Cuộc đua khách sạn hạng sang

Tập đoàn IHG, chủ sở hữu các thương hiệu như Six Senses, InterContinental, vừa công bố kế hoạch phát triển thêm 50% dự án khách sạn, resort tại Việt Nam trong 2 năm tới. Đơn vị đang có 13 khách sạn ở Việt Nam, với tổng công suất phòng lên đến 3.700.

Một trong những thương hiệu cao cấp nhất thế giới là Crowne Plaza sẽ gia tăng sự hiện diện tại các trung tâm đô thị lớn, thành phố cửa ngõ và điểm đến du lịch của Việt Nam, như Phú Quốc, Bình Dương, Cần Thơ, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Khu nghỉ dưỡng Holiday Inn Resort Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng sẽ khai trương trong thời gian tới.

Chưa kể, theo kế hoạch 2 năm tới, IHG còn giới thiệu 3 thương hiệu mới khác là Regent tại Phú Quốc, voco™ Hotels tại Đà Nẵng và Hotel Indigo trên đường Lý Tự Trọng (quận 1, TP.HCM).

Theo Savills Hotels, các đơn vị nước ngoài đang rất chú trọng mở rộng tại thị trường Việt Nam. Điều này dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng dự án du lịch nghỉ dưỡng.

Trong ba năm vừa qua đã có nhiều thương hiệu mới được giới thiệu đến thị trường, như Ozo và X2 Vibe hiện diện tại dự án New Hoi An City; Double Tree by Hilton xuất hiện tại Hạ Long, Vũng Tàu và Hà Nội; Four Seasons tại Quảng Nam và Hà Nội; Oakwood và Mai House tại TP.HCM hay Glow ở Đà Nẵng.

Mandarin Oriental, một trong những tập đoàn khách sạn sang trọng hàng đầu thế giới đã công bố hợp tác cùng Union Square Saigon phát triển dự án khách sạn cao cấp đầu tiên tại Việt Nam theo tiêu chuẩn 5 sao với tên gọi Mandarin Oriental Saigon.

{keywords}
Nhiều dự án mới sắp đi vào hoạt động

Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, số lượng khu nghỉ dưỡng 4 và 5 sao mang thương hiệu quốc tế hoặc khu vực tại các điểm đến nghỉ dưỡng có sự tăng trưởng qua các năm. Nếu trong năm 2010, số khu nghỉ dưỡng 4 và 5 sao mang thương hiệu quốc tế mới dừng lại ở 33 thì sang năm 2019, con số đã tăng lên 74 và dự kiến có khoảng 160 khu nghỉ dưỡng mang thương hiệu tại các điểm đến này trong năm 2022.

Ông Mauro Gasparrotti, Giám đốc bộ phận Savills Hotels khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá, các thương hiệu khách sạn quốc tế đang rất chú trọng mở rộng tại thị trường Việt Nam.

“Các dự án nghỉ dưỡng thu hút được sự quan tâm của nhà điều hành nhiều hơn so với vài năm trước nhờ vào chất lượng sản phẩm tốt hơn, chú trọng vào thiết kế, tăng trưởng niềm tin với các đơn vị quản lý quốc tế cũng như mong muốn của chủ đầu tư trong việc tạo ra sản phẩm khác biệt”, ông Mauro Gasparrotti cho biết.

Tuy nhiên, đại diện của Savills cho rằng, phần lớn các chủ đầu tư Việt Nam vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, với số lượng các dự án đang tăng trưởng nhanh chóng, các chủ đầu tư sẽ học được kinh nghiệm từ thực tiễn và cung cấp đến thị trường các sản phẩm chất lượng hơn.

Kỳ vọng du lịch 

Báo cáo thị trường du lịch Việt Nam của JLL cho hay, lượng khách du lịch ngày càng tăng và nền kinh tế tăng trưởng khiến thị trường khách sạn và khu nghỉ mát hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong khu vực. Điều này biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường được nhắc đến nhiều nhất ở châu Á - Thái Bình Dương.

Ngành công nghiệp phát triển kéo theo nhu cầu về khách sạn của các doanh nghiệp trên toàn quốc gia tăng, tiếp đó là việc miễn thị thực, việc giới thiệu các đường bay trực tiếp mới và những nỗ lực trong quảng bá hình ảnh đã thu hút nhiều du khách.

{keywords}
Hàng loạt khách sạn chờ đón khách bùng nổ sau dịch

Bà Serena Lim, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển của IHG khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc, nhận xét, cơ hội đang rộng mở để phát triển du lịch tại các thành phố thứ cấp, gồm các vùng công nghiệp, các thành phố vệ tinh quanh Hà Nội và TP.HCM, các thành phố mới nổi như Bình Dương, Cần Thơ, Hải Dương, nơi tập trung các khu công nghiệp, đặc biệt với sự gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra có các điểm đến nghỉ dưỡng mới nổi như Quy Nhơn, Đà Lạt, Phan Thiết, Hòa Bình.

Ông Colin McCandless, Giám đốc IHG khu vực phía nam Việt Nam và Lào, cho biết thêm, những động lực tăng trưởng của ngành khách sạn vẫn như thời điểm trước đại dịch và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai.

"Trước năm 2020, du lịch và lữ hành đã vượt qua tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong một thập kỷ. Riêng khách sạn, mức doanh thu trên số phòng hiện có và thị phần thương hiệu cũng tăng trưởng liên tục trong giai đoạn đó", ông Colin chia sẻ.

Đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết, lượng đặt phòng đang có dấu hiệu phục hồi với nhiều hoạt động hội họp, du lịch MICE quy mô lớn và nhu cầu nghỉ dưỡng tăng cao. Đồng thời, trong tương lai dự kiến có nhiều đám cưới diễn ra, báo hiệu sự trở lại của ngành.

Thư Kỳ