Phân cấp tuyến xe buýt và ưu tiên rõ ràng hơn

Như đã phân tích trong bài viết Chẳng mấy ai dám đi làm bằng xe buýt ở Hà Nội: Sự thật cần thay đổi, thời gian đi lại mới là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định tới việc lựa chọn phương tiện của người dân.

Do vậy, một trong những yếu tố tiên quyết, có ý nghĩa quan trọng tới sự thành - bại của hệ thống vận tải hành khách công cộng nói chung và minibus nói riêng là phải hình thành được các trục vận tải hành khách công cộng mạnh (đường sắt đô thị, BRT và các tuyến buýt chủ lực), có thể vận chuyển khối lượng hành khách lớn và phải có tốc độ khai thác vượt trội so với các phương tiện cá nhân.

Nghĩa là, xe buýt chạy trên các tuyến này phải được ưu tiên chạy trên làn dành riêng và phải có đèn tín hiệu ưu tiên khi qua nút. Chỉ có như vậy thì vận tải hành khách công cộng mới tạo được ưu thế cạnh tranh so với phương tiện cá nhân.

Nếu không làm được điều này thì việc triển khai minibus sẽ khó thành công do thời gian hành trình di chuyển bằng xe buýt nói chung vẫn mất quá nhiều thời gian so với phương tiện cá nhân.

{keywords}
Sơ đồ giản lược một chuyến đi bằng vận tải hành khách công cộng

Ngoài ra, nếu không chú trọng giao thông tiếp cận, vận tải hành khách công cộng sẽ thất bại. Một chuyến đi bằng vận tải hành khách công cộng luôn đi kèm với việc di chuyển bằng giao thông tiếp cận, trong đó đi bộ là hình thức di chuyển cơ bản nhất. 

Do vậy, bên cạnh việc phát triển minibus thì hạ tầng cho người đi bộ cũng phải được quan tâm hơn trong thời gian tới. Hè phố dành cho người đi bộ cần được đảm bảo tối thiểu 1,5m, sạch sẽ, thông thoáng và an toàn. Có như vậy thì việc phát triển vận tải hành khách công cộng nói chung và minibus nói riêng mới có thể thành công.

Phát triển minibus

Tại Hội thảo “Minibus với Đô thị Việt Nam” diễn ra mới đây, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện có gửi bài tham luận về kế hoạch tổ chức các tuyến minibus cho thủ đô Hà Nội.

Trong đó nêu rõ, mục đích của việc tổ chức các tuyến minibus là để thu gom, trung chuyển hành khách từ các khu vực đường hẹp, khu đô thị ra trục chính của hệ thống xe buýt và các tuyến vận tải khối lượng lớn như BRT, đường sắt đô thị, rút ngắn khoảng cách đi bộ từ nhà đến trạm xe buýt.

Minibus được sử dụng là loại phương tiện có sức chở nhỏ 12-16 hành khách. Cự li tuyến 5-10 km. Tần suất hoạt động cao nhưng không kéo dài tổng thời gian của một chuyến đi bằng vận tải hành khách công cộng. Tổ chức các điểm dừng - đỗ hợp lí.

Đặc biệt là có mức giá vé rẻ, phù hợp với cự li di chuyển ngắn, đảm bảo cạnh tranh với các phương tiện khác; có thể chỉ tương đương với phí gửi xe máy nhằm thu hút và khuyến khích người dân chuyển đổi phương thức đi lại.

{keywords}
Nên có các phương tiện trung chuyển nhỏ chở hành khách ra các điểm dừng/đón xe buýt như thế này

Về cơ bản, bản kế hoạch đã khá đầy đủ và rõ ràng. Tuy nhiên, chúng tôi muốn thảo luận kĩ hơn về một số nội dung để đóng góp cho sự thành công của loại hình dịch vụ mới mẻ nhưng có ý nghĩa lớn này.

Loại hình minibus 12-16 chỗ trong bản kế hoạch là khá hợp lí, tuy nhiên cần đa dạng loại hình, đặc biệt là các loại hình mang tính phổ thông, bình dân để đa số mọi người có thể tiếp cận.

Ở Việt Nam đã từng phổ biến loại hình xe Lambro (xe ba bánh) với sức chở tối đa 8-10 người, vận hành bởi tư nhân rất hiệu quả. Xe có hai hàng ghế ngồi dọc, lên xuống bằng cửa sau rất thuận tiện, giá vé rất rẻ, phù hợp với đại đa số người dân lao động. Hành khách ngồi trên xe có thể chò chuyện, tương tác với nhau rất thân thiện.

Xe Lambro chở cả người và chở hàng rất hiệu quả, có thể được coi là loại hình minibus bình dân, phù hợp với điều kiện đường phố các đô thị như Hà Nội, TP.HCM. Loại xe này hiện còn được sử dụng khá phổ biến ở nhiều thành phố Đông Nam Á, đặc biệt ở Thái Lan với tên gọi tuktuk.

Tuy nhiên, từ năm 2004, sau khi Nghị định 23/2004/NĐ-CP ban hành xe lam bị hạn chế và dần bị cấm hẳn do thiếu an toàn và gây ô nhiễm. Sau đó, TP.HCM đã sử dụng loại minibus 12 chỗ ngồi làm phương tiện chở khách. Do có kích thước nhỏ, gọn, phù hợp với điều kiện đường phố nên loại hình này cũng phát triển nhanh chóng, lên tới 900 xe chỉ sau 1 năm. Tuy nhiên, loại hình này cũng bị bức tử vào năm 2006 bởi Nghị định 110/2006/NĐ-CP.

{keywords}
Một số loại hình minibus

Xét điều kiện đường phố nhỏ, hẹp ở Hà Nội thì loại hình xe Lambro lại rất phù hợp. Ưu điểm nổi bật của loại hình này là tính phổ thông (bình dân), chi phí đầu tư rẻ nên có thể khuyến khích tư nhân đầu tư và khai thác. Bên cạnh đó, nên đa dạng hóa loại hình minibus để người dân có nhiều lựa chọn, có thể là dạng xe điện hoặc dạng xe cao cấp hơn như loại Ford Transit 16 chỗ,...

Tuy nhiên, để đưa loại hình minibus này vào hoạt động, cần xem xét chuyển sang loại hình chạy pin để nâng cao an toàn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường; đánh số và gắn thiết bị định vị GPS để quản lí chặt tuyến hoạt động, không được chạy ra khỏi phạm vi quy định, tránh gây rối loạn giao thông; miễn phí hoặc phí thấp để khuyến khích người dân sử dụng, có thể 2.000 đồng/lượt, có trợ giá; xe chạy với tần suất cao, 5-7 phút/chuyến, điểm đỗ linh hoạt, cho phép hành khách có thể lên xuống bất kỳ vị trí nào trên lộ trình theo nhu cầu; thời gian hoạt động đồng bộ với thời gian hoạt động của toàn hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Thay vì giao cho một số doanh nghiệp đầu tư khai thác, nên khuyến khích cộng đồng địa phương, các nhà đầu tư các khu đô thị, chung cư, cao ốc văn phòng hoặc tư nhân đầu tư khai thác hệ thống minibus.

Có chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư ban đầu để khuyến khích tư nhân đầu tư như cho vay kinh phí đầu tư, miễn phí lãi suất 2-3 năm đầu. Có thể kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng địa phương đóng góp kinh phí để trợ giá và trích quĩ trông giữ ô tô, xe máy để hỗ trợ cho loại hình minibus này.

Nên tổ chức các tuyến minibus để đưa đón học sinh, sinh viên, công nhân và cán bộ - công chức hoặc các đối tượng có thời gian và lộ trình đi lại ổn định.

{keywords}
 

Triển khai thí điểm ở đâu?

Hà Nội đã có tuyến BRT01 hoạt động chưa hiệu quả nhưng đã có làn dành riêng và tuyến ĐSĐT số 2A chuẩn bị đưa vào khai thác vào đầu năm 2019 nên có thể thí điểm dùng minibus để hỗ trợ, mở rộng phạm vi tiếp cận do hai tuyến này do đây là hai tuyến vận tải khối lớn, có vận tốc khai thác khá cao, có thể đảm bảo tính cạnh tranh với phương tiện cá nhân.

Tuyến vành đai 3 cũng có thể là lựa chọn tốt do nhu cầu đi lại cao và đường có mặt cắt ngang đủ lớn để bố trí làn riêng cho tuyến xe buýt trục.

Có thể khẳng định rằng, nếu Hà Nội có chiến lược phát triển vận tải hành khách công cộng  đồng bộ và có chính sách hợp lí, loại hình minibus sẽ rất dễ thu hút đầu tư tư nhân. Hấp lực này vô cùng quan trọng vì nó sẽ gia tăng nhanh số lượng và chất lượng, đồng nghĩa với việc thu hút rất nhanh người dân sử dụng phương tiện công cộng, nhanh và hiệu quả hơn nhiều việc đầu tư xây dựng những dự án ĐSĐT vô cùng tốn kém và đầy rủi ro.

Nguyễn Ngọc Quang - Đại học Twente, Hà Lan

Ô tô chiếm chỗ gấp 20 lần xe máy: Giao thông Hà Nội nguy cơ tê liệt

Ô tô chiếm chỗ gấp 20 lần xe máy: Giao thông Hà Nội nguy cơ tê liệt

Vài năm tới, Hà Nội sẽ không còn đường để đi lại. Sự gia tăng các phương tiện cá nhân gây áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng giao thông.

Chẳng mấy ai dám đi làm bằng xe buýt ở Hà Nội: Sự thật cần thay đổi

Chẳng mấy ai dám đi làm bằng xe buýt ở Hà Nội: Sự thật cần thay đổi

Thời gian đi lại - yếu ­­­­tố quyết định sự thành - bại của vận tải hành khách công cộng; cần khai thác tính cơ động, khả năng tiếp cận của phương tiện này.

Cát Linh-Hà Đông 8 năm chưa xong: 50 năm nữa, Hà Nội thoải mái đi metro

Cát Linh-Hà Đông 8 năm chưa xong: 50 năm nữa, Hà Nội thoải mái đi metro

Hà Nội sẽ đầu tư phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) với 8 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT). Tuy nhiên, về mặt chiến lược, TP đang có nhiều điểm cần lưu ý và cần tính toán lại.