World Bank tin tưởng nền kinh tế Việt Nam có thêm 1 năm khởi sắc với tăng trưởng kinh tế cao, đạt 6,7% và vĩ mô ổn định.  Tuy nhiên, các chuyên gia WB cảnh báo, Việt Nam đã có cải thiện mạnh về môi trường kinh doanh, nhưng nếu Việt Nam không cải cách mạnh mẽ thì dù có cải thiện hơn thì vẫn có nguy cơ tụt hậu so với các quốc gia khác.

Nhận định tại báo cáo "Điểm lại", một ấn phẩm bán thường niên về tình hình kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam (GDP) dự kiến đạt 6,7% trong năm 2017. Về dài hạn, tăng trưởng được dự báo sẽ ổn định ở mức khoảng 6,5%, lạm phát dự kiến ở mức thấp.

Theo WB, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh hơn là do sức cầu trong nước mạnh hơn, các ngành chế tạo và chế biến định hướng xuất khẩu đạt kết quả tốt, ngành nông nghiệp đang từng bước phục hồi. Đây chính là các yếu tố tạo động lực cho nền kinh tế tăng trưởng.

Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, đà tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn được đẩy mạnh và thương mại toàn cầu đang hồi phục trong năm 2017. Nền kinh tế Việt Nam có thêm 1 năm khởi sắc với tăng trưởng cao và vĩ mô ổn định nhờ thu nhập tăng lên và tỷ lệ nghèo giảm xuống.

{keywords}
Tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo tăng 6,7%

Lạm phát thấp và mức lương thực tế tăng giúp duy trì sức cầu trong nước và tiêu dùng tư nhân ở mức cao. Đồng thời, kinh tế toàn cầu khởi sắc cũng trợ lực cho ngành nông nghiệp, các ngành chế tạo định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Số lượng việc làm tiếp tục tăng với 1,6 triệu việc làm mới được tạo ra trong ngành công nghiệp chế tạo trong 3 năm qua và 700 ngàn việc làm mới được bổ sung ở các ngành xây dựng, bán lẻ và dịch vụ, góp phần tăng tổng năng suất lao động. Nhu cầu lao động cao hơn góp phần khiến lương tăng nhanh, với mức lương tăng khoảng 15% từ năm 2014 đến nă 2016.

Ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (WB), cho rằng, trên cơ sở những tiến triển đạt được, Việt Nam có thể tiếp tục nâng tốc độ tăng năng suất qua đầu tư vào kỹ năng và hạ tầng cần có, đồng thời tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh, khu vực ngân hàng và DNNN.

Báo cáo của WB cũng chỉ ra những xu hướng mới và cảnh bảo những rủi ro có thể sẽ gặp phải.

Theo đó, Việt Nam đã có tiến triển về giải quyết nợ xấu, nhưng những rủi ro vẫn còn, chẳng hạn như tỷ lệ an toàn vốn ở một số ngân hàng còn chưa được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng cao. Theo ông Sebastian Eckardt, Nghị quyết 42 của Quốc hội đã tạo khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu nhưng nợ xấu còn lớn, và vùng đệm về vốn chưa dầy, tỷ lệ an toàn vốn ở một số ngân hàng còn chưa đảm bảo.

Báo cáo ghi nhận tình hình tài khóa đang được thắt chặt hơn, dẫn đến bội chi ngân sách giảm xuống và tốc độ tăng nợ công được kiềm chế. Tuy nhiên, cắt giảm đầu tư công - xuống còn 16% tổng chi trong 6 tháng đầu năm 2017 so với 25% trong những năm qua - chưa hẳn đã được cho là bền vững về lâu dài.

Báo cáo chỉ ra những khó khăn hiện tại và rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Đó là tốc độ tăng lực lượng lao động chững lại với mức tăng chỉ là 1% so với 2% ở giai đoạn trước, tốc độ tăng năng suất thấp. Điểu này cho thấy Việt Nam cần có sự điều chỉnh chính sách dể tăng năng suất lao động.

Đai diện WB lưu ý, Việt Nam cần tập trung nhiều hơn và thị trường trong nước, tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực trong nước để tận dụng hiệu quả hơn nữa dòng FDI sẽ chảy vào Việt Nam trong thời gian tới.

Việt Nam đã có cải thiện mạnh về môi trường kinh doanh, nhưng ông cũng nhấn mạnh nếu Việt Nam không cải cách mạnh mẽ thì dù có cải thiện hơn nhưng vẫn sẽ tụt hậu so với các quốc gia khác.

Cũng theo ông Sebastian, Việt Nam là một nền kinh tế chế biến chế tạo và nhu cầu hạ tầng, logicstic cần phải tốt hơn, nhu cầu điện năng cũng tăng lên. Vấn đề là nhu cầu hạ tầng đó cần được đáp ứng như thế nào, đầu tư thế nào để vừa đáp ứng được nhu cầu mà không gây áp lực quá lớn đến tài khóa. Vậy thì mở rộng hình thức PPP là một giải pháp.

M. Hà