Những chuyển biến trong chính sách của Tổng thống Donald Trump có thể ảnh hưởng trực tiếp tới những doanh nhân giàu có trên thị trường chứng khoán.

Chính sách bảo hộ Donald Trump                                           

Chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa ra quyết định áp mức thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu. Theo đó, Mỹ sẽ áp mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu nước ngoài và 10% đối với nhôm. Ông Trump sẽ chính thức ký sắc lệnh liên quan tới quyết định này vào tuần tới.

Đây là một diễn biến mới nhất trong chính sách bảo hộ mà ông Trump đã cam kết từ hồi chạy đua vào Nhà Trắng, một nỗ lực làm đảm bảo “tính cạnh tranh cho hàng của Mỹ” và thực thi chính sách “nước Mỹ trên hết” (America First) - vốn giúp ông Trump thu hút cử tri và giành chiến thắng trong cuộc đua tổng thống.

Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, kết quả của các cuộc điều tra cho thấy lượng nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ trong năm vừa qua tăng đột biến và đe dọa ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ. 

{keywords}
:

Kế hoạch đánh thuế vào thép được xem là hành động cứng rắn của chính quyền Donald Trump bởi nó sẽ tác động mạnh tới nhiều đối tác thương mại lớn, trong đó có Trung Quốc, với lượng thép xuất khẩu giá rẻ rất lớn.

Theo cáo buộc của Mỹ, Trung Quốc đã khiến giá thép thế giới sụt giảm “tồi tệ” trong những năm gần đây. Hoa Kỳ đã có những biện pháp ngăn chặn nhưng các doanh nghiệp sản xuất thép Trung Quốc vẫn khôn ngoan lách luật bằng cách bán hàng sang một nước thứ ba rồi sau đó mới bán vào Mỹ.

Tới thời điểm này, rất nhiều đối tác thương mại lớn của Mỹ bày tỏ sự bất bình, có nước đã cân nhắc các biện pháp đáp trả bằng cách áp thuế cao một số mặt hàng có ưu thế xuất khẩu của Mỹ. Một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với các đối tác lớn như châu Âu, Trung Quốc và Canada có thể xảy ra.

Đại diện EU cho biết sẽ phát triển một kế hoạch đáp trả theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong vài ngày tới. Còn Canada tạm thời khẳng định, bất kỳ hạn chế thương mại nào đối với thép và nhôm của Canada sẽ là điều “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, họ sẽ có biện pháp đáp trả. Trong khi Nga và Brazil “bày tỏ quan ngại” trước quyết định mới của chính quyền ông Trump.

Tuy nhiên, trước mắt, nếu ông Donald Trump phê duyệt sắc lệnh, các doanh nghiệp ngành thép ở châu Âu, Canada, Trung Quốc, và cả Việt Nam,... là đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên. Và để cuộc tranh cãi ngã ngũ, thì thời gian có thể tính bằng năm. Đây là điều không ít nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lo ngại với một số đại gia ngành thép trong nước, trong đó có Hòa Phát của tỷ phú USD Trần Đình Long, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ và Thép Nam Kim.

Sau thời kỳ bùng nổ, tỷ phú Việt gặp khó

Trong năm vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long liên tiếp lập những kỷ lục thần kỳ. Ông lớn trong ngành thép Việt đạt mức lợi nhuận sau thuế 2017 cao lịch sử với 8.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước. 

{keywords}
 

Giá cổ phiếu HPG tăng vọt lên mức cao kỷ lục mọi thời đại: 66.700 đồng/cp (theo giá điều chỉnh) trong phiên ngày 1/3 vừa qua. Trong năm 2017, ông Trần Đình Long cũng bất ngờ trở thành tỷ phú USD thứ 5 của Việt Nam, sau ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Trịnh Văn Quyết (FLC), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (VietJet) và ông Nguyễn Đăng Quang (Masan).

Tuy nhiên, ngay trong phiên sau đó khi thị trường đón nhận thông tin Mỹ áp thuế nhập khẩu thép, cổ phiếu HPG đã có 2 phiên giảm liên tiếp. Trong phiên 5/3, cú sụt bất ngờ đã khiến tỷ phú USD Trần Đình Long mất ngàn tỷ.

Cổ phiếu Thép Hòa Phát (HPG) của tỷ phú USD Trần Đình Long giảm sàn 4.600 đồng xuống 61.700 đồng/cp với dư mua bằng 0. Cú giảm sốc này khiến túi tiền của ông vua ngành thép Trần Đình Long bốc hơi gần 1.800 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngành thép khác cũng giảm trong 2 phiên vừa qua, trong đó giảm mạnh phiên 5/3 như HSG của Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ giảm 4,9%, Nam Kim giảm 5,5%; Thép Dana Ý (DNY) giảm sàn 9,2%; POM giảm 5,7%,...

Tới nay, có khá nhiều đánh giá trái chiều về tác động của quyết định áp thuế cao của Mỹ tới các doanh nghiệp thép trong nước. Nhưng có một thực tế là túi tiền của các cổ đông ngành thép đang giảm mạnh.

Trong năm 2017, Tập đoàn Hóa Phát của ông Trần Đình Long xuất khẩu hơn 160 ngàn tấn thép thanh, thép cuộn tới Mỹ, Úc, Malaysia,... Giả sử, lượng xuất qua Mỹ chiếm 30% thì giá trị cũng không lớn, chỉ chiếm khoảng hơn 2%.

Tuy nhiên, nếu tính về triển vọng dài hạn về xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước thì đây được xem là một tin khá xấu. Bởi, hiện Mỹ đã trừng phạt thép Trung Quốc. Với  Hòa Phát, năng lực sản xuất lớn và kế hoạch hướng tới doanh thu 100 ngàn tỷ (gấp 3 lần 2016) với cú huých từ dự án Khu Liên hợp Gang Thép Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi, thì khả năng đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ là rất lớn.

Mỹ là thị trường nhập khẩu thép lớn nhất thế giới và là nước có chi phí sản xuất thép thuộc loại cao. Việc Mỹ áp thuế sẽ khiến các doanh nghiệp thép Việt khác mất đi một thị trường lớn trong tương lai.

Hiện tại, theo đánh giá của CTCK Rồng Việt (VDSC), tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ của các doanh nghiệp thép trong nước khá thấp, do vậy, việc áp thuế sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực lên các nhà xuất khẩu thép niêm yết.

Các doanh nghiệp như Hòa Phát hay Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG) đều có tỷ trong xuất sang Mỹ không quá 5%. ASEAN vẫn là thị trường lớn nhất của doanh nghiệp Việt và là thị trường sôi động nhất.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng thép xuất khẩu vào khu vực ASEAN trong năm vừa qua chiếm khoảng 60% tổng lượng thép xuất khẩu. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu tôn thép của Việt Nam nếu không còn xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ gần như không gặp khó khăn gì trong hoạt động, khi lực cầu nội địa và nội khối ASEAN vẫn mang lại dư địa tăng trưởng khả quan.

Tác động tới doanh thu và lợi nhuận hiện tại là không cao. Nhưng rõ ràng, về dài hạn, triển vọng của các doanh nghiệp này bớt sáng sủa hơn.

M. Hà