Sự cố của Note 7 đang “thiêu trụi” hình ảnh Samsung niềm tự hào của Hàn Quốc. Nó cũng cảnh báo nền kinh tế định hướng xuất khẩu của nước này quá phụ thuộc nhiều vào Samsung và nhiều tập đoàn gia đình khác.

Tình cờ xem được bản tin về việc điện thoại thông minh Galaxy Note 7 bị cấm mang lên máy bay vì dễ cháy nổ tại nhà chờ sân bay ở Narita (Nhật Bản), ông Kim Jeong-min, một giáo viên đã nghỉ hưu, cảm thấy ngại ngùng trước những ánh mắt nhìn mình.

Tuy không sử dụng Galaxy Note 7 nhưng ông cũng là một trong những người dân Hàn Quốc. “Dù thích hay không, Samsung trên thị trường thế giới cũng như đội tuyển bóng đá quốc gia tham dự Olympic”, ông nói.

Thành công của Samsung cũng giống như câu chuyện lịch sự của Hàn Quốc, từ môt nước nông nghiệp bị tàn phá trong chiến tranh trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế. Đối với người Hàn, Samsung có một vị trí đặc biệt. Một số người còn nói rằng, họ đang sống tại “nước Cộng hòa Samsung”. 

{keywords}
Samsung môt niềm tự hào của Hàn Quốc

Cuộc sống của người dân gắn liền với Samsung từ khi chào đời cho tới lúc kết thúc. Họ sinh ra tại một bệnh viện của Samsung, học đại học tại Samsung, đi nghỉ trăng mật tại một khách sạn Samsung, mua nhà do Samsung xây dựng, sử dụng các thiết bị điện tử Samsung. Họ cũng đưa con tới vui chơi tại công viên giải trí Samsung và chết an táng tại một nhà tang lễ Samsung.

Từ một công ty lắp ráp linh kiện bán dẫn, Samsung đã trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới: TV màn hình phẳng, chip máy tính, điện thoại thông minh, là niềm tự hào dân tộc. Năm ngoái, sản phẩm Samsung chiếm 20% trong tổng số 527 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, sức mạnh của cột trụ chính nền kinh tế Hàn Quốc đang bị đe dọa khi phải thu hồi hơn 3 triệu chiếc Note 7 trên toàn cầu. Samsung đã khai tử dòng sản phẩm này. “Đây không chỉ là vấn đề của Samsung. Nó là khó khăn cho toàn bộ nền kinh tế”, lãnh đạo Đảng đối lập Moon Jae-in cho biết.

Tại Hàn Quốc, Samsung là thương hiệu đứng số 1, còn trên toàn cầu, Samsung đang xếp thứ 7 trong tổng số 100 thương hiệu toàn cầu tốt nhất, theo đánh giá của Interbrand. Những chiếc smartphone Galaxy mang hình ảnh công nghệ cao hơn bất kỳ sản phẩm nào khác tại Hàn Quốc.

Công thức thành công của Samsung là sao chép sản phẩm đối thủ bằng cách làm cho chúng rẻ hơn, tốt hơn và nhanh hơn. Samsung cũng là đối thủ nặng ký của Apple trong cuộc chạy đua về công nghệ di động toàn cầu.

Liên quan đến Galaxy Note 7, theo CNN, có khoảng 2,5 triệu chiếc đã được thu hồi. Giới phân tích cho rằng việc này có thể “đốt” khoảng 17 tỷ USD của Samsung, cùng với đó là những thiệt hại về hình ảnh, thương hiệu chưa thể đong đếm.

Trong báo cáo tài chính quý III công bố hôm 7/10, Samsung gây bất ngờ khi tuyên bố lãi 7 tỷ USD trong 44 tỷ USD doanh thu, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xét về tổng giá trị công ty, Samsung mất đến 22 tỷ USD vì sự cố Galaxy Note 7 làm giảm 11% giá cổ phiếu, tính đến 9/9.

Thảm họa Note 7 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng của Samsung, đồng thời như cảnh báo rằng nền kinh tế Hàn Quốc đang quá phụ thuộc vào Samsung và một số tập đoàn kinh tế gia đình khác. Quốc gia này phải chạy đua để theo kịp những ông lớn như Apple hay giữ vững vị thế với đối thủ Trung Quốc.

Một đại gia khác của kinh tế Hàn Quốc, Hanjin Shipping, hãng vận tải container đường biển lớn nhất Hàn Quốc, trước đó đã tuyên bố sẽ đóng cửa toàn bộ hoạt động tại trường châu Âu do đơn hàng sụt giảm chóng mặt.

Sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 8, Hanjin đã rao bán mảng kinh doanh vận tải giữa châu Á và Mỹ. 

Tháng 8 vừa qua, các chủ nợ của Hanjin đã cắt cung cấp tài chính cho hãng, khiến nhiều tàu của Hanjin bị mắc kẹt ngoài khơi cùng với hàng hóa.

Nam Hải