Với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm thu hút đầu tư, Quảng Ninh đang dần trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Tăng cường hợp tác đối ngoại

Từ năm 2015 đến nay, Quảng Ninh đã ký kết 27 thỏa thuận hợp tác với các địa phương nước ngoài trên các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa. Trong đó, đạt hiệu quả nhất là các lĩnh vực: Du lịch, thương mại, đầu tư, giao lưu hữu nghị.

Chỉ tính riêng năm 2018, Quảng Ninh đã tổ chức đón tiếp nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc, từ đó giới thiệu, quảng bá, mở ra các cơ hội tiếp xúc với các địa phương, doanh nghiệp của nhiều quốc gia, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh cũng đã ký kết thiết lập quan hệ hợp tác với chính quyền tỉnh Irkutsk (Liên bang Nga) và tỉnh Karlovy Vary (Cộng hòa Séc), mở ra những cơ hội hợp tác mới không chỉ với nước Nga, Séc mà còn là nhiều quốc gia khác của châu Âu.

{keywords}
 

Là cửa ngõ giao dịch xuất, nhập khẩu với các nước trong khu vực Đông Bắc Á, Quảng Ninh cũng chú trọng thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư đến từ khu vực này. Hiện nay tỉnh có 79 dự án, với số vốn trên 2 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ các địa phương, khu vực Đông Bắc Á, tập trung tại TP.Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều. Trong đó có 06 dự án đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt trên 33 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ; 07 dự án đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản, với số vốn đăng ký đầu tư đạt trên 380 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng; 66 dự án đến từ Hong Kong, Ma Cao, Đài Loan, với số vốn đăng ký 1,7 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, khách sạn, công nghiệp, khai khoáng, sản xuất sợi, vật liệu xây dựng. Hải Hà là địa phương thu hút vốn đầu tư cao nhất tỉnh từ các đối tác Khu vực Đông Bắc Á.

Từ năm 1995, Quảng Ninh đã thiết lập quan hệ hợp tác phát triển du lịch với một số địa phương của Trung Quốc như Quảng Tây, Phúc Kiến, Vân Nam, Hải Nam. Đặc biệt, năm 2006, tỉnh Quảng Ninh trở thành thành viên của diễn đàn EATOF, gồm 12 tỉnh thuộc các nước Đông Á. Theo đó, việc kết nối tour, tuyến du lịch, hoạt động trao đổi khách, xúc tiến quảng bá du lịch điểm đến, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, trao đổi kinh nghiệm trong quy hoạch, xây dựng chiến lược và quản lý du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch…giữa tỉnh Quảng Ninh và các đối tác Khu vực Đông Bắc Á ngày càng được tăng cường, nâng cao vị thế và hình ảnh du lịch Quảng Ninh.

Chủ động hội nhập

Trước đây, một trong những lý do khiến nhà đầu tư “ngần ngại” vào Quảng Ninh là cơ sở hạ tầng.  Với hướng đi đúng đắn, cách làm sáng tạo, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thay đổi mạnh mẽ kết cấu giao thông, đô thị. Quảng Ninh cũng rất chú trọng trong thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn để tập trung đầu tư hạ tầng du lịch và đô thị, với một loạt các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đẳng cấp quốc tế, các dự án hạ tầng văn hóa, thể thao hiện đại, hấp dẫn. Diện mạo đô thị Quảng Ninh khởi sắc từng ngày, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thúc đẩy và tăng cường kết nối giao thương với ASEAN và quốc tế.

Với cách làm mới và quyết tâm của chính quyền, những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Ninh liên tục được cải thiện và có những chuyển biến rõ nét. Các hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là thu hút nguồn đầu tư quốc tế luôn được tỉnh đẩy mạnh. Quảng Ninh đã chủ động kết nối, mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư dự án vào địa bàn.

{keywords}
Quảng Ninh ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế

Các cơ quan chức năng Quảng Ninh cũng chủ động thông tin, tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu kể từ khi Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cùng với đó tăng cường giúp doanh nghiệp trong tỉnh nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể và các thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, từ đó, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh được hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu. 

Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn tham gia các hội chợ, triển lãm nước ngoài như: Hội chợ thương mại ASEAN - Trung Quốc; hội chợ thương mại biên giới Trung - Việt; hội chợ OCOP thường niên... nhằm mở rộng hoạt động giao lưu quốc tế các nước trong khối ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu kinh tế kết hợp xúc tiến thương mại và du lịch để nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh; quảng bá mở rộng hình ảnh, con người và văn hóa Quảng Ninh đến cộng đồng trong và ngoài nước.

Với các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, năm 2017 tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt gần 1,7 tỷ USD; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt trên 753 triệu USD. 7 tháng năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 986,2 triệu USD, tăng 9,03% so với cùng kỳ năm 2017, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 1,258 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ.

M.M