Diện mạo nông thôn mới ở Sóc Trăng

Năm 2020 được xem là một năm thành công của Sóc Trăng trong phong trào xây dựng NTM. Tính đến hết năm 2020, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, toàn tỉnh có 50/80 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 62,5%; trong đó có 1 xã NTM nâng cao, các xã còn lại đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Riêng thị xã Ngã Năm và huyện Mỹ Xuyên là hai đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh đã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm, tăng hai lần so với năm 2010; toàn tỉnh chỉ còn gần 3% số hộ nghèo, giảm gần 19% so với năm 2011; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; hơn 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp có đủ nước tưới và sử dụng nước chủ động; hơn 99% số hộ dân có điện sử dụng,…

{keywords}
 

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, sau thời gian thực hiện chương trình, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch… được đầu tư mới và nâng cấp phục vụ thiết thực đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tỉnh hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao; môi trường và điều kiện sinh thái nông thôn cải thiện theo hướng tích cực.

Ví dụ về cây lúa, hiện Sóc Trăng có trên 330ha trồng lúa theo hướng 5 VietGAP, 963ha trồng lúa theo hướng hữu cơ. Trên địa bàn tỉnh có 107 công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm từ đầu vụ/tổng diện tích gần 37.000ha.

Về sản xuất rau màu, có 129 nhà lưới, nhà màng, áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm với diện tích 8,4ha. Cây ăn trái phát triển theo hướng nâng cao chất lượng với 14 vùng trồng được cấp 44 mã code, diện tích 420ha/420 hộ. Tỉnh xây dựng được 4 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trên cây vú sữa, xoài, bưởi, nhãn. Sản xuất VietGAP được duy trì với diện tích gần 435ha. Đặc biệt đã liên kết tiêu thụ được trên 711 tấn cây ăn trái.

Trong chương trình OCOP, tỉnh Sóc Trăng đã công nhận được 99 sản phẩm, trong đó có 24 sản phẩm đạt 4 sao, 75 sản phẩm đạt 3 sao của 53 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thống nhất trình trung ương công nhận 8 sản phẩm đạt 5 sao.

Năm 2021, phấn đấu có thêm ít nhất 7 xã đạt chuẩn NTM

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025, Sóc Trăng phấn đấu có 72 xã đạt chuẩn NTM đạt tỷ lệ 90%, có 32 xã đạt chuẩn NTM, có 8 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; có 6 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm dựng NTM; có 2 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM nâng cao/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Ngay đầu năm, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh năm 2021. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2021, tỉnh có 7 xã đạt chuẩn NTM: Đại Hải, Kế An, Lai Hòa, Lạc Hòa, Thuận Hưng, Phú Tâm, An Thạnh Nam; có 5 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao: Tham Đôn, Viên Bình, Long Bình, Mỹ Hương, Vĩnh Hiệp; thị xã Vĩnh Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Theo ông Tô Ngọc Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Sóc Trăng, để thực hiện có hiệu quả chương trình trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, tỉnh chỉ đạo thực hiện lồng ghép có hiệu quả ba Chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Sóc Trăng đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo chiều sâu, trong đó tập trung thực hiện các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; phong trào “5 không, 3 sạch” và các phong trào khác của các tổ chức hội, đoàn thể. Đặc biệt là tuyên truyền để người dân tiếp tục phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, với phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân giám sát, Dân thụ hưởng”.

Năm 2021, ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh tổ chức Hội thi “Tuyến đường NTM kiểu mẫu” ở ba cấp tỉnh, huyện và xã nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, dấy lên phong trào thi đua xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở; tạo phong trào lan tỏa trong cộng đồng dân cư về xây dựng tuyến đường NTM kiểu mẫu, thực hiện tốt khẩu hiệu “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể”.

{keywords}
 Trồng cây ăn trái đặc sản tại Sóc Trăng

Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng khai thác được lợi thế của mỗi địa phương, mỗi vùng, ưu tiên phát triển thủy sản - trái cây - lúa gạo, phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù; Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.

Thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, đảm bảo an ninh nông thôn; giữ vững và phát huy sự đa dạng, phong phú về văn hóa của các dân tộc. Đặc biệt tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn; chủ động nghiên cứu, vận dụng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng chương trình.

N.Hân