Tham vọng đi đầu về xe điện

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu về đề án trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện và xe máy điện tại khu vực ASEAN của Thái Lan. Với thông điệp này, Chính phủ đang thể hiện mong muốn Việt Nam sẽ phát triển ngành sản xuất xe điện trong tương lai.

Ngày 12/3 vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã công bố lộ trình đặt mục tiêu sản xuất 250.000 xe điện vào năm 2025, trong đó có 3.000 xe buýt chạy bằng điện và 53.000 xe máy điện. Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho biết: Chính phủ muốn đưa Thái Lan trở thành một trung tâm chế tạo ô tô thế hệ mới trong khu vực ASEAN. Để thực hiện, Thái Lan sẽ sửa đổi những ưu đãi về xe chạy điện đối với các nhà chế tạo ô tô và phụ tùng, nhằm giúp cho sản xuất trở nên hấp dẫn hơn.

{keywords}
Theo kế hoạch, năm 2020 Việt Nam sẽ cho ra mắt chiếc ô tô chạy điện đầu tiên.

Từ lâu, Chính phủ Thái Lan đã muốn tận dụng nguồn lực của ngành công nghiệp ô tô sẵn có để phát triển trở thành một trung tâm sản xuất xe điện lớn của thế giới. Họ đã đào tạo cán bộ và chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó là phát triển nghiên cứu, chế tạo pin nhiên liệu, động cơ điện.

Tại Việt Nam, đã có DN đầu tư sản xuất xe điện. Công ty Vinfast năm 2019 đã cho ra mắt các phẩm xe máy điện và đạt doanh số bán tới 50.000 chiếc. Theo kế hoạch, năm 2020 sẽ cho ra mắt chiếc ô tô chạy điện đầu tiên. Đối tác của Vinfast là các công ty EDAG (CHLB Đức), Kreisel Electric (Áo), đều là những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực phát triển ô tô điện hiện nay.

Ngoài ra, Công ty Mitsubishi Việt Nam đang đầu tư nhà máy ô tô mới công suất 50.000 xe/năm tại Long An và có kế hoạch sản xuất ô tô điện tại đây trong tương lai.

Đó là chưa kể một số các DN sản xuất, lắp ráp xe máy điện khác.

Khảo sát của Công ty Frost & Sullivan (Mỹ) cho biết, có 33% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi trả lời rằng họ nghĩ đến mua xe điện ngay từ lần đầu. Đây là một con số đầy tiềm năng để phát triển xe điện tại Việt Nam. Với dân số trẻ và sự kết nối mạnh mẽ với Internet, lượng người sử dụng Internet qua điện thoại thông minh rất cao. Sự hứng thú với công nghệ xe điện của người Việt đã vượt qua những hạn chế của nó hiện nay như giá thành cao, sạc pin tốn thời gian.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn ô tô hóa. Thị trường ô tô dự báo sẽ đạt ngưỡng 1 triệu xe/năm vào sau năm 2025. Khi đó tương lai của ô tô điện rất lớn, bởi nó sẽ dần thay thế cho ô tô động cơ đốt trong, mở ra cơ hội cho các DN hướng tới công nghệ hiện đại.

Liệu có chậm chân

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất với Việt Nam hiện nay là chưa có hạ tầng cho xe điện. Không có hệ thống các trạm sạc hay đổi pin rộng khắp, xe điện khó phát triển. Cùng với đó, các chính sách phát triển xe điện chưa đồng bộ. Với ô tô điện, hiện chỉ được hưởng thuế tiêu thụ đặc biệt 15% và được miễn thuế nhập khẩu linh kiện về lắp ráp. Chưa kể các vấn đề về công nghệ như sạc pin tốn thời gian, quãng đường di chuyển ngắn.

{keywords}
Hạ tầng cho xe điện là điểm hạn chế ở Việt Nam

Với xe điện, thì công nghệ lưu trữ năng lượng là quan trọng nhất. Pin lithium (pin thể lỏng) hiện nay được cho đã tới hạn. Nếu muốn tăng dung lượng chứa điện, khối lượng của pin trở sẽ nên lớn, dẫn tới chi phí cao và khả năng vận hành kém. Cùng với đó là thời gian nạp đầy sẽ rất lâu.

Các hãng xe lớn trên thế giới đang nghiên cứu phát triển pin thể rắn. Công nghệ pin thể rắn, sử dụng chất điện phân rắn thay thế cho chất điện phân lỏng. Với thiết kế pin thể rắn, cả điện cực dương, điện cực âm và chất điện phân đều là những mảnh kim loại, hợp kim hoặc vật liệu tổng hợp ở thể rắn. Trong pin thể rắn, các cực dương, cực âm và chất điện phân được xếp thành ba lớp phẳng chồng lên nhau, thay vì nhúng các điện cực trong chất điện phân lỏng.

Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất có thể tạo ra những cục pin có kích cỡ tương đương với pin thể lỏng hiện nay nhưng có dung lượng chứa lớn hơn nhiều. Cùng với đó, việc nạp điện cũng rất nhanh. Dự kiến năm 2025, xe điện sử dụng pin thể rắn sẽ xuất hiện và tới 2030 sẽ phổ biến, khi đó chỉ tốn 15 phút nạp điện cho quãng đường tới 700 km.

Còn theo ông Nguyễn Minh Đồng, cựu chuyên gia thiết kế máy ô tô của hãng Volkswagen (CHLB Đức), sản xuất ô tô điện cần 4 công nghệ cơ bản là: tích lũy điện (pin), động cơ điện, máy đổi điện (sạc) và kỹ thuật điều khiển. Nếu mở rộng cho cả ngành công nghiệp, khi ô tô điện phát triển và khi điện trở thành nguồn năng lượng chính thay thế xăng dầu, lúc đó thị trường pin, động cơ điện và các máy đổi điện sẽ vô cùng quan trọng.

Vì vậy, rất cần nghiên cứu và ban hành các chính sách đồng bộ sớm, để thúc đẩy sản xuất xe điện và nhanh chóng làm chủ những công nghệ cơ bản này. Nếu Việt Nam không bắt tay làm xe điện ngay từ bây giờ, chắc chắn lại đi sau nhiều quốc gia, ông Đồng nói.

Ngoài ra, sự thành công của xe điện còn phụ thuộc vào việc hợp tác giữa Chính phủ, DN và các bên liên quan khác. Nó không chỉ bao gồm cơ sở hạ tầng, mà còn ưu đãi thuế và hỗ trợ cho người dùng để xe điện thực sự phát triển ở Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, Chính phủ cần có chính sách miễn thuế cho DN, để họ có điều kiện đầu tư hạ tầng và qua đó giúp phát triển ô tô điện tại Việt Nam.

Trần Thủy