Hoang phế 'đống sắt vụn'

Sau khi dự án “chết yểu”, theo cam kết dân sự TAND thị xã Kỳ Anh đứng ra phân xử nợ giữa chủ đầu tư dự án với 3 ngân hàng.

Theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư dự án và các ngân hàng, quá trình vay vốn sẽ được thế chấp tài sản hình thành trong tương lai bao gồm thiết bị, máy móc nhập khẩu phục vụ cho việc xây dựng dự án; tài sản công trình gắn liền với quyền sử dụng đất.

Sau khi bản án tòa có hiệu lực, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản của Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh, đồng thời, thuê Công ty Cổ phần Giám định và Thẩm định giá Phương Đông (trụ sở tại Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) tiến hành thẩm định giá.

Tài sản được thẩm định bao gồm toàn bộ thiếp bị máy móc và các công trình xây dựng hiện có của Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh tại lô B (kho thuê của Công ty Nông Lâm sản Hà Tĩnh) và lô D Khu công nghiệp Vũng Áng, phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh.

Tại chứng thư thẩm định giá do công ty Phương Đông gửi Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh ngày 5/3/2019 định giá tổng tài sản hiện có tại dự án thép Vạn Lợi là 108,7 tỉ đồng.

Sau khi có kết quả thẩm định tài sản, Công ty TNHH đấu giá Hồng Lĩnh được chọn làm đơn vị tổ chức bán đấu giá. Hồ sơ đấu giá tài sản Nhà máy thép Vạn Lợi được bán từ ngày 2/4, dự kiến đến ngày 26/4 sẽ tiến hành tổ chức đấu giá.

Siêu dự án chết yểu

Dự án Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi do Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư được tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt vào năm 2007. Dự án tọa lạc trên vùng đất rộng 25,8 ha tại Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) với tổng mức đầy tư lên tới 1.700 tỉ đồng, trong đó 2 cổ đông lớn nhất công ty Vạn Lợi 64%, công ty Hợp Thành 34%.

Dự án này do 3 ngân hàng làm “bà đỡ” về vốn gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam – VDB, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – VCB. Trong đó, các ngân hàng hùn vốn cho vay 85% (trên tổng mức đầu tư dự án) và chủ đầu tư chỉ là 15%.

Theo kế hoạch, dự án khởi công vào tháng 8/2008 với công suất 250.000 tấn/năm, sau đó nâng lên 500.000 tấn/năm. Tháng 2/2010 lắp đặt dây chuyền thiêu kết – luyện gang giai đoạn 1; tháng 7/2008 đến tháng 8/2010 lắp đặt toàn bộ thiết bị, tháng 3/2010 sản xuất thử ra phôi gang và tháng 8 ra phôi thép thương phẩm. Dự án hứa hẹn sẽ giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động tại đia phương.

{keywords}
Dự án Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi bỏ hoang từ năm 2008 đến nay.

Ngay từ đầu, dự án với sự góp vốn của các ngân hàng nhà đầu tư đã ồ ạt san lấp mặt bằng, đầu tư nhà xưởng, thiếp bị máy móc khiến cho người dân tin rằng những sản phẩm thép thương hiệu Vạn Lợi cho ra lò một ngày không xa. Thế nhưng, sau cả chục năm ngóng đợi, dự án này vĩnh viễn không cho một “que” thép nào ra lò, ngượi lại, những sản phẩm sắt thép “xin” nhập về đầu tư cho dự án trở thành “phế liệu”.

Cụ thể, từ năm 2010, việc đầu tư vào dự án thép Vạn Lợi gần như đình trệ, dự án bị bỏ hoang. Tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần ra “tối hậu thư” cho nhà đầu tư tiếp tục dự án nhưng bất thành, cực chẳng đã đến năm 2015 UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định thu hồi dự án.

Trong gần 10 năm nay, các tài sản của dự án nằm chơ vơ giữa nắng mưa, không được bảo trì định kì, hiện nhiều tài sản ngoài trời đã hoen gỉ, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng.

Trong quá trình đầu tư các ngân hàng “bơm” cho dự án này tổng số tiền hơn 705 tỉ đồng; trong đó ngân hàng VDB góp hơn 582 tỉ đồng, ngân hàng BIDV góp hơn 49,5 tỉ đồng, ngân hàng Vietcombank góp hơn 74 tỉ đồng.

Sau khi dự án “chết yểu”, theo cam kết dân sự TAND thị xã Kỳ Anh đứng ra phân xử nợ giữa chủ đầu tư dự án với 3 ngân hàng. Theo đó, Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh phải trả khoản nợ gốc, nợ lãi quá hạn và nợ lãi phạt quá hạn cho 3 ngân hàng tổng số tiền gần 1.507 tỉ đồng.

Lê Minh