Không chỉ là nơi khách du lịch tìm đến nghỉ ngơi, thư giãn mà còn là một không gian để làm việc, hội họp - mô hình khách sạn hotel-coworking xuất hiện tại Việt Nam đang trở nên khá mới lạ từ sau dịch Covid-19.

Theo nhận định của Savills, các nhà điều hành khách sạn đang có xu hướng chuyển đổi phòng khách sạn thành các văn phòng cho thuê. Do ảnh hưởng bởi Covid-19 nên hầu hết các công ty yêu cầu nhân viên luân phiên làm việc tại nhà để tuân thủ các quy định cách ly xã hội. Điều này khiến nhiều văn phòng đóng cửa toàn bộ hoặc một phần.

Savills cho rằng không gian làm việc chung (Co-working space) với thời hạn thuê ngắn sẽ được kiểm nghiệm tính hiệu quả. Bởi lẽ, nhu cầu từ các doanh nghiệp có qui mô vừa - nhỏ và các công ty khởi nghiệp là động lực thúc đẩy sự phát triển không gian làm việc chung. Trong khi đó, đây cũng là nhóm khách thuê rất nhạy cảm với suy giảm kinh tế.

{keywords}
Chuyển đổi từ khách sạn sang mô hình làm việc chung 

Từng có 10 năm công tác trong ngành du lịch, anh Bùi Đức Quân, một founder của Tizona, hình khách sạn hotel-coworking ở Hà Nội chia sẻ, mô hình khách sạn kết hợp không gian làm việc không chỉ phục vụ cho nhu cầu lưu trú của khách du lịch từ nơi khác đến như trước đây, mà còn đáp ứng nhu cầu của khách tại địa phương.

Năm 2018, sau quãng thời gian làm việc cho một công ty du lịch ở nước ngoài, từng đi và trải nghiệm ở nhiều nơi, anh Quân về nước lên ý tưởng về một mô hình khách sạn nhằm tối ưu tất cả chi phí và tối đa các dòng doanh thu để khách sạn phát triển bền vững.

Anh nhận thấy, tại nhiều khách sạn, dòng doanh thu chủ yếu tập trung vào khách du lịch, trong khi thời điểm du lịch cũng chỉ có mùa vụ vào những tháng nhất định, do vậy để đảm bảo doanh thu ổn định cần tận dụng thêm những nguồn lực khác để phát triển.

Mặt khác, hiện nay rất nhiều bạn trẻ, start-up, doanh nhân,... rất cần một không gian làm việc thoải mái, mới mẻ, yên tĩnh để thỏa sức sáng tạo hay gặp gỡ đối tác. Trong khi, tại nhiều quán café lại khá ồn ào, thiếu tính riêng tư, chưa đáp ứng được yêu cầu của một bộ phận khách hàng.

“Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hàng loạt khách sạn ở Hà Nội đóng cửa, từ đó tôi bắt đầu lên ý tưởng thực hiện mô hình khách sạn kết hợp với văn phòng làm việc” anh Quân nói.

Chỉ bằng cốc cà phê

Đến tháng 9/2020, anh bắt đầu áp dụng mô hình khách sạn hotel-coworking cho khách hàng trải nghiệm. Theo anh Quân, vấn đề khó khăn nhất là tâm lý khách hàng vì đa số mọi người còn e ngại khi vào khách sạn để làm việc. Song, để khắc phục điều này, thông qua các chương trình trải nghiệm, anh đang dần giới thiệu một không gian mới mẻ gây tò mò cho khách hàng, để họ dần xóa bỏ suy nghĩ định kiến đó.

Đáng chú ý, so với các văn phòng truyền thống, mô hình này không chỉ mang lại một không gian làm việc riêng tư, sang trọng, hiện đại để thảo luận, tiếp đối tác, tổ chức sự kiện tại khách sạn 4, 5 sao mà còn là nơi để nghỉ ngơi, thư giãn với nhiều dịch vụ như: spa, gym, bể bơi,... sau những giờ làm việc căng thẳng.

{keywords}
Hotel-coworking cạnh tranh trực tiếp với mô hình văn phòng chia sẻ 

Anh Quân cũng chia sẻ, giá các gói dịch vụ bao gồm: chỗ làm việc 4-8 tiếng, wifi, giấy bút, đồ uống, in ấn dao động từ 59.000-89.000 đồng/người. Ngoài ra, còn có các gói dịch vụ khác cho khách lựa chọn như: gói làm việc và phòng nghỉ ngày; gói làm việc và bữa trưa; gói làm việc và phòng nghỉ với giá khác nhau tùy loại.

Hiện mô hình này đã được anh triển khai ở 6 khách sạn tại Hà Nội. Thời gian tới, anh tiếp tục mở rộng ở Sài Gòn và Đà Nẵng, tăng số lượng lên 25-30 khách sạn để kết nối những không gian làm việc sang trọng, tiện nghi tại các khách sạn 4, 5 sao với nhiều khách hàng hơn nữa.

Sự chuyển đổi mô hình của start-up này đang là giải pháp cứu cánh cho các khách sạn khi nguồn khách quốc tế không còn. Tuy nhiên, mô hình này chịu sự cạnh tranh gay gắt từ co-working (mô hình văn phòng chia sẻ) đang khá phát triển, hay kéo khách từ quán cà phê sang mô hình này cũng không phải là điều dễ dàng. Bên cạnh đó, để phát triển tối ưu, mô hình mới này cần có không gian bàn ghế đế để làm việc và đảm bảo yên tĩnh cho khách hàng. 

Đánh giá về xu hướng mới này, đại diện Savills cho rằng, vẫn có cơ hội phát triển cho mô hình văn phòng này khi các doanh nghiệp này được kì vọng sẽ phục hồi nhanh chóng sau suy thoái và sự chuyển dịch nhu cầu của các khách thuê mới.

Trong đó, thương mại điện tử là ngành thu hút đông đảo khách hàng và tăng trưởng mạnh nhờ các hoạt động mua sắm trực tuyến trong thời gian cách li xã hội. Theo đó, các ngành dịch vụ này được kì vọng sẽ tạo ra nhu cầu văn phòng mới.

Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills TP.HCM, nhận xét: "Cơ cấu khách thuê đang dần thay đổi, từ không gian mở của các văn phòng chia sẻ đến các văn phòng dịch vụ, từ văn phòng dịch vụ đến các mô hình khách sạn, từ văn phòng hỗ trợ đến làm việc tại nhà. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xem xét lại nhu cầu để thay đổi các mục tiêu kinh doanh."

Duy Anh - Nhật Thanh