Vượt qua vùng an toàn

Thị trường Việt Nam không chỉ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư mà còn là miền đất hứa cho giới khởi nghiệp. Nhiều nhân tố trẻ đã trở lại quê hương, xây dựng nên sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Sau nhiều năm làm việc cho các công ty nước ngoài, ông Nguyễn Đức Thắng, CEO Databay quyết tâm nghỉ việc để thực hiện hoài bão. Ông nhận thấy, nếu bản thân mãi giậm chân tại chỗ, làm outsoucring (gia công phần mềm) cho nước ngoài thì chẳng khác gì đi “bán máu”.

“Tôi thấy người Việt rất giỏi, nếu cố gắng có thể tạo ra những sản phẩm tốt ngang bằng các nước bạn. Đặt lên bàn cân so sánh, chúng ta hiện đi sau rất nhiều thế giới nhưng tương lai thì chưa chắc. Nếu không thử mà cứ sợ sệt thì mãi không làm được gì”, ông Thắng tâm sự.

Ông nhận thấy, lợi thế rất lớn khi tạo ra sản phẩm trên chính quê hương là hiểu thị trường, hiểu nhu cầu và hiểu con người bản địa hơn bất cứ ai. Từ đó sẽ có hướng tiếp cận, phát triển sản phẩm rõ ràng.

“Đầu tiên là mình phải phục vụ tốt người Việt rồi mới tính xa hơn. Đã xác định cạnh tranh, làm tốt thôi thì chưa đủ, phải luôn nỗ lực để không bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là với công nghệ. Bởi khởi nghiệp công nghệ thì không có biên giới nên cách duy nhất để thích ứng và tồn tại chính là thay đổi từng ngày, từng giờ” – ông Thắng nói.

{keywords}
Ông Ngọc sát sao nhân viên thực hiện dự án  

Khát khao tạo ra sản phẩm của người Việt, phục vụ người Việt là giấc mơ của rất nhiều người trẻ. Ông Nguyễn Quang Ngọc, CEO Wicare đã lựa chọn viết tiếp những hoài bão khi còn là du học sinh tại chính quê hương. Ông đã mạnh dạn từ chối công việc ở tập đoàn tài chính lớn để khởi nghiệp. Với một niềm tin mãnh liệt, Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng để gieo mầm hạt giống.

“Mong ước đầu tiên của tôi khi tạo ra sản phẩm là người Việt sẽ được hưởng những dịch vụ tốt nhất với giá cả hợp lý. Tôi luôn đặt ra câu hỏi, tại sao chúng ta chỉ dám mơ mà không dám hành động trong khi mình có đủ khả năng thực hiện”, ông Ngọc tâm sự.

2 năm trước, sau khi khảo sát thị trường trong nước, ông nhận thấy người trẻ ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ tài chính, bảo vệ sức khỏe. Tại thời điểm đó, ở Việt Nam chưa có sản phẩm nào đáp ứng được mong mỏi của người tiêu dùng. Bởi vậy, ông quyết tâm xây dựng nên một sản phẩm mang thương hiệu Việt, do người Việt và vì người Việt.

Từ những trải nghiệm của bản thân, ông nhận thấy: “Thách thức lớn nhất khi khởi nghiệp là phải chấp nhận vượt qua vùng an toàn. Con đường đi sẽ rất dài nên ngoài sự nỗ lực, lòng nhiệt huyết thì cần có cái đầu lạnh”.

Ở mỗi quốc gia sẽ có điều kiện kinh tế, văn hóa khác nhau nên việc vận hành sản phẩm cũng phải lựa cơm gắp mắm, không phải cứ bê y nguyên mọi thứ từ nước ngoài về là chạy được mà phải biến đổi linh hoạt. Doanh nghiệp muốn thành công buộc phải thay đổi để nâng cao trải nghiệm cho người dùng.

Chinh phục 'ngọn núi' 

CEO của Wicare khẳng định, làm khởi nghiệp sẽ có nhiều thách thức, quan trọng là phải kiên trì. Nếu cứ thấy khó khăn mà bỏ cuộc thì sẽ chẳng làm nên thành tựu. Hay đơn giản là so sánh sự ổn định của công việc trong quá khứ với hiện tại thì khó có thể bước tiếp. Bởi đặc ân lớn nhất của tuổi trẻ là được phép thử, được phép sai, được phép mắc lỗi.

{keywords}
Ông Thắng kiểm tra phiên bản ứng dụng trên điện thoại trước khi đưa vào vận hành

Đúc rút ra bài học từ chính bản thân, ông Ngọc nhận ra: “Tuổi trẻ mới sẵn sàng đánh đổi, được phép làm lại nếu như làm sai. Nếu như để lâu quá rồi sẽ mất đi cơ hội làm những việc có rủi ro lớn”.

Các start-up nhiều lúc sẽ phải vừa đi, vừa học, vừa trải nghiệm để đúc rút ra những kinh nghiệm và bài học xương máu. Trong khởi nghiệp công nghệ, ngoài việc sở hữu công nghệ vượt trội thì việc đáp ứng đúng, trúng, nhanh thị hiếu của người dùng là yếu tố tiên quyết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng, làm khởi nghiệp phải luôn thực tế không thể mơ mộng quá nhiều. Bản thân người trong cuộc cần hiểu rất rõ thứ mình đang làm. Bởi khởi nghiệp đồng nghĩa với việc phải chấp nhận đánh đổi, có thể sau lưng là gia đình và trước mặt là tương lai. Nhưng nếu cứ sợ, cứ chần chừ không chịu thay đổi, không chịu tiến lên thì mãi chỉ là con số 0.

“Khi chúng ta làm ra một sản phẩm mang thương hiệu Make in Vietnam, đó vừa là niềm tự hào vừa là đóng góp cho sự phát triển của đất nước, thay cho việc cứ đi sử dụng mãi sản phẩm của người nước ngoài”, ông Thắng chia sẻ.

Nhắc đến các tấm gương điển hình, CEO của Databay nhấn mạnh: 4-5 năm về trước khi Lazada vào Việt Nam, đây là thương hiệu lớn từ Singapore được hậu thuẫn bởi Alibaba (Trung Quốc), họ đã phủ sóng thương mại điện tử ở toàn quốc. Nhưng vài năm gần đây, sự xuất hiện của Tiki, Sendo, Adayroi đã làm thị trường cân bằng lại. Điều đó càng minh chứng rằng, với năng lực của người Việt Nam, chúng ta có thể xây dựng thương hiệu Việt sánh ngang tầm với bạn bè quốc tế. 

Ông cũng Thắng khẳng định thêm: Bước đệm để Make in Vietnam thành công chính là từng cá nhân thành công, từng doanh nghiệp thành công với hành động hiệu quả.

Tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Make in Vietnam sẽ là tuyên bố của chúng ta. Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”.

Trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh việc phát triển IoT (Internet vạn vật) là định hướng trọng tâm trong thời gian tới của Bộ để tạo bước đột phá, đưa ngành công nghiệp ICT Việt Nam mang nhãn hiệu "Make in Vietnam" vươn tầm thế giới.

Hoàng Dung

Video: Đức Yên - Linh Trang