Theo Bloomberg, tỷ phú đầu tư Stanley Druckenmiller đã mua Bitcoin sau khi thấy giá tăng mạnh. Ông cảm thấy lo sợ bỏ lỡ, hay còn gọi là FOMO (fear of missing out).

"Tôi thấy mình như một kẻ ngốc", ông nói với The Hustle hồi tháng 5. Sau đó, ông đã rút một phần tiền khỏi ván cược 20 triệu USD. "Trái tim tôi chưa từng ở đó", ông Druckenmiller thừa nhận. Theo vị tỷ phú, việc các nhà quản lý quỹ đổ xô vào tiền mã hóa không khác gì con voi cố chui qua lỗ khóa.

Ông Druckenmiller cũng từng trải qua cảm giác FOMO trước đó. Hồi năm 1999, ông đổ 6 tỷ USD vào cổ phiếu công nghệ và mất 3 tỷ USD trong vỏn vẹn 6 tuần. "Tôi giống một cái rổ chứa đầy cảm xúc và không thể ngăn nổi bản thân mình", ông thừa nhận.

Giờ đây, tất cả chúng ta đều giống ông Druckenmiller.

{keywords}
Nhiều người đổ xô vào tiền mã hóa vì cảm giác lo sợ bỏ lỡ. Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế FOMO

Câu chuyện không chỉ xảy ra ở tiền mã hóa, mà còn các cổ phiếu như AMC Entertainment Holdings, GameStop, Tesla, những ngôi nhà, căn hộ được bán gần như ngay sau khi đăng.

Nhiều nhà giao dịch nôn nóng để theo kịp bạn bè xung quanh - những người đang trong quá trình trở nên giàu có. Điều đó không chỉ xảy ra với các nhà đầu tư nhỏ hoặc mới.

Ngày nay, một thế hệ nhà đầu tư mới coi sự sụp đổ của thị trường là cơ hội để mua vào. Điều đó dẫn đến việc mở tài khoản tăng kỷ lục. Theo công ty nghiên cứu Attom Data Solutions, lãi suất chạm đáy đã thúc đẩy lợi nhuận lớn từ việc bán bất động sản - trung bình 66.000 USD/căn nhà.

Trong vòng một năm qua, người người đổ tiền tiết kiệm vào các ứng dụng giao dịch không phí hoa hồng, không áp dụng giao dịch tối thiểu hoặc quỹ giao dịch hoán đổi.

Rào cản đối với việc gia nhập và giao dịch tiền mã hóa cũng không lớn. Điều đó giúp giá dễ dàng tăng cao. Nhà đầu tư có thể chứng kiến giá biến động dữ dội cả ngày lẫn đêm.

{keywords}
Giá Dogecoin tăng hơn 7.000% kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: Coin Desk.

Theo Bloomberg, điều khiến làn sóng FOMO trở thành hiện tượng kinh tế là các hiệu ứng gợn sóng rộng khắp của nó. Sự cuồng nhiệt của thị trường đã lấn át giá trị thực của chuỗi rạp chiếu phim hay hãng trò chơi điện tử. Ngay cả giá trị của chuyên môn tài chính cũng mờ nhạt vì sức nóng.

Theo CNBC, các cố vấn tài chính ngày càng áp lực khi nói chuyện với khách hàng về tiền mã hóa. Trước đây, chủ ngân hàng bước vào phòng họp và chỉ cách điều hành doanh nghiệp cho những giám đốc điều hành. Giờ, trước mặt họ là các giám đốc với những công ty niêm yết được định giá hàng tỷ USD nhưng không có doanh thu.

Theo ông Edmund Shing, giám đốc đầu tư của BNP Paribas Wealth Management, các gói kích thích của chính phủ và ngân hàng trung ương, tổng tiết kiệm trên toàn thế giới tăng 5.400 tỷ USD so với mô hình chi tiêu trước đại dịch, cùng khoảng cách tài sản thế hệ đã tạo nên sức hút cho bất cứ tấm vé nào dẫn đến cơ hội giàu có.

Mong muốn giàu lên sau một đêm

Người muốn thành triệu phú có thể học tập, làm việc chăm chỉ và tiết kiệm bằng sức mạnh của lãi suất kép. Nhưng hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp đã bước vào thị trường việc làm bị tàn phá bởi dịch Covid-19. Đó là lý do khiến khoản nợ sinh viên tại Mỹ tăng 1.000 tỷ USD kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

"Do đó, thật hấp dẫn khi tưởng tượng rằng một ván cược vào Bitcoin hoặc cổ phiếu có thể xóa sạch khoản vay sinh viên, giúp bắt đầu kinh doanh hoặc trả bớt tiền mua nhà", Bloomberg nhận định.

Nhắc đến nhà ở, áp lực phải tham gia vào thị trường đang bùng nổ này là rất lớn. Khi giá leo thang, ngay cả những người không muốn đầu cơ nhất cũng cảm thấy cần phải mua một căn nhà. Họ sợ sau này khó mua được nhà ở New York, London hay các thành phố sầm uất khác.

Giá trung bình của một ngôi nhà ở Mỹ đã tăng kỷ lục trong quý I/2021, theo Hiệp hội Môi giới Quốc gia. Đối với các nhà đầu tư, động thái nguy hiểm nhất là không mua. Bởi giá có thể nhanh chóng vượt xa những yếu tố cơ bản.

Đại dịch đã tạo ra những gián đoạn và làm gia tăng cảm giác bất lực. Cùng với đó là sự hào hứng trước khả năng thu được một món lời khổng lồ. Theo các nhà kinh tế học George Akerlof và Robert Shiller, đó là “sự lây nhiễm tư tưởng giữa người với người”.

Một nguyên nhân khác của hiện tượng FOMO là thiếu sự cảnh báo mạnh mẽ. Các nhà đầu tư không lo ngại về việc đầu cơ đầy rủi ro. Nhiều người thậm chí còn chế giễu lời cảnh báo rằng: "Tất cả sẽ kết thúc trong nước mắt".

Một phần nguyên nhân là giá tài sản liên tục tăng trở lại. Giá Bitcoin lập đỉnh trong năm nay sau khi chạm đáy hồi năm 2018. Thay vì gắn bó với cỗ máy làm giàu chậm chạp của thị trường chứng khoán, nhiều người đổ xô vào tiền mã hóa.

Theo Bloomberg, giờ đây, thật dễ dàng để coi các cảnh báo đối với lừa đảo đầu cơ, lừa đảo tiền mã hóa là cứng nhắc và lỗi thời. Nhưng ở một số thời điểm, chúng ta sẽ thắc mắc vì sao mọi người bỏ qua những dấu hiệu.

"Nếu ngay cả tỷ phú Stanley Druckenmiller cũng không có được bài học FOMO của mình ngay lần đầu tiên, thì hy vọng nào cho những người còn lại trong số chúng ta?", nhà báo Lionel Laurent của Bloomberg viết.

(Theo Zing)

Vỡ mộng làm giàu từ Forex, tiền ảo

Vỡ mộng làm giàu từ Forex, tiền ảo

Đối tượng lập ra sàn F5trader.com nói rằng có thể khiến người chơi muốn thắng được thắng, muốn thua được thua.