Liên minh châu Âu (EU) đang trải qua một thời kỳ đen tối với nhiều cuộc khủng hoảng, đến từ cả phía Bắc và phía Nam. Sự cứng rắn của tổng thống Nga Vladimir Putin, những trục trặc trong nội bộ các nền kinh tế khu vực và chính sách xoay trục của tổng thống Mỹ Obama khiến EU chưa tìm ra lối thoát.

Công bố toàn văn Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam
Đối tác lớn: Sau Mỹ là EU

Việt Nam- EU kết thúc đàm phán thương mại tự do

Gần một thập kỷ đen tối

Số liệu kinh tế quý I/2016 cho thấy, tổng giá trị sản lượng nội địa của Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) đã tăng trở lại, với tốc độ 0,6%. Đây là một tín hiệu tốt, đáng khích lệ và cao hơn cả dự báo. Tuy nhiên, quá trình phục hồi của khu vực này vẫn còn dài.

Tỷ lệ thất nghiệp toàn Eurozone vẫn khá cao: 8,8%, đặc biệt là mức khó chấp nhận ở Hy Lạp (hơn 24%) và Tây Ban Nha (hơn 20%). Còn tại Anh, một nền kinh tế thuộc EU nhưng không sử dụng đồng Euro, hoạt động sản xuất đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong vòng 3 năm qua do sự sụt giảm cả về số lượng các đơn hàng xuất khẩu lẫn nhu cầu hàng hóa tiêu dùng trong nước.

{keywords}

Thập kỷ Putin, Obama: thời kỳ đen tối của EU

Châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới với ngòi nổ cũ là Hy Lạp. Sau 6 tháng kể từ khi Athens khởi động "kế hoạch cứu trợ thứ ba", đến nay vẫn chưa đạt kết quả gì. Vào tháng 7 tới, Athens ít có khả năng thanh toán được khoản nợ nếu không nhận được khoản vay bổ sung.  

Trước đó, hồi cuối tháng 3, thông tin trên Bloomberg cho thấy, 8 nước châu Âu, bao gồm: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Croatia, Phần Lan, Ba Lan và Romania có tình hình tài chính rơi vào vùng nguy hiểm, có thể vượt ngưỡng thâm thủng ngân sách 3% GDP.

Tính trong gần một thập kỷ qua, chỉ có 3 nước (trong tổng số 28 nước thành viên EU) là Thụy Điển, Estonia và Luxembourg, không vi phạm giới hạn thâm hụt ngân sách. Cả những nước bảo thủ tài chính như Đức và Áo cũng rơi vào tình cảnh vi phạm ngưỡng an toàn quy định 3% (năm 2009 và 2010).

Trong năm 2015, EU đã chứng kiến một kịch bản tồi tệ, hứng chịu liên tiếp nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra đồng thời: Từ vấn đề người di cư tới cuộc chiến chống khủng bố, khó khăn từ các lệnh trừng phạt và trả đũa từ Nga và sự nổi lên của làn sóng dân túy. Bên cạnh đó là cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh đi hay ở lại EU.

Trước đó, Pháp đã mất vị trí cường quốc kinh tế thứ 5 thế giới. Bốn nước châu Âu Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý có nguy cơ phải rời khỏi Eurozone. Dòng tiền nóng rút ra khỏi châu Âu, quay về châu Á. Tình trạng thất nghiệp cao dẫn tới làn sóng giới trẻ châu Âu tìm về thuộc địa cũ. Người trẻ tuổi Tây Ban Nha di cư sang Mỹ Latinh. Người Bồ Đào Nha tìm tới Brazil, Angola và Đông Timor. Người Ireland và Hy Lạp đến Australia.

Putin cứng rắn, Mỹ không dễ cậy nhờ

Trong một phát biểu hồi cuối tháng 4/2016, theo Sputnik, Thủ tướng Italia Matteo Renzi cho biết sẽ đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin hủy bỏ lệnh trả đũa, cấm nhập thực phẩm mà Moscow áp dụng với Rome trong cuộc gặp gỡ tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg vào ngày 17/6 tới.

{keywords}
Số lượng các nước EU có thâm hụt ngân sách vượt ngưỡng 3% GDP.

Một nền kinh tế trì trệ đang khiến tranh cãi xung quanh vấn đề trừng phạt và dỡ bỏ trừng phạt Nga xảy ra dữ dội trên chính trường nước Ý.

Nhiều chính trị gia nước này cho rằng, Italia cần coi Nga là một đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố chứ không phải một kẻ thù chịu các biện pháp trừng phạt.

Sự tranh cãi ở Italia khá dễ hiểu bởi những thiệt hại của các lệnh cấm vận áp dụng lên Nga năm 2014 là rất lớn. Ước tính, giá trị xuất khẩu của Ý sang Nga giảm từ gần 11 tỷ Euro năm 2013 xuống còn hơn 7 tỷ Euro năm 2015.

Trên thực tế, kinh tế châu Âu bắt đầu rơi vào khủng hoảng và bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính có nguồn gốc cho vay dưới chuẩn từ Mỹ năm 2008. Cuộc di cư kỷ lục từ Bắc Phi và Trung Đông trong vài năm gần đây và những lệnh trừng phạt qua lại với Nga đã đẩy EU vào tình tình cảnh khó khăn hơn nữa.

Hàng loạt các cuộc khủng hoảng đã khiến ngay cả Thủ tướng Đức Angela Merkel - vốn vững chãi và cứng rắn trong các cuộc chiến chống khủng hoảng nợ Hy Lạp và duy trì lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga - cũng đối mặt tình trạng bị cô lập nghiêm trọng, nhất là về vấn đề nhập cư.

Trong khi châu Âu chia rẽ về nhiều vấn đề, thì sự hợp tác giữa EU và Mỹ lại gặp nhiều vướng mắc. Cho dù lo sốt vó vì sợ Hy Lạp rơi vào tay Nga nhưng trong vài năm qua, đây dường như vẫn là công việc nội bộ EU phải giải quyết.

Sự hợp tác giữa Mỹ và châu Âu về mặt kinh tế cũng gặp nhiều vướng mắc. Thông tin được hé lộ trong vụ rò rỉ tài liệu đàm phán hiệp định Thương mại tự do Âu - Mỹ (TTIP) cho thấy, châu Âu đang yếu thế trước một nước Mỹ cứng rắn trong đàm phán.

Khác biệt giữa Mỹ và châu Âu là rất lớn. Nhiều khả năng, TTIP không thể hoàn tất trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama rời nhiệm sở như kỳ vọng và tuyên bố của các bên trước đó. Các vấn đề còn đang gây tranh cãi lớn như tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, lệnh cấm đối với thực phẩm biến đổi gen,... Mỹ muốn EU nới lỏng. Những yêu cầu về việc bảo vệ môi trường cũng bị lờ đi, các cam kết toàn cầu nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính được nêu ra tại Paris năm ngoái cũng không được đề cập trong các cuộc đàm phán.

Cách đây 5 năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ - khi đó là bà Hillary Clinton - đều đưa ra tuyên bố về chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ, thay vì EU như trước.

V. Hà