Lần đầu tiên, các nhà bán tour lớn (buyers) của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam để tìm hiểm cơ hội hợp tác, đưa khách Mỹ tới đây. Cơ hội mở ra cho du lịch Việt nếu khai thác tốt thị trường khách du lịch lớn thứ hai thế giới này.

Cái “bắt tay” mong từ lâu

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Lữ hành Việt Nam và Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ diễn ra sáng 7/4, trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2017.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cho hay, nhiều năm nay, Việt Nam mong muốn được thiết lập quan hệ với các DN lữ hành Hoa Kỳ. Đây là thị trường tiềm năng, với cả trăm triệu người đi du lịch mỗi năm, chi tiêu đến 140 tỷ USD. Đón được khách Mỹ là niềm mơ ước của tất cả các quốc gia.

Vì vậy, việc ký kết thỏa thuận là hoạt động mở đầu cho chuỗi hợp tác, để hai bên có kế hoạch chính thức thúc đẩy phát triển, tăng nhanh lượng khách du lịch từ Hoa Kỳ đến Việt Nam cũng như từ Việt Nam sang Hoa Kỳ du lịch - ông Bình kỳ vọng.

{keywords}
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa đại diện Hiệp hội lữ hành hai nước

Đại diện Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ (ASTA), Phó chủ tịch Robert Duglin, cũng cho hay, đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam để tìm hiểu đất nước, vẻ đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam. Sau lễ ký, từ Hà Nội đoàn sẽ đi thăm Huế, Hạ Long, Tràng An (Ninh Bình) và TP.HCM để trải nghiệm thực tế sinh động nhất để giới thiệu hình ảnh Việt Nam tới người dân Hoa Kỳ, qua đó tăng số lượng người Mỹ đến Việt Nam.

Theo ông Robert Duglin, Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ - ASTA, đang liên kết với Hiệp hội Lữ hành chuyên nghiệp Quốc gia - NACTA, đại diện cho hơn 9.500 thành viên là các DN lữ hành kinh doanh trực tuyến quy mô lớn.

Hiệp hội này chiếm 83% tổng số doanh thu từ các chương trình du lịch bán được trên toàn nước Mỹ.

Trong khi đó, lượng du khách Mỹ đến Việt Nam vẫn rất khiêm tốn. Số liệu năm 2015 của ASTA cho thấy, có 73,4 triệu người Mỹ đi du lịch nước ngoài, trong đó nhiều nhất là đến Mexico, Canada và vùng Caribbean. Khách Mỹ đến châu Á mới chỉ hơn 6 triệu lượt người, trong đó, tới Việt Nam là 334.000 lượt - ít hơn so với Thái Lan.

Theo số liệu của Công ty Visa International, tại Việt Nam, khách du lịch từ Hoa Kỳ đánh dấu mức kỷ lục về chi tiêu lên tới gần 100 triệu USD (tương đương 2,1 nghìn tỷ đồng), tăng 9,6% từ 91,2 triệu USD (tương đương 1,9 nghìn tỷ đồng) năm 2011.

Ông Robert Duglin cho hay, mỗi năm, Hiệp hội này tổ chức hai sự kiện: một sự kiện thường niên và một Hội chợ Điểm đến ASTA ở khắp nơi trên thế giới. Nhân cơ hội này, ASTA muốn mời Hà Nội làm chủ nhà của hội chợ vào năm 2018 hoặc 2019.

Tại Hội chợ Điểm đến ASTA Việt Nam, hiệp hội dự kiến sẽ đưa hơn 500 nhà bán tour chuyên nghiệp đến gặp gỡ, giao lưu với các doanh nghiệp lữ hành, các chủ khách sạn, các điểm đến du lịch và lãnh đạo ngành du lịch. Ngoài Hà Nội sẽ mở rộng các chi nhánh và đến Huế, Hội An, TP.HCM cũng như nhiều nơi khác.

Nếu điều này thành sự thực, Việt Nam có cơ hội lớn trong việc thu hút khách Mỹ.

Hướng tới khách chi trả cao

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch Transviet, cho rằng, về phía DN lữ hành Việt Nam, cần sớm tiếp cận được các DN Hoa Kỳ, tìm hiểu đặc tính khách Hoa Kỳ: thích văn hóa nghỉ dưỡng hay tìm hiểu lịch sử; đi vùng biển hay lên núi,...

“Thị trường Mỹ cực kỳ lớn, khách đi khắp thế giới, nhưng để có chiến dịch đưa khách Mỹ đến Việt Nam cần có sự đầu tư bài bản về xúc tiến thị trường” - ông Đạt lưu ý.

{keywords}
Khách Mỹ thường chi tiêu rất cao khi đi du lịch

Theo ông Đạt, đoàn lữ hành Mỹ sang Việt Nam lần này, gồm hơn 10 đơn vị lớn, là cơ hội rất tốt để các DN Việt Nam và DN Mỹ có thể ngồi lại. DN Mỹ có điều kiện đi khảo sát các danh thắng của Việt Nam cũng như trao đổi về năng lực hợp tác với các DN Việt, qua đó DN Việt cũng hiểu rõ hơn về các thị trường Mỹ và khách Mỹ để đưa ra các sản phẩm phù hợp.

Thực tế, theo ông Đạt, khách Mỹ có nhu cầu rất đa dạng, khách trẻ và trung niên thì thường thích đi những điểm tương đối đông vui, sôi động, chẳng hạn như Nha Trang; còn lượng khách rất tiềm năng là khách Mỹ nghỉ hưu, những người lớn tuổi bắt buộc phải đi qua công ty du lịch - đối tượng này rất lớn, mình phải cần khai thác, nhất là tour nghỉ dưỡng.

Việt Nam nổi tiếng về các vùng biển, có thể nói đẹp nhất trên thế giới, nếu khai thác tốt sản phẩm này, cộng với ưu đãi về visa (tạo điều kiện thuận lợi hơn về visa điện tử và mức phí giảm, điều kiện apply dễ) thì chắc chắc sẽ thu hút lượng khách Mỹ cực kỳ lớn - ông Đạt kỳ vọng.

Còn ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, cho rằng, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ là thị trường có số lượng người đi du lịch nước ngoài đông nhất. Năm 2016, có 80 triệu người đi du lịch với sức chi trả cao, không dưới 3 sao.

Ông Kế đề xuất, chiến lược mà ngành du lịch Việt Nam nên hướng tới là chọn lọc những đất nước và khu vực có lượng khách chi trả cao, khi đó dòng tiền vào nhiều thì nghiệp vụ du lịch cũng phải nâng cao. “Nên đi vào chiều sâu hơn là chiều rộng, như thế được là được cả”, ông Kế nói.

Chỉ có điều Hội chợ VITM 4 năm nay cơ bản là giới thiệu sản phẩm cho khách Việt đi du lịch trong và ngoài nước nhiều hơn là cho các DN nước ngoài vào mua sản phẩm tại Việt Nam.

Vì thế, theo ông Kế, nên tách ra, ngoài hội chợ cho khách du lịch đến mua sản phẩm, như các hội chợ quốc tế lớn như ITB ở Đức, WTM ở Anh, JATA ở Nhật,… chuyên bán tour đi quốc tế (mà DN Việt Nam cũng đến bán) và tiến tới tổ chức thêm một Hội chợ dành riêng cho các công ty Việt Nam và công ty đưa khách của nước ngoài đến Việt Nam để bán sản phẩm. Sản phẩm đó không phải cho du khách, mà là cho các đối tác nước ngoài, đó là B-to-B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), điều mà Việt Nam đang hướng tới.

Ngọc Hà