Ngày 20/2, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo về Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, việc thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ là căn cứ quan trọng giúp ngành thống kê tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương pháp chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế và thực tiễn.

{keywords}
Khu vực kinh tế chưa được quan sát là rất rộng lớn song khó có thể thống kê chính xác.

Khu vực kinh tế chưa được quan sát gồm 5 khu vực: Kinh tế ngầm (khu vực kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu giếm có chủ ý để tránh thuế, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội); Kinh tế bất hợp pháp (khu vực bị luật pháp cấm hoặc hợp pháp nhưng chưa đăng ký); Kinh tế chưa chính thức; Kinh tế tự sản tự tiêu (hộ gia đình); Kinh tế bị bỏ sót (khu vực, hoạt động bị sót trong quá trình thu thập thống kê).

Việc thực hiện Đề án này cũng góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê, phản ánh sát thực và đầy đủ hơn về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ kịp thời, hiệu quả khi xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các ngành, lĩnh vực và địa phương.

"Đã là kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp thì người ta không bao giờ khai báo. Đây là thách thức đối với ngành thống kê."- ông Nguyễn Bích Lâm chia sẻ.

“Thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát là có khó khăn, thách thức, tuy nhiên, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành có liên quan và sẽ có lộ trình thực hiện cụ thể từng năm... để Tổng cục Thống kê thực hiện thành công Đề án trong những năm tới”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nói.

Trước ý kiến cho rằng thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát là để tăng GDP, tăng khả năng vay nợ, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định: Tổng cục Thống kê có trách nhiệm thu thập phản ánh rõ nhất quy mô của nền kinh tế, đây là nhiệm vụ phải làm trung thực. Đó cũng là chính sách và quyết sách của Chính phủ. Hiện nay, nợ công/GDP của Việt Nam là 61,4%. So với các nước khác trên thế giới, nợ công của ta chưa phải là vấn đề, nhưng nền kinh tế của chúng ta quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính chưa dồi dào nên Quốc hội yêu cầu nợ công/GDP không quá 65%.

“Chúng ta không làm đẹp số liệu. Tăng quy mô GDP là phản ánh thực tế quy mô nền kinh tế thôi”, ông Lâm nhấn mạnh.

Một số nước như Hà Lan đã đưa hoạt động nhạy cảm như mại dâm vào thống kê và coi đây là một hoạt động kinh tế để quản lý. Vậy, tại Việt Nam, các hoạt động mại dâm, tham nhũng hay buôn lậu… sẽ được thống kê như thế nào?

Đề cập nội dung này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích, do đây là hoạt động vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hoá Việt Nam nên dù nhiều nước cập nhật vào GDP nhưng Việt Nam chưa chắc đưa vào tính toán.

“Riêng tham nhũng không phải hoạt động sản xuất, nên tham nhũng không nằm trong mục tiêu thu thập thông tin tính toán. Tham nhũng chỉ được phát hiện sau khi điều tra vụ án”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.

Bà Nguyễn Thị Hương, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết tới đây sẽ xác định và tính toán thu nhập của những nghệ sĩ có thu nhập cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và điện tử để phản ánh đúng sự đóng góp phần lao động của lĩnh vực này vào GDP.

Theo bà Hương, mục tiêu cao nhất trong việc thống kê khu vực chưa quan sát được là nhận diện các hoạt động, tổ chức quản lý tốt hoạt động sản xuất kinh doanh từ hộ cá thể đến tập đoàn, chứ không phải bất kỳ hoạt động nào cũng thống kê để đánh thuế.

Hà Duy