Tại Hội thảo Cơ chế Kiểm toán quyền lực trong lĩnh vực KTNN góp phần phòng chống tham nhũng, thực trạng và giải pháp diễn ra sáng 11/4, ông Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho hay, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm, các lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại với phương châm phòng là chính.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát.

{keywords}
ông Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế. 

Cụ thể, qua thanh tra, kiểm toán, KTNN đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 170.000 tỷ đồng, hơn 12.000 ha đất; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 300 văn bản quản lý nhà nước không còn phù hợp; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân sai phạm, chuyển gần 200 vụ việc sang cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, KTNN góp phần phòng chống tham nhũng là phải phát hiện ra sự việc từ khi đối tượng tham nhũng 5 tỷ, 10 tỷ, chứ nếu đã tham nhũng lên tới cả nghìn tỷ, chục nghìn tỷ thì không thể gọi đó là thành công. Phải phát hiện sớm, kịp thời, ngăn chặn, không để tham nhũng phát sinh.

Nói như TS. Nguyễn Minh Phong, chúng ta đang phải chạy theo hệ quả, đi xử lý hậu quả chứ chưa phải ngăn ngừa hậu quả xảy ra.

Trong khi đó, theo ông Vũ Đình Ánh, tham nhũng lớn nhất, nhiều nhất chính là ở lĩnh vực tài chính công, tài sản công, đặc biệt là việc tham nhũng quyền lực. Vì thế, ông Ánh cho rằng, việc KTNN tham gia phòng chống tham nhũng là chính xác, đặc biệt trong lĩnh vực tài sản công, tài chính công.

Bởi, KTNN là công cụ để Quốc hội, tức cơ quan lập pháp thực hiện một trong 3 chức năng quan trọng nhất của mình là giám sát tối cao, trong đó có việc giám sát quyền lực, lạm dụng quyền lực và nổi bật là phòng chống tham nhũng.

Tuy nhiên, nếu muốn “góp phần quan trọng vào phòng chống tham nhũng”, KTNN phải thay đổi tổ chức bộ máy, sau đó là câu chuyện thể chế (quy định pháp luật). Nếu chỉ dừng ở quy định như hiện nay ở Luật KTNN và Luật Phòng chống tham nhũng thì ông Ánh nhận định, KTNN chỉ là công cụ, thậm chí không phải là công cụ quan trọng trong vấn đề phòng chống, phát hiện, xử lý, tham gia xử lý tham nhũng.

Hơn nữa, đòi hỏi đội ngũ cán bộ cần năng lực khác, trình độ khác, thậm chí bản lĩnh khác. “Kiểm toán viên KTNN chưa được đào tạo đầy đủ về pháp luật để nhận biết các dấu hiệu tham nhũng nên hạn chế trong việc phát hiện và đấu tranh với các hành vi tham nhũng khi thực hiện nhiệm vụ của mình” , Phó Tổng KTNN Đặng Thế Vinh đánh giá.

Không được uống bia, hát karaoke với đơn vị đang kiểm toán

Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Tại Công điện số 407/CĐ-KTNN về việc “Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ” vừa ký ban hành, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc yêu cầu cán bộ, công chức ngành nâng cao hơn nữa việc giữ gìn tác phong, đạo đức công vụ; giữ gìn uy tín, hình ảnh và nguyên tắc độc lập, khách quan của Kiểm toán viên nhà nước.

Đặc biệt, không được đánh bạc dưới mọi hình thức; không sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán; không lợi dụng nhiệm vụ để vụ lợi; không được uống rượu, bia và hát karaoke với đơn vị đang được kiểm toán; nghiêm cấm việc bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quản kiểm toán. 

Văn bản này nhằm quán triệt và tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với kiểm toán viên khi thực hiện nhiệm vụ. Thời gian qua, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, kiểm toán viên KTNN chấp hành chưa nghiêm quy chế, quy định, quy trình và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Ngọc Hà