Trong năm 2016, truyền thông và dư luận đặt ra nhiều vấn đề về công tác bổ nhiệm nhân sự "siêu kỳ lạ" tại Bộ Công thương.

Có thể kể ra hàng loạt cái tên liên quan đến những đợt bổ nhiệm cán bộ "siêu kỳ lạ" tại Bộ Công thương như vụ ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải,...

Vụ xe sang và điểm “nóng” Trịnh Xuân Thanh

Câu chuyện liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh bắt đầu từ khi hình ảnh chiếc xe Lexus 570 trị giá hơn 5 tỷ mà ông này sử dụng có gắn biển số xanh, được nhiều cơ quan báo chí đăng tải.

{keywords}

Hàng loạt vụ bổ nhiệm cán bộ tại Bộ Công thương đã gây xôn xao dư luận trong năm 2016.

Theo giải thích của ông Thanh tại thời điểm đó, chiếc xe Lexus là do ông mượn của bạn và có biển số xanh là để “thuận tiện công việc”.

Tuy nhiên, câu chuyện đã không dừng lại ở đó mà đi xa hơn sau khi một số báo lật lại thời gian ông Thanh làm Chủ tịch hội đồng quản trị của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) từ 2009, sau đó kinh qua nhiều vị trí tại Bộ Công thương.

Theo tài liệu, PVC dưới thời kỳ ông Thanh làm lãnh đạo, đã bị mất cân đối về tài chính, sa lầy vào bất động sản, đặc biệt là có tình trạng đầu tư vốn vào nhiều dự án không đúng mục đích.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy, các cán bộ chủ chốt của PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát và làm trái các quy định nhà về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2013.

Mặc dù để xảy ra thua lỗ nghiêm trọng tại PVC nhưng điều lạ là tháng 9/2013, ông Thanh được ông Vũ Huy Hoàng – nguyên Bộ trưởng Công thương - bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ Công thương tại Đà Nẵng, rồi bổ nhiệm Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công thương.

Ngoài ra, ông Trịnh Xuân Thanh cũng được quy hoạch chức danh thứ trưởng Bộ Công thương giai đoạn 2016-2021.

Thua lỗ tại PVFI đến “sếp” Sabeco

Ban cán sự Đảng Bộ Công thương mới đây đã yêu cầu Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thu hồi các quyết định bổ nhiệm không đúng quay định liên quan đến ông Vũ Quang Hải, trong đó có quyết định đồng ý điều động ông Hải đến nhận công tác tại Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và đề cử tham gia Hội đồng quản trị Sabeco.

{keywords}

Ông Vũ Quang Hải đã bị thu hồi nhiều quyết định bổ nhiệm quan trọng tại Sabeco.

Trước khi về Sabeco, ông Hải từng được bổ nhiệm qua nhiều chức danh quan trọng tại nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý trực thuộc Bộ Công thương.

Cụ thể, ông Hải từng là người đại diện phần vốn, Ủy viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC), từng giữ chức Trưởng phòng, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương) và là kiểm soát viên tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.

Theo tư liệu, trong thời gian ông Hải tại vị Tổng giám đốc, PVFI lỗ trên 220 tỷ đồng (năm 2011 lỗ 155 tỷ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỷ đồng).

Liên quan đến những khoản lỗ tại PVFI, hồi giữa tháng 6 năm ngoái, 13/6, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi làm Tổng giám đốc PVFI là đúng hay sai, ai chịu trách nhiệm gánh hậu quả làm mất vốn nhà nước và vốn của 4.700 cổ đông?”.

Chánh văn phòng Bộ đến Chủ tịch Sabeco

Đó là trường hợp ông Võ Thanh Hà. Ông Hà sau khi nắm giữ chức vụ Chánh văn phòng Bộ Công thương đã được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco vào tháng 10/2015, làm đại diện 23% trên tổng số gần 90% vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp này.

{keywords}

Ông Võ Thanh Hà.

Tới ngày 1/1/2016, khi bà Phạm Thị Hồng Hạnh – Tổng Giám đốc Sabeco nhận quyết định nghỉ hưu, thì ông Hà tiếp tục kiêm nhiệm thêm chức danh Tổng Giám đốc Sabeco tới tháng 8/2016.

Việc bổ nhiệm ông Hà đã vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích từ VAFI. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch VAFI - Chủ tịch Sabeco phải sở hữu năng lực, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp… chứ không thể chọn một người không có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp như ông Võ Thanh Hà.

Đại diện VAFI cũng cho biết, thủ tục giới thiệu ông Võ Thanh Hà ra Hội đồng quản trị Sabeco không đúng về mặt doanh nghiệp.

Sai phạm tại PVTex được điều về làm Cục trưởng

Từng giữ chức Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) - chủ đầu tư nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ - ông Vũ Đình Duy được ông Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng rồi Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

{keywords}

Ông Vũ Đình Duy.

Điều kỳ lạ là ông Duy được bổ nhiệm giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam kể từ ngày 8/4/2016, trước một ngày Bộ Công thương có Bộ trưởng mới.

Hồi tháng 10 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra tình hình tại PVTex và phát hiện nhiều sai phạm. Quá trình thanh tra đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Gần đây nhất, quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm chức vụ Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp của ông Vũ Đình Duy cũng đã bị Bộ Công thương thu hồi.

Bị tố nhiều sai phạm vẫn được bổ nhiệm

Tháng 9/2013, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Đỗ Văn Hậu đã ra quyết định lập đoàn kiểm tra các dấu hiệu sai phạm tại PV EIC do Hội đồng quản trị đương nhiệm của PV EIC “tố” bà Vũ Thúy Huệ có hàng loạt sai phạm và tiêu cực, liên quan đến công tác quản lý và sử dụng vốn, điều hành doanh nghiệp...

Cụ thể, giai đoạn từ 2009-2011, PV EIC đã đầu tư nhiều dự án bất động sản, dự án sản xuất và mua bán cổ phần trong các công ty khác không đúng mục đích dẫn đến nhiều sai phạm về tài chính.

Tuy nhiên. vào tháng 2/2014, bà Vũ Thuý Huệ đã được bổ nhiệm là Kiểm soát viên chuyên trách phụ trách chung tại Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Bà Vũ Thuý Huệ cũng được bổ nhiệm giữ chức vụ phó Vụ trưởng Bộ Công thương. Yuy nhiên, Hiện, Ban cán sự Đảng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương thu hồi quyết định điều động và bổ nhiệm bà Vũ Thúy Huệ.

Đồng thời, đồng ý để bà Huệ được thôi việc theo nguyện vọng cá nhân.

Một “ghế” bổ nhiệm hai trưởng phòng

Cũng tại Bộ Công thương, một sự việc chưa có tiền lệ đã diễn ra, 2 người cùng giữ chức vụ, cùng vị trí tại một cơ quan quản lý nhà nước là chức Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả tại Cục Quản lý thị trường.

Cụ thể, ông Kiều Nghiệp được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả theo Quyết định 1268/QĐ-QLTT ngày 8/8/2013. Còn ông Thân Đức Công được bổ nhiệm cũng vào vị trí trên ngày 25/1/2014 theo Quyết định 116/QĐ-QLTT cũng của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường.

Đáng nói, thời điểm bổ nhiệm ông Thân Đức Công vào vị trí Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả thì không có văn bản nào hủy bỏ quyết định bổ nhiệm ông Kiều Nghiệp. Nghĩa là, cả hai Quyết định 1268 và Quyết định 166 đều cùng bổ nhiệm 2 người vào cùng một ví trí.

6 tháng sau, sự việc nêu trên mới được phát hiện, thời điểm này, lãnh đạo của Cục Quản lý thị trường cho biết, trong quá trình soạn thảo văn bản có những sai sót thuộc lỗi kỹ thuật nên dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.

(Theo VTC News)