Mấy tháng nay, chị Nguyễn Thị Hằng (40 tuổi, trú phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa) chạy ngược chạy xuôi gửi đơn cầu cứu cho các cơ quan chức năng địa phương và trung ương để mong sớm lấy lại số tiền 400 triệu đồng.

"Số tiền này vợ chồng tôi đặt cọc vào việc mua đất nhưng đã bị họ lừa rồi chiếm đoạt", chị cho hay.

Trường hợp của chị Hằng chỉ là một trong số gần cả trăm người ở tỉnh Thanh Hóa bị Công ty cổ phần bất động sản Lam Sơn lừa đảo.

Nhanh chóng đặt tiền mua đất vì tin tưởng

Chị Hằng kể tháng 4/2018, vợ chồng chị được giới thiệu Công ty cổ phần bất động sản Lam Sơn (địa chỉ tại số 44 liền kề 21, khu đô thị mới Đông Sơn, phường An Hoạch, TP Thanh Hóa) có nhiều lô đất ở TP Thanh Hóa.

Hai vợ chồng chị đã đến văn phòng giao dịch tại công ty này và được Trần Đăng Hải (Phó giám đốc công ty) giới thiệu, cam kết bán các lô đất đẹp với giá “ngoại giao” (rẻ hơn giá thị trường).

{keywords}
Chị Nguyễn Thị Hằng mất hàng trăm triệu đồng vì đầu tư mua các lô đất đẹp. Ảnh: Nguyễn Dương.

Vì tin tưởng, vợ chồng chị đã đặt cọc hai lần với tổng số tiền 600 triệu đồng để mua 2 lô đất ở mặt bằng 199 phường Đông Hải (sau khách sạn Central). Số tiền đặt cọc mua đất này đều có phiếu thu và thỏa thuận hợp đồng đóng dấu công ty do Trần Đăng Hải ký nhận tiền.

Hải hẹn với vợ chồng chị Hằng vào ngày 11/6/2018 sẽ sang tên hợp đồng giữa khách và chủ đầu tư lô đất.

“Khi đặt mua, vợ chồng tôi chỉ xem trên bản đồ quy hoạch, ưng lô nào thì chọn lô đó rồi tự đi xem. Chúng tôi không được công ty bất động sản dẫn đi xem thực tế”, chị kể.

Đến ngày hẹn, vợ chồng chị Hằng không được giao đất như thỏa thuận. “Phía công ty bất động sản hẹn 1 tuần rồi hẹn tiếp 1 tháng hoặc giới thiệu lô khác gần đó. Song, tất cả chỉ nói bằng miệng”, chị ngậm ngùi.

Lo mất tiền oan, ngày nào vợ chồng chị Hằng cũng đến trụ sở Công ty cổ phần bất động sản Lam Sơn để đòi lại số tiền đặt cọc nhưng chỉ nhận lại được 200 triệu đồng. Số tiền 400 triệu đồng còn lại, Hải không chịu trả.

Theo chị Hằng, khi gia đình chị dọa sẽ báo công an thì Hải thừa nhận số tiền đặt cọc đó, anh ta không nộp sang cho chủ đầu tư mà chuyển Nguyễn Lê Giang (cựu cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Thanh Hóa) sử dụng vào mục đích khác. Lúc này, vợ chồng chị Hằng mới vỡ lẽ rằng mình đã bị lừa và làm đơn tố cáo.

Cùng cảnh ngộ, ông Lê Khắc Thư (53 tuổi, ở phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn) cho biết vào tháng 5/2018, đã hai lần đặt cọc số tiền hơn 640 triệu đồng để mua 2 lô đất tại mặt bằng 199 Đông Hải cho Công ty cổ phần bất động sản Lam Sơn.

{keywords}
Hợp đồng cam kết, thỏa thuận bán đất của Công ty cổ phần bất động sản với khách hàng. Ảnh: Nguyễn Dương. 

Thời điểm mua đất, ông Thư cũng được phía công ty hẹn giao đất rất nhiều lần nhưng đều thất hẹn. Khi biết mình bị lừa, người đàn ông này đi đòi lại tiền và cũng chỉ mới được trả 200 triệu đồng.

Không riêng chị Hằng, ông Thư, rất nhiều người ở Thanh Hóa đang như ngồi trên đống lửa vì đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng đã đặt cọc cho Công ty cổ phần bất động sản Lam Sơn để mong muốn mua được những lô đất có vị trí đẹp.

Họ đều thừa nhận không tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường bất động sản và do tin tưởng trước những lời giới thiệu, hứa hẹn của phía công ty nên đã "mắc bẫy".

Chiêu trò lừa đảo của cựu cán bộ tài nguyên

Sau khi nhận đơn tố cáo của các nạn nhân, cuối năm 2018, Công an tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc xác minh, điều tra vụ việc nêu trên.

Đến ngày 5/11, cảnh sát đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Đăng Hải (23 tuổi, Phó giám đốc Công ty bất động sản Lam Sơn) và Nguyễn Lê Giang (33 tuổi, cựu cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Thanh Hóa) về Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra, thủ đoạn của Hải và Giang là lợi dụng tâm lý của những người có nhu cầu mua đất tại các mặt bằng quy hoạch trên địa bàn TP Thanh Hóa, nhưng không tìm hiểu kỹ về dự án, các mặt bằng chưa tổ chức đấu giá.

{keywords}
Mặt bằng 199 Đông Hải có vị trí đẹp, được Nguyễn Lê Giang và Trần Đăng Hải đưa lên sàn để lừa đảo các khách hàng. Ảnh: Nguyễn Dương.

Tháng 1/2018, cặp đôi này đã dựng lên sàn giao dịch bất động sản lấy tên là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và bất động sản Lam Sơn để cung cấp các thông tin về mối quan hệ với các chủ đầu tư.

Công ty này hứa hẹn với khách sẽ trúng đấu giá đất tại các mặt bằng 3205 (Nguyễn Công Trứ), 3241 (mặt bằng Triển lãm), 119 (mặt bằng Đông Hải) và 2125 (mặt bằng SunSport).

Để tạo lòng tin với khách hàng, công ty này đã lên mạng tải về sơ đồ các lô đất, vị trí các thửa đất ở các mặt bằng.

Sau đó, các nghi phạm tổ chức rao bán, thuê đội ngũ gồm 20 nhân viên môi giới, dẫn người có nhu cầu đến xem để tạo lòng tin.

Hải và Giang còn tự soạn các thông báo của cơ quan chức năng, áp dụng chiêu trò đất ngoại giao giá tốt, vị trí đẹp, nhu cầu thị trường đang cao để thúc giục người mua đất phải đặt cọc trước 60% số tiền giá trị lô đất.

Chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 10/2018, các nghi phạm đã bán hơn 100 lô đất trên giấy tờ cho 80 người. Tổng số tiền các nghi phạm chiếm đoạt là hơn 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay không có khách hàng nào được giao đất theo thỏa thuận.

Nguyễn Lê Giang nguyên là cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Thanh Hóa. Năm 2017, Giang đã bị chủ tịch TP Thanh Hóa xử lý kỷ luật, chuyển công tác sang Trung tâm Văn hóa TP Thanh Hóa vì mắc một số sai phạm.

Sau khi cảnh sát vào cuộc điều tra vụ việc này, Giang đã bị Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa ký quyết định đuổi việc.

(Theo Zing)