Vốn đầu tư tăng mạnh

Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, thời gian qua Tây Ninh áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thành lập doanh nghiệp, từ đó góp phần rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình thủ tục hành chính tại địa phương, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh.

Môi trường đầu tư của Tây Ninh ngày càng được cải thiện và hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước. Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm gần đây cho thấy Tây Ninh liên tục tăng hạng (năm 2019 hạng 15/63). So với giai đoạn trước, tỉnh tăng mạnh cả về số doanh nghiệp đăng ký mới và số vốn thu hút đầu tư.

{keywords}
Công nhân làm việc trong một doanh nghiệp FDI

Tính đến tháng 4/2021, tổng vốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 427,54 triệu USD, tăng 28% so cùng kỳ. Trong đó tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án với vốn đầu tư 74,25 triệu USD - bằng 78% về số dự án và 22% vốn đăng ký so cùng kỳ; 6 dự án tăng vốn với vốn tăng 357,18 triệu USD - tăng 128% về vốn đăng ký so cùng kỳ; 3 dự án giảm vốn với vốn giảm 3,88 triệu USD.

Lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 338 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 8 tỷ USD. Nhờ tăng vốn đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm của tỉnh tăng so với cùng kỳ, dù dự án thu hút mới giảm do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Tính đến tháng 4/2021, UBND tỉnh Tây Ninh đã ký kết 6 bản Thỏa thuận hợp tác quốc tế với 2 thành phố Gimhae, Chungju (Hàn Quốc) và 4 tỉnh Svay Riêng, Prey Veng, Tboung Khmum, Kampong Cham (Vương quốc Campuchia). Nội dung hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, trong đó, chủ yếu tập trung vào tiềm năng, thế mạnh của hai bên như nông nghiệp, thương mại, khoa học và công nghệ, giao lưu văn hóa thể thao.

Các dự án đầu tư nước ngoài hoạt động trải đều trên tất cả các huyện, thị xã thành phố của tỉnh. Trong đó, các dự án tập trung chủ yếu tại thị xã Trảng Bàng với 203 dự án (chiếm 62,1% số dự án FDI trên địa bàn tỉnh), huyện Gò Dầu 67 dự án (chiếm 20,4% số dự án FDI trên địa bàn tỉnh).

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút FDI có chọn lọc

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Tây Ninh, nhờ thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và của Tây Ninh nói riêng. Việc thu hút, sử dụng đầu tư nước ngoài thời gian qua cơ bản đáp ứng những mục tiêu đề ra về thu hút vốn, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, tiếp thu công nghệ…

Thời gian qua, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định. Các chỉ tiêu: doanh thu, xuất khẩu, nhập khẩu của các dự án tăng dần theo từng năm. Khu vực FDI đã góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

{keywords}
Tây Ninh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Tây Ninh, để đa dạng đầu tư, huy động các nguồn vốn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ và kết nối chuỗi giá trị doanh nghiệp của tỉnh và doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển hạ tầng đồng bộ, đầu tư hệ thống đường bộ, đường thuỷ, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hoá giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế với các tỉnh, thành phố; tiếp tục phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; nâng cao hiệu quả logistics nhằm giảm chi phí vận tải, chi phí đầu vào doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh.

Đặc biệt Tây Ninh sẽ đa dạng hoá thu hút vốn FDI, quan tâm lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, các tập đoàn có thương hiệu quốc tế, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Tỉnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư lớn có công nghệ tiên tiến, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu..

Mới đây UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 586 ngày 26/3/2020 về kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 217 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó, cụ thể hóa nhiệm vụ giao cho từng sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh Tây Ninh tiếp tục cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ gắn với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng minh bạch, có tính cạnh tranh cao; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá dịch vụ hành chính công, từ đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số PCI.

Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh vượt chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội X (giai đoạn 2015-2020) đề ra, đạt 8,04% mỗi năm. Tốc độ công nghiệp hoá cũng rất nhanh với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đến nay đã chiếm 75,5% trong GRDP. Trong đó, ngành công nghiệp đóng góp cao nhất cho tăng trưởng kinh tế địa phương, đạt 38,7% năm 2020.

Giai đoạn 2015-2020, tỉnh thu hút 145 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký gần 4,4 tỷ USD, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài cao trên cả nước.

M.M