện vai trò chủ đạo, nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện, vận hành an toàn hệ thống; Ứng phó với tình hình khô hạn, nắng nóng khi nhu cầu điện tăng cao, có phương án điều phối hệ thống tốt.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với EVN và các tập đoàn lớn trong điều hành tốt than và khí cho việc cung ứng điện với quan điểm nếu thiếu khí thì phải ưu tiên cho sản xuất điện.

EVN đẩy nhanh tiến độ thực hiện 10 dự án nguồn điện được Thủ tướng giao làm chủ đầu tư, gồm: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Dung Quất 1, Dung Quất 3, Ô Môn 3, Ô Môn 4; các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, Trị An mở rộng; dự án thủy điện tích năng Bác Ái.

Các dự án nguồn điện BOT đóng vai trò quan trọng trong cân đối cung ứng điện năng. Bộ Công Thương cần đôn đốc các dự án BOT đã ký hợp đồng và đẩy nhanh tiến độ đàm phán các dự án BOT đã có chủ trương.

Đẩy nhanh tiến độ lưới truyền tải đồng bộ, bảo đảm giải tỏa hết công suất các nhà máy năng lượng tái tạo.

Thủ tướng cho rằng công tác tiết kiệm điện chưa thành công, chưa có cách làm thích hợp. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương trình Chính phủ chỉ thị tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả, các đoàn thể cùng tham gia, "đừng để đánh trống bỏ dùi, phát biểu trên diễn đàn mà thực hành chưa được bao nhiêu".

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nâng cao công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm.

Theo Thủ tướng, nút thắt cải cách hành chính của Việt Nam là thủ tục nên ngành điện phải hướng tới đứng đầu ASEAN và lấy các nước OECD làm mục tiêu. 

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết: Tính đến cuối năm 2019, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 54.880 MW. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới.

Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN năm 2019 đạt 231,1 tỷ kWh tăng 8,85% so với năm 2018. Đến nay, 99,52% số hộ dân của cả nước được cung cấp điện với sản lượng điện thương phẩm năm 2019 đạt 210 tỷ kWh, mức sử dụng điện bình quân trên người dân đạt 2.180 kWh/người/năm.

EVN hiện bán điện trực tiếp cho hơn 28 triệu khách hàng. Năm 2019, Tập đoàn đã đưa vào vận hành khoảng 1.400 MW nguồn điện, trong đó có 2 nhà máy nhiệt điện than và 3 nhà máy điện mặt trời công suất khoảng 120 MW. Tập đoàn đã khởi công 196 công trình và hoàn thành đóng điện 192 công trình lưới điện 110-500 kV.

Hà Duy