Ở ngôi làng Wolka Kosowska, ngoại ô thủ đô Warszawa (Ba Lan) có một khu nhà kho rộng lớn với cái tên The Business Center” (Trung tâm kinh doanh) mang đậm nét văn hoá Đông Á.

Theo The Economist, ở trung tâm này, âm thanh đàn tam thập lục, lời mặc cả, mua bán bằng tiếng Việt liên tục vang lên. Các thương lái người Việt ngồi đánh bài trên các nộp carton, cùng với đó là các tấm biển cảnh báo như “cấm đốt nhang”, “không đổ bã chè làm tắc bồn rửa” được treo quanh nhà kho.

Ba Lan và Cộng hòa Czech là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng lớn người châu Á. Tuy nhiên, cả hai quốc gia này đều phản đối kịch liệt những nỗ lực của châu Âu trong việc chấp nhận người tị nạn Syria.

Hòa nhập tốt

Những người Việt đầu tiên đặt chân đến đây là những sinh viên trao đổi giữa Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu từ thập niên 1980. Đã có nhiều người định cư lại và đón người thân sang.

Đến nay, ước tính có khoảng 40.000 - 50.000 người Việt đang sống ở Ba Lan và 60.000 - 80.000 người sống ở Cộng hòa Czech. Đây là những quốc gia có tỉ lệ người Việt sinh sống cao nhất châu Âu.

{keywords}

Một nhà hàng Việt Nam tại Cộng hòa Czech. Ảnh: Alamy

Người Việt đều hòa nhập tốt ở cả hai đất nước. Sự khác biệt về ngôn ngữ ban đầu thường khiến họ phải làm những công việc như buôn bán thực phẩm, dệt may. Những người chăm chỉ hơn đã đổ xô đến các trung tâm thương mại lớn ở Ba Lan và CH Czech để mở các cửa hàng tạp hoá, thậm chí là chuỗi bán lẻ.

Một số người đã trở nên giàu có như Chủ tịch tập đoàn Tân Việt Tào Ngọc Tú, ông sang Ba Lan từ khi còn là sinh viên. Ông Tào Ngọc Tú đang điều hành công ty chuyên nhập khẩu gia vị Á Đông và cũng là một trong những người giàu nhất Ba Lan hiện nay.

Người dân bản địa cũng có thái độ cởi mở đối với người Việt hơn so với người di cư đến từ các nước khác. Năm ngoái, người dân CH Czech đã bầu vị tổng thổng mới có tư tưởng chống lại người nhập cư, và theo một khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, nhóm chuyên gia tư vấn đã cho thấy gần một nửa người dân Ba Lan cho rằng nên có ít người nhập cư hơn.

Qua nhiều năm sinh sống ở đây, nhiều người Việt tự nhận thấy người CH Czech và người Ba Lan đã xem họ là nhóm người nhập cư “an toàn”.

The Economist dẫn lời chị Nguyễn Ánh Tuyết, chủ một quán cafe ở Prague kể chị thường thấy người CH Czech nói rằng người Việt rất chăm chỉ, không giống với người nhập cư từ các nước khác vốn bị họ xem là “ăn bám đất nước”.

Học ngôn ngữ bản địa từ người trông trẻ

Tuy nhiên, đôi lúc sự chào đón này cũng trở nên rất mong manh. Nhiều người Việt, đặc biệt là những người sống ở Ba Lan, cho biết mình thường bị chỉ trỏ trên các phương tiện giao thông cộng cũng như bị bắt nạt ở trường.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, một số người CH Czech gốc Việt đã chuyển sang buôn ma túy.

Do cả hai quốc gia này đều đang thắt chặt chính sách nhập cư nên dòng người nhập cư mới từ Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những người sang theo diện đoàn tụ.

Thế nhưng nhóm người di cư thuộc thế hệ thứ hai (con cái của người nhập cư) lại đang có cuộc sống khá ổn định ở đây. Hầu hết họ đều được theo học tại các trường công lập, có nhiều người đã trở thành công dân CH Czech và Ba Lan.

Đỗ Thu Trang, một công dân CH Czech sinh ra tại Việt Nam cho biết cũng giống như những người Czech gốc Việt khác, cô học tiếng Czech từ người trông trẻ trong khi cha mẹ mình buôn bán cả ngày ngoài chợ.

Cô cho rằng thế hệ của cô có vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi định kiến người Việt là những kẻ buôn bán ma tuý trong quá khứ.

(Theo Zing)