Jack Ma tiếp tục gặp khó

Theo Bloomberg, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (Trung Quốc) sẽ tiến hành điều tra hành vi độc quyền của Alibaba, sàn thương mại điện tử của tỷ phú Jack Ma. Cục này cho biết, họ sẽ điều tra hoạt động của công ty trong việc yêu cầu người bán ký thỏa thuận nhằm ngăn cấm bán sản phẩm trên các nền tảng bán hàng trực tuyến của đối thủ, được gọi là chính sách "chọn một trong hai".

Chiến dịch chống lại Alibaba và các gã khổng lồ công nghệ khác bắt đầu tăng cao vào tháng 11, sau khi Jack Ma bày tỏ những ý kiến bất đồng về rủi ro của hệ thống tài chính Trung Quốc và lo ngại về mô hình giám sát tài chính. Ngay sau đó là sự biến mất bí ẩn suốt hơn 2 tháng qua của tỷ phú này.

Các động thái pháp lý là bước đi mới nhất trong một chuỗi các hành động mà Trung Quốc thực hiện nhằm thắt chặt quản lý đối với các tập đoàn công nghệ quốc gia khổng lồ của mình.

{keywords}
Trung Quốc mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba

Kể từ khi ra đời vào năm 1999, Alibaba từ một công ty thương mại điện tử truyền thống trở thành một đế chế hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ logistics cho tới giao đồ ăn, điện toán đám mây. Alibaba đang niêm yết trên sàn chứng khoán New York và có vốn hóa hơn 460 tỷ USD.

Các nền tảng thương mại điện tử có hàng trăm triệu người dùng và thống trị lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Ant Group cũng là nền tảng thanh toán trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cung cấp mọi thứ từ tài khoản đầu tư và sản phẩm tiết kiệm vi mô đến bảo hiểm, tích điểm tín dụng.

Jack Ma là người đồng sáng lập Alibaba, từng giữ chức chủ tịch điều hành. Jack Ma cũng là đồng sáng lập tập đoàn Ant và nắm quyền kiểm soát tập đoàn - vốn coi là một nhánh của Alibaba này.

Bloomberg nhận định, đây được coi là động thái tăng cường giám sát của chính quyền đối với hai trụ cột trong đế chế trị giá hàng trăm tỷ USD của tỷ phú giàu nhất Trung Quốc - Jack Ma.

Cùng lúc này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cảnh cáo sẽ giám sát và hướng dẫn Ant về các vấn đề liên quan tới cạnh tranh công bằng và bảo vệ người dùng. Trong một tuyên bố, Ant cho hay đã nhận được thông báo từ nhà chức trách và sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tuân thủ chặt chẽ tất cả quy định.

Giá cổ phiếu công ty thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc giảm 9%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng Sáu, trong phiên giao dịch ngày 28/12. Bất chấp kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 10 tỷ USD (tăng so với kế hoạch mua lại trị giá 6 tỷ USD trước đó), cổ phiếu niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong chứng kiến các đợt bán tháo liên tiếp trong hai phiên vừa qua. Điều này khiến cổ phần Alibaba mất gần 116 tỷ USD giá trị.

Ngày 28/12, tổ chức tài chính Nomura nhận định giá cổ phiếu Alibaba có thể giảm thấp hơn nữa trong ngắn hạn do Trung Quốc tăng cường các quy định về quản lý công ty ngành công nghệ.

Trưởng bộ phận đầu tư của Beijing Yunyi Asset, Zhang Zihua, cho rằng cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba vẫn chưa xác định cụ thể các hình phạt, điều này khiến các nhà đầu tư rất lo ngại.

Kiểm soát chống độc quyền

Từng được coi là lực đẩy cho sự thịnh vượng kinh tế và là biểu tượng sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, Alibaba và các đối thủ như Tencent Holdings đang ngày càng chịu nhiều sức ép từ chính quyền.

Theo Financial Times, cuộc điều tra Alibaba đánh dấu hành động quyết liệt nhất của nhà quản lý Trung Quốc nhằm xử lý quyền lực ngày một lớn của các hãng công nghệ. Kiềm chế những doanh nhân nắm giữ khối tài sản khổng lồ như Jack Ma cũng nằm trong chiến lược ngăn chặn những người lợi dụng sự tự do của thị trường để mở rộng đế chế tài chính.

{keywords}
Cuộc chiến giữa hai ông lớn công nghệ 

Cơ quan quản lý lo ngại tham vọng của các đế chế tài chính sẽ tác động tiêu cực đối với an sinh xã hội, vì các dịch vụ mà họ cung cấp có ảnh hưởng đến gần như mọi phương diện trong cuộc sống của người dân.

Tháng trước, Trung Quốc công bố dự thảo quy định chống độc quyền đầu tiên dành cho lĩnh vực Internet khiến cổ phiếu của các hãng chao đảo. Các nhà phân tích cho rằng Alibaba có nguy cơ lớn nhất.

Scott Yu, chuyên gia chống độc quyền tại hãng luật Zhong Lun, cho rằng đây là cuộc điều tra chống độc quyền đầu tiên tại một công ty Internet Trung Quốc vì lạm dụng sức mạnh thị trường. Theo ông, kịch bản xấu nhất là Alibaba có thể bị phạt tối đa 10% doanh thu năm 2019.

Ngành Internet của Trung Quốc đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chính phủ để đổi mới, nhưng ngành này phải tuân thủ các quy tắc và luật pháp. Các công ty công nghệ đã từng gây sức ép với người bán.

Đơn cử, nhà sản xuất lò vi sóng lớn nhất thế giới Galanz tố cáo Alibaba chuyển hướng truy cập của khách hàng khỏi gian hàng Tmall sau khi hãng này bán hàng trên Pinduoduo, đối thủ của Alibaba. Galanz cho biết doanh số của họ sụt giảm mạnh vì không “trung thành” với Alibaba.

JD và Pinduoduo - cả hai sàn thương mại điện tử được Tencent hỗ trợ - cũng kiện Alibaba vì hành vi tương tự, tố đối thủ lợi dụng độc quyền để ngăn cản bán hàng trên dịch vụ của họ.

Cục Quản lý Quy chế Thị trường Nhà nước Trung Quốc đã phạt Alibaba và Tencent 500.000 nhân dân tệ mỗi công ty vì trong quá khứ, họ từng thực hiện một số thương vụ mua lại nhưng không xin ý kiến cơ quan quản lý.

Ông Dong Ximiao, nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính Internet Zhongguancun, đánh giá, cơ quan chức năng đang phối hợp để kiểm soát đế chế của Jack Ma, một tập đoàn đại diện cho các tổ chức 'quá lớn để có thể sụp đổ' tại Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc muốn thấy các công ty nhỏ, ít chi phối và tuân thủ quy định hơn.

Tuy nhiên, theo một bài viết trên People's Daily, đại diện cơ quan chức năng cho rằng, cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba cho thấy Trung Quốc đã thay đổi thái độ ủng hộ và khuyến khích dành cho các nền tảng Internet. Cuộc điều tra sẽ đảm bảo sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực Internet.

Thư Kỳ