Bộ Công Thương vưa đưa ra lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam.

Dự thảo Thông tư nêu rõ cách xác định hàng hóa có xuất xứ thuần túy và hàng hóa không có xuất xứ thuần túy như thế nào được gọi là hàng sản xuất tại Việt Nam.

{keywords}
 

Theo Điều 8, hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam khi thuộc một trong các trường hợp: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam; động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam; các sản phẩm từ động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam; các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại Việt Nam…

Vấn đề phức tạp khiến Bộ Công Thương phải xây dựng riêng một thông tư cho hàng made in Vietnam là ở trường hợp thứ hai. Đó là hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.

Tại dự thảo này, Bộ Công Thương đưa ra 2 tiêu chí để xác định hàng hóa made in Vietnam. Đó là tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng và tiêu chí “chuyển đổi mã số hàng hóa”.

Đối với tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng, Bộ Công Thương đưa ra 2 công thức tính để doanh nghiệp lựa chọn áp dụng.

Một là, một hàng hóa được xác định là có xuất xứ Việt Nam khi có trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó. Ví dụ, một chiếc áo có giá xuất xưởng là 100 nghìn đồng, thì nếu trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam đạt khoảng 30% thì được công nhận là hàng made in Vietnam.

“Trị giá nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Việt Nam” bao gồm trị giá của nguyên liệu mua của nhà sản xuất trong nước hoặc do tổ chức, cá nhân tự sản xuất; chi phí nhân công trực tiếp, Chi phí nhà xưởng có liên quan đến quá trình sản xuất (bảo hiểm nhà xưởng, chi phí thuê và thuê mua nhà máy, khấu hao nhà xưởng, sửa chữa, bảo trì, thuế, lãi cầm cố); các khoản thuê mua và trả lãi của nhà máy và thiết bị; an ninh nhà máy; nghiên cứu, phát triển, thiết kế và chế tạo các chi phí khác và lợi nhuận…

Một công thức tính khác được Bộ Công Thương đưa ra để DN chọn lựa, đó là trị giá xuất xưởng trừ đi trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam chiếm khoảng 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa, thì hàng hóa đó cũng được coi là made in Vietnam.

“Trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam” là trị giá CIF (bao gồm cả cước vận tải và phí bảo hiểm tính đến cảng hoặc cửa khẩu của Việt Nam) của nguyên liệu nhập khẩu trực tiếp; hoặc giá mua đầu tiên tại thời điểm mua vào ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng đối với nguyên liệu không xác định được xuất xứ dùng để sản xuất, gia công, chế biến ra sản phẩm cuối cùng.

Một điều cần lưu ý, không phải cứ đạt trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam đạt 30% là hàng hóa đó được xác nhận made in Vietnam. Để được xác nhận hàng made in Vietnam, hàng hóa đó phải vượt qua giai đoạn gia công đơn giản. Một sản phẩm bị coi là không vượt qua công đoạn gia công đơn giản khi không cần sử dụng các kỹ năng đặc biệt, máy móc, dây chuyền hoặc các thiết bị chuyên dụng.

Ngoài tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng kể trên, tiêu chí thứ hai để xác định hàng hóa có được dán nhãn made in Vietnam hay không là tiêu chí “chuyển đổi mã số hàng hóa”.

Khác với tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng, tiêu chí “chuyển đổi mã số hàng hóa” này được dùng để xác định xem liệu các nguyên vật liệu “không có xuất xứ” đã được "gia công, chế biến đầy đủ” tại Việt Nam hay chưa.

Thực tế, trong quá trình sản xuất hàng hóa, sản phẩm, có loại sản phẩm được tạo thành từ những nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc khó xác định nguồn gốc xuất xứ.

Tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa này cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng 100% nguyên liệu nhập khẩu hoặc không xác định về xuất xứ trong quá trình sản xuất ra sản phẩm. Miễn là quy trình đó thỏa mãn quy định diễn ra sự chuyển đổi mã số hàng hóa và quy trình sản xuất của doanh nghiệp vượt qua công đoạn gia công đơn giản.

Trường hợp này, sản phẩm đó vẫn được cho là đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ.

Ví dụ, với mặt hàng gỗ ván ép, hiện nay các doanh nghiệp đều áp dụng tiêu chí xác định quy tắc xuất xứ là “chuyển đổi mã số hàng hóa”. Bởi lẽ rất khó truy xuất các loại gỗ trong tấm ván ép đó được doanh nghiệp mua từ nguồn nào, vùng nào, đơn vị nào cung cấp. Lý do là 1 tấm gỗ ván ép sản xuất ra, doanh nghiệp phải mua nguyên vật liệu qua nhiều đầu mối ở khắp các vùng miền.

Do đó trong trường hợp áp dụng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, nguyên vật liệu làm nên tấm gỗ ván ép DN kể cả mua trong nước hay nhập khẩu, hoặc thậm chí doanh nghiệp ghi vào đó là không xác định xuất xứ, mua ở trong nước trôi nổi trên thị trường, vẫn thỏa mãn quy định về quy tắc xuất xứ. Tất nhiên, sản phẩm đó phải vượt qua công đoạn gia công đơn giản như đã phân tích ở trên.

Lương Bằng