Mâu thuẫn giữa Grab và taxi truyền thống lên đến đỉnh điểm khi năm 2017, hãng taxi Vinasun chính thức kiện Grab ra tòa. Vinasun đã khởi kiện tại TAND TP.HCM để đòi Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng, mà phía nguyên đơn cho rằng nguyên nhân là do sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh taxi do phía Grab gây ra.

Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 12/2018, Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 4,8 tỷ đồng.

Thế nhưng, ngay sau bản án này, tháng 2/2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao TP.HCM đã ra quyết định bổ sung kháng nghị phúc thẩm của Viện trưởng VKSND TP.HCM đối với bản án trên. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM cho rằng Grab “không có hành vi trái pháp luật”, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại xảy ra của Vinasun.

{keywords}
Phiên tòa Vinasun kiện Grab từng làm nóng dư luận.

Về yêu cầu bồi thường thiệt hại của Vinasun, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao cho rằng bản án sơ thẩm căn cứ vào chứng thư giám định của Công ty Giám định Cửu Long để cho rằng Vinasun bị thiệt hại do Grab gây ra là phiến diện.

"Thực chất sự sụt giảm doanh thu lợi nhuận của Vinasun liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như năng lực quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật của nhà nước, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình phương tiện kinh doanh vận tải hành khách khác, sự thay đổi nhu cầu của khách hàng,... nhưng chưa được đề cập đến trong kết luận giám định. Vì vậy, Vinasun yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật", kháng nghị nêu.

Gần như cùng lúc với vụ kiện của Vinasun, Grab tiến hành mua lại hoạt động kinh doanh của Uber ở Đông Nam Á, mở màn cho một “cuộc chiến” pháp lý khác của doanh nghiệp này.

Ngày 26/3/2018, Grab đã công bố thông tin về việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Một ngày sau đó, ngày 27/3/2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đề nghị Công ty TNHH GrabTaxi (GrabTaxi) cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua lại nêu trên. Sau đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ban hành quyết định điều tra sơ bộ.

Không lâu sau, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định: Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.

Nhưng, đến khi vụ việc được chuyển lên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh thụ lý, thì kết quả khác hẳn với những gì Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đưa ra trước đó.

Sự thực chỉ có một và sự thực là: Grab “vô tội”.

Ngày 17/6 vừa qua, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đã quyết định không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về việc áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh đối với Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam.

Lý do là “việc mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ giữa hai công ty này không cấu thành hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp, quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh và Điều 34 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.

Những sóng gió đổ lên đầu Grab thời gian qua có một điểm chung: Bên dưới phán Grab “có tội” thì bên trên sau khi xem xét thấu đáo lại phán quyết “vô tội”.

Một thực tế không thể khác, Grab đã có bước phát triển thần tốc sau 5 năm hoạt động ở Việt Nam. Nhưng đó cũng là chừng ấy năm Grab chịu biết bao điều tiếng. Trong đó, không ít sóng gió lại đến từ những “bản án” của chính các cơ quan nhà nước.

Khi tiếng xấu của doanh nghiệp đã tràn ngập, dẫu có được minh oan sau đó thì doanh nghiệp cũng đã “xây xẩm mặt mày”.

Trong khi những lời kêu gọi thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0 vang lên khắp nơi, thì cách hành xử của không ít cơ quan công quyền lại vẫn còn đang ở thời 0.4. Nhìn Grab bị bầm dập sau những lần bị đưa ra “đấu tố” trước công luận, thử hỏi còn mấy doanh nghiệp dám đi theo cái mới, tiên phong sáng tạo những sản phẩm mới.

Đó là câu chuyện về môi trường đầu tư của cả một đất nước, cả một chiến lược phát triển công nghiệp 4.0, chứ không phải của cá nhân doanh nghiệp nào hay của sản phẩm, dịch vụ nào.

Nhìn cách Bộ Giao thông Vận tải mấy năm nay loay hoay soạn Nghị định để tìm cách quản lý các dịch vụ đặt xe như Grab vào khuôn khổ taxi truyền thống vốn lỗi thời và lạc hậu (phải đeo mào, yêu cầu các ứng dụng phải trở thành kinh doanh vận tải,... ) mới thấy rằng cái mới sinh ra vốn đã khó, để sống được, đi được trên con đường “trải đầy đinh” như vậy thì khó khăn bội phần.

Thủ tướng Chính phủ khi trả lời Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về chuyện Uber, Grab cũng nhìn nhận rằng: “Mỗi việc thí điểm đều có những tác động tích cực hoặc tiêu cực”. Nhưng, hơn cả, Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành và phát huy việc ứng dụng khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vận tải và đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân”.

Lương Bằng