Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, dự báo đến năm 2018, tổng lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất sẽ cán mốc 40 triệu lượt - ngưỡng của sân bay này. Trong khi đó, nhanh nhất phải đến năm 2025, sân bay Long Thành mới bắt đầu khai thác.


Tại cuộc họp tổ công tác về tìm giải pháp giảm ùn tắc quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông chủ trì vào cuối tuần rồi, ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, cho biết năm 2016, dự báo lượng hành khách đến sân bay này sẽ đạt 31 triệu lượt và có thể cán mốc 40 triệu lượt vào năm 2018. Tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách mà hoạt động khai thác của các hãng hàng không cũng bị tác động.

Thiếu cả sân đỗ máy bay

Tháng 10-2015, Bộ GTVT đã công bố quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, sân bay có 82 vị trí đỗ máy bay, gồm 54 vị trí của hàng không dân dụng và 28 vị trí của hàng không lưỡng dụng. Nhà ga hành khách sẽ được cải tạo để đáp ứng đạt công suất 25 triệu hành khách và nhà ga hàng hóa đến năm 2030 đạt 1 triệu tấn/năm.

{keywords}

Sân bay Tân Sơn Nhất thường quá tải vào dịp lễ, Tết Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cục Hàng không Việt Nam đã nỗ lực trong việc sớm hoàn chỉnh điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất nhưng thực tế, dù quy hoạch mới điều chỉnh nhưng một số chỉ tiêu đã bị vượt. Quý I/2016, sân bay Tân Sơn Nhất đã phục vụ 7,89 triệu lượt hành khách, tăng 25,26% so với cùng kỳ. Trong năm rồi, tổng cộng hơn 26,5 triệu lượt hành khách đã qua Tân Sơn Nhất, vượt công suất thiết kế của sân bay này đến năm 2020. Còn theo dự báo của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam đến năm 2018, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất có thể cán mốc 40 triệu lượt. Mốc này được cho là ngưỡng của sân bay và rất khó tăng thêm.

Trong khi đó, phải đến năm 2025, dự kiến sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) mới đi vào khai thác giai đoạn 1. Giải quyết tình trạng quá tải sân bay Tân Sơn Nhất trong 9 năm, đợi đến khi có sân bay Long Thành đang là bài toán không đơn giản.

Tình trạng quá tải ở sân bay khiến chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách khó đáp ứng như kỳ vọng. Hiện mỗi ngày có khoảng 550 chuyến bay cất - hạ cánh ở Tân Sơn Nhất nhưng dịp Tết Nguyên đán 2016 vừa qua, lúc cao điểm lên tới 726 lượt/ngày. Lượng hành khách qua đây tăng đều đặn 2 con số mỗi năm, trong khi hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng không cải thiện tương xứng, các hãng thiếu cửa (gate) ra tàu bay, thiếu phòng chờ cho hành khách - nhất là khi tình trạng chậm, hủy chuyến xảy ra...

Thiếu bãi đỗ máy bay cũng là vấn đề đau đầu với cả sân bay và các hãng. Nhiều chuyến bay đã hạ cánh nhưng phải chờ trên đường lăn vì không có bãi đậu, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách và tác động dây chuyền đến những chuyến bay tiếp theo... Nhu cầu bãi đỗ máy bay của các hãng đang khai thác ở Tân Sơn Nhất là 70 vị trí nhưng thực tế chỉ có 46. Nếu cải thiện thêm bãi đỗ từ 7,63 ha đất quốc phòng bàn giao cho sân bay Tân Sơn Nhất thì cũng chỉ tăng thêm 2 vị trí. Chưa kể, trong 7,63 ha đất quốc phòng này, vẫn còn hơn 3 ha đang vướng giải phóng mặt bằng.

“Hơn 3 ha chưa bàn giao do trước đây, Vietnam Airlines thuê và nay chưa xây dựng xong khu vực nhà xưởng mới để di chuyển các công trình xây dựng của Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam thuộc Vietnam Airlines tại Tân Sơn Nhất” - một đại diện sân bay giải thích.

Cuối năm 2015, Bộ Quốc phòng cũng thông tin sẵn sàng nhường 20 ha đất quốc phòng các loại ở khu vực sân bay cho Bộ GTVT để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nhưng đến giờ, các bước tiếp theo vẫn gần như “chưa có gì”.

Để giải quyết tình trạng thiếu sân đậu, phía sân bay Tân Sơn Nhất đã đề xuất nghiên cứu đậu máy bay ở các sân bay vệ tinh như Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ nhưng các hãng không mặn mà. Phó tổng giám đốc một hãng hàng không giá rẻ phân tích: Đậu máy bay ở các sân bay vệ tinh là gây khó cho hãng bởi bài toán hiệu quả kinh doanh không đáp ứng. Chẳng hạn, chuyến bay sớm nhất ở Tân Sơn Nhất của hãng khởi hành lúc 5 giờ thì chuyến bay đầu tiên đón khách ở sân bay vệ tinh như Cam Ranh phải xuất phát từ 4 giờ, thời điểm không có hành khách.

Theo một số chuyên gia hàng không, do hạn chế về diện tích, những dự án cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua chỉ mang tính chất chắp vá nên khó nâng đồng bộ chất lượng dịch vụ. Ngay cả nhà ga quốc nội, sau nhiều lần sửa chữa cũng chỉ “chắp vá” vì vừa nâng cấp vừa khai thác.

Đau đầu vì… slot

Mỗi khi lễ, Tết, nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao hoặc các hãng liên tục mở thêm đường bay từ TP HCM đi các nơi trong và ngoài nước nhưng phương án tăng tải của các hãng đều gặp thách thức vì slot (điều phối giờ cất - hạ cánh tại sân bay). Về nguyên tắc, Hội đồng Điều phối slot (gồm Bộ GTVT, Cục Hàng không, các hãng hàng không, doanh nghiệp cảng, quản lý bay) sẽ tiến hành phân bổ slot theo lịch bay mùa và các hãng đều phải đăng ký trước. Theo đại diện Cục Hàng không, năng lực của sân bay Tân Sơn Nhất hiện không thể đáp ứng nhu cầu khai thác lẫn nhu cầu máy bay đậu qua đêm của các hãng.

Đại diện Vietnam Airlines cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất đã và đang khai thác với năng lực thông qua tối đa. Do vậy, khi nhu cầu tăng đột biến, phương án tăng tải của các hãng đều gặp thách thức về slot. Dù Cục Hàng không đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng thêm năng lực khai thác tại sân bay này nhưng do vấn đề an toàn bay và chất lượng dịch vụ nên số slot tăng thêm vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các hãng.

“Đây không phải là vấn đề của riêng Tân Sơn Nhất. Trên thế giới, các sân bay được điều phối slot (sân bay có năng lực khai thác không đáp ứng được nhu cầu của các hãng hàng không) đều bị tình trạng tương tự. Do đó, cục và các hãng cần phối hợp để đưa ra giải pháp phân bổ slot, như: giới hạn trong một khung giờ, có phương thức phân bổ theo tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm công bằng đối với các hãng hàng không nội địa” - đại diện Vietnam Airlines đề xuất.

Kỳ tới: Lo chuyện ngập nước

Khai thác tốt nhất những gì đang có

Lãnh đạo một hãng hàng không cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, vượt quy hoạch cả 5 năm, trong khi sân bay Long Thành phải đến năm 2025 mới khai thác, do đó cần khai thác tốt nhất những gì đang có.

Dịp Tết Nguyên đán 2016 vừa qua, ngày cao nhất có tới 726 lượt máy bay cất - hạ cánh ở Tân Sơn Nhất nhưng hoạt động an toàn bay vẫn bảo đảm, sân bay vẫn phục vụ hành khách tốt. “Vậy hãy xem sắp tới, lượng hành khách tiếp tục tăng và có thể lên đến 726 lượt cất - hạ cánh mỗi ngày để có giải pháp phù hợp. Quan trọng nhất là sự phối hợp hiệu quả giữa các bên để nâng cao năng lực điều hành, khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất” - vị này góp ý.

(Theo Người Lao Động)