Ngày 28/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế chủ trì phiên họp lần thứ nhất của năm 2017, đánh giá kết quả hoạt động năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm nay.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định công tác hội nhập quốc tế thời gian qua tiếp tục gặt hái được nhiều thành công. Song Phó Thủ tướng cũng lưu ý hàng loạt thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế như xu hướng bảo hộ thương mại, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, Mỹ rút khỏi TPP…

{keywords}
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ điều hành phiên họp.

Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu động thái Hoa Kỳ rút khỏi TPP để có đề xuất phù hợp. “TPP còn phải theo dõi tiếp. Hoa Kỳ rút ra rồi thì tương lai hiệp định này thế nào”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo phải nghiên cứu thêm các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp. Bởi vì các nước đang sử dụng mạnh hàng rào kỹ thuật trong khi Việt Nam làm chưa đến nơi đến chốn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: Chúng ta mở cửa nhưng phải bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Chúng ta không phải bảo hộ sản xuất trong nước như trước đây nhưng phải có hàng rào kĩ thuật phù hợp.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ băn khoăn khi xuất khẩu của Việt Nam tập trung chủ yếu vào 10 đối tác chính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Trong khi các thị trường khác như châu Phi vẫn còn bỏ ngỏ. Vì thế, cần tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu, nếu không để xuất khẩu tăng trưởng 2 con số là điều không dễ dàng.

Tại phiên họp, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng: Trong quá trình hội nhập kinh tế, Việt Nam đã có các bước chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc chọn đối tác hợp tác và đàm phán nên đã hưởng nhiều lợi ích hơn từ các hiệp định thương mại tự do. Biểu hiện của lợi ích này là tỷ lệ DN sử dụng ưu đãi đang tăng dần lên như tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc là trên 80% và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Chile là trên 60%,...

Tuy nhiên, có hiện tượng tuy là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này lại chững lại.

Một trong những nguyên nhân là cơ cấu kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam tương đối giống với các nước ASEAN; năng lực của doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các cơ hội còn thấp; DN trong nước muốn hướng tới thị trường trong nước hoặc các thị trường khác, không muốn thâm nhập vào thị trường ASEAN. Đồng thời, các nước ASEAN cũng dựng lên các hàng rào thương mại và xu hướng này sẽ tăng lên trong thời gian tới nên Chính phủ, các bộ, ngành phải hỗ trợ DN vượt qua rào cản này.

L.Bằng