Năm 2018, cộng đồng DN ghi nhận có nhiều cải cách về môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, các thay đổi nhìn chung chỉ ở mức vừa phải, cải thiện rất tốt hầu như không có.

Quyết liệt cải cách môi trường kinh doanh: Xóa bỏ 'trên nóng dưới lạnh'

Thiếu đột phá

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành khảo sát 10.000 DN trên toàn quốc, kết quả cho thấy, có 2 lĩnh vực được đánh giá tốt nhất là thành lập DN và tiếp cận điện năng. Các lĩnh vực về thủ tục xuất nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư và phá sản DN... được xem là không có cải thiện đáng kể.

Thậm chí, có những lĩnh vực còn thụt lùi như đăng ký bất động sản, tụt hạng từ vị trí 33 năm 2015 xuống 60 năm 2018. Cải cách tư pháp trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại và phá sản diễn ra rất chậm. Thi hành án kéo dài, tỷ lệ thành công thấp. Tỷ lệ DN sẵn sàng khởi kiện thấp và giảm theo thời gian, từ con số 60% năm 2013 giảm xuống còn 36% vào năm 2017. Những DN đã đáo tụng đình lại càng bi quan hơn.

{keywords}
Theo các chuyên gia, kết quả cải thiện môi trường kinh doanh thực chất không nhiều

Tính đến hết tháng 10/2018, đã có 15 Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành, thuộc các lĩnh vực Công Thương, Xây dựng, Lao động, Tài nguyên Môi trường, GTVT, NN-PTNT,... Mặc dù hầu hết các bộ ngành đều thực hiện nhiệm vụ này và có những con số về tỷ lệ cắt giảm, nhưng mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa như mong muốn. 

Các DN cho biết, giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến. Có đến 58% số DN phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong đó có 42% nói họ gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.

Khá nhiều DN vẫn phàn nàn về tình trạng bị thanh, kiểm tra quá nhiều lần và có nội dung trùng lặp. Tỷ lệ DN bị thanh, kiểm tra 2 lần trở lên một năm vẫn chiếm gần 40%. Trong đó, có 13% DN cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các đoàn kiểm tra.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, kết quả cải thiện môi trường kinh doanh thực chất không nhiều, chỉ chiếm khoảng 40%. Quá trình cải cách còn chậm làm tốn quá nhiều công sức, tiền bạc và thời gian. Bà Lan nêu ví dụ: chỉ riêng Nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, khi ban hành, có thể giúp DN giảm chi phí được 3.700 tỷ đồng/năm. Nhưng sau 5 năm mới thay đổi, tính ra quá chậm chạp và gây lãng phí rất lớn.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng có ý kiến tương tự: mức độ cải thiện về môi trường kinh doanh, chỉ đạt 40-50%. Rất ít DN đánh giá mức độ cải thiện đạt 70-80% và hầu như không có DN nào đánh giá các cải thiện đạt 90-100%. Điều này cho thấy cần có nỗ lực nhiều hơn nữa từ các bộ, ngành, địa phương. 

Theo khảo sát của VCCI, các DN mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phòng chống tham nhũng, đánh giá lại năng lực cán bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ám ảnh thủ tục hành chính và thuế

Trong khi đó, bảng xếp hạng về Chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh, do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, cho thấy, Việt Nam tụt 1 bậc, từ thứ hạng 68 xuống 69 trên 190 nền kinh tế. Trong 10 chỉ số của WB, thì Việt Nam có 4 chỉ số tăng hạng và 6 chỉ số tụt hạng.

{keywords}
Những cải cách về môi trường kinh doanh thời gian qua chưa thực sự bền vững (ảnh minh họa)

Nếu như năm 2017, Việt Nam tăng 14 bậc từ vị trí 82 lên 68 thì sang năm 2018 lại có dấu hiệu thụt lùi. Điều này chứng tỏ những cải cách còn chưa thực sự mang tính bền vững, để tạo ra sự bứt phá liên tục.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau các nước Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: Giả sử chúng ta muốn cải thiện môi trường kinh doanh bằng mức ASEAN 4, thì môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới phải nằm ở top 40. Còn muốn đạt trung bình ASEAN 3 (Thái Lan, Singapore, Malaysia) thì phải vào top 20. Điều này không hề dễ dàng.

Nhận định về những rào cản đối với quá trình phát triển, các DN cho biết thủ tục hành chính và các vấn đề về thuế, phí vẫn là mối bận tâm nhất của họ trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tục hành chính vẫn rườm rà, thiếu minh bạch, thái độ của công chức chưa đúng mực, thiếu khách quan,... đang khiến cho DN tốn chi phí, gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Đến nay DN vẫn phải vất vả với các cơ quan công quyền về thủ tục hành chính. Nỗ lực của nhiều cơ quan vẫn là giữ lại các điều kiện kinh doanh mà Chính phủ yêu cầu bãi bỏ, hơn là bãi bỏ bớt các điều kiện bất cập, bất hợp lý cho DN.

Về vấn đề thuế, phí trong năm 2018 các đề xuất chính sách đưa ra phần lớn lại là tăng thu, như luật sửa 6 luật thuế, tăng thu thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu,... Đó là chưa kể khu vực tư nhân nhỏ bé, yếu ớt của Việt Nam lại đang chịu gánh nặng thuế nhiều hơn cả khu vực FDI. Điều này đang gây ra áp lực cho DN rất cao.

Theo VCCI, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ DN bình quân đầu người thấp nhất thế giới. Trong khi đó, chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn nằm ở vị trí 123/190 quốc gia. Đây là điểm rất đáng lo ngại. Việt Nam cần một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để các DN dễ dàng gia nhập thị trường.

Nhìn chung, cộng đồng DN ghi nhận sự cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh cũng như nỗ lực hỗ trợ các DN của Chính phủ trong năm 2018. Tuy nhiên, không gian cải cách vẫn còn rất nhiều và cần có nỗ lực nhiều hơn nữa từ các bộ, ngành, địa phương. Rất nhiều cải cách đã được đưa ra nhưng dường như vẫn còn một hành trình dài để có tác động trực tiếp tới DN.

Còn theo các chuyên gia, nhiều chính sách vẫn chưa được giải quyết triệt để, nên sự chuyển biến theo hướng cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra chậm. Nếu có những đột phá về thể chế, chắc chắn nhiều tiềm năng sẽ được giải phóng hơn nữa.

Trần Thủy

Lại tụt hạng môi trường kinh doanh: Việt Nam còn xa mới bằng Thái Lan, Malaysia

Lại tụt hạng môi trường kinh doanh: Việt Nam còn xa mới bằng Thái Lan, Malaysia

Nhóm Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo môi trường kinh doanh Doing Business 2019. Theo đó, Việt Nam tụt 1 bậc trong Doing Business 2019 dù điểm số có cao hơn năm trước.    

Tăng trưởng giảm, lạm phát bất thường: Sức ép tiềm ẩn

Tăng trưởng giảm, lạm phát bất thường: Sức ép tiềm ẩn

Sức ép lớn cho ổn định kinh tế vĩ mô đã xuất hiện khi GDP quý giảm dần trong khi CPI lại tăng lên. Lạm phát đã có những bất thường và có thể vượt mục tiêu 4% trong năm nay.

Tăng trưởng giữ đỉnh cao nhưng cảnh báo mới đã xuất hiện

Tăng trưởng giữ đỉnh cao nhưng cảnh báo mới đã xuất hiện

Tăng trưởng GDP quý II thấp hơn quý I nhưng vẫn giúp cho tăng trưởng 6 tháng tăng 7,08%. Tuy nhiên, lạm phát lại có dấu hiệu tăng mạnh trong những tháng gần đây, đòi hỏi phải đặc biệt chú ý.