Khởi nghiệp là gian nan

Con đường dẫn đến thành công của các start-up chưa bao giờ là dễ dàng, nhiều người phải quay lại vạch xuất phát, tạm dừng hay thậm chí là bỏ cuộc. Theo khảo sát của CB Insights, công ty chuyên xây dựng phần mềm dự đoán xu hướng công nghệ mới cho hay, tỉ lệ các startup thất bại trên thế giới dao động từ 75 - 90%. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra, có tới 90% start-up thất bại trong 5 năm đầu tiên. Và rơi vào khoảng 70% nếu tính trong vòng 2 năm. Đây là một cuộc chạy đua khốc liệt trên thương trường, đòi hỏi các start-up phải có kinh nghiệm đủ lớn, sức khỏe đủ bền mới có thể về đích.

Ông Nguyễn Đức Thắng, CEO Databay nhận thấy, thất bại trong khởi nghiệp là điều khó tránh khỏi, đôi khi chỉ cần sai một ly là đi một dặm. Ông tâm sự, bản thân mình từng trải qua 2 lần khởi nghiệp thất bại nên rất đồng cảm, thấu hiểu với những khó khăn mà start-up gặp phải trên chặng đường. Bài học lớn nhất dành cho start-up sau mỗi lần chết là biết mình cần làm cái gì, đang thiếu thứ gì và cần chuẩn bị những gì trên hành trình tiếp theo. Ông cũng nhấn mạnh, mọi lý thuyết đều chỉ mang tính tương đối, chỉ khi bắt tay vào làm mới ra vấn đề.

“Mọi sự chuẩn bị đều có thể thay đổi. Ngày hôm nay chúng ta đang bàn về ứng dụng A thì ở đâu đó trên đất nước này, thậm chí trên thế giới đang nói về cái A’ hay hơn, mới hơn và tối ưu hơn. Đấy chính là cái thay đổi rất nhanh của thế giới công nghệ” – ông Thắng nói.

{keywords}
Ông Nguyễn Quang Ngọc thuyết trình tại ngày hội công nghệ diễn ra ở Hàn Quốc

Ngoài ra, đối với các start-up, vốn là một trong những vấn đề đau đầu và cân não. Ông Thắng cho rằng, cả kể khi có một công nghệ tốt, có mentor (người định hướng) hay, có mô hình kinh doanh hiệu quả nhưng không đủ vốn thì khó có thể tồn tại. Có trường hợp, khi vừa ra được sản phẩm thì cạn tiền hoặc chạy được một thời gian, sản phẩm chưa đủ chín, khách hàng chưa kịp tiếp cận thì chết. Kể ra thì có nhiều nguyên nhân nhưng một phần là do chi phí marketing ở Việt Nam khá cao để kéo được một khách hàng mới về sẽ tốn khoảng 15-20 USD.

Theo ông Nguyễn Quang Ngọc, CEO Wicare cho rằng, các start-up không muốn bị bỏ lại phía sau thì cách duy nhất là phải vừa làm vừa học, không có chuyện muốn thành công mà chỉ ở nguyên trong phòng kín. Qua việc thay đổi sẽ giúp các start-up sống lâu hơn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Ngọc nhận thấy, khách hàng chính là người đưa ra những phản hồi chính xác nhất về sản phẩm. Ví dụ như ban đầu các start-up chỉ tập trung phát triển cái A vì nghĩ rằng đây là thứ mọi người cần nhưng đến tay người dùng họ lại thích cái B hơn. Nên các start-up cần có cái đầu lạnh, ngoài việc chăm chú xây cái mình muốn thì phải luôn biết lắng nghe để thích ứng và tồn tại.

“Khi bắt đầu xây sản phẩm ở Việt Nam, tôi cứ nghĩ rằng lượng người dùng Androi sẽ chiếm ưu thế nhưng khi đẩy ra thị trường tôi mới biết người ta chuộng IOS hơn. Dĩ nhiên, khi biết được điều đấy, tôi phải căn chỉnh cho hợp lý để phục vụ đúng lượng khách hàng mục tiêu. Đó là điều mà mình chỉ biết khi xắn tay vào hành động, chứ ngồi kín đóng cửa nghiên cứu thì sẽ không bao giờ ra” – ông Ngọc chia sẻ.

{keywords}
Muốn khởi nghiệp thành công, các start-up phải có kinh nghiệm đủ lớn, sức khỏe đủ bền mới có thể về đích

Những bài học xương máu

Theo nhà khởi nghiệp người Mỹ, John Spears càng thất bại có nghĩa bạn càng sớm có cơ hội thành công. Sau mỗi lần vấp ngã, các start-up sẽ lớn dần lên và trưởng thành mạnh mẽ. Ông cho rằng, không có gian nan thì không có thành quả và John Spears hiểu điều đó hơn ai hết vì ông từng là người trong cuộc, từng khởi nghiệp thất bại và từng đứng lên từ vũng bùn.

Đồng cảm với John Spears, ông Thắng cho rằng, điều giá trị nhất mà ông nhận được sau 2 lần khởi nghiệp thất bại chính là kinh nghiệm. Đó là những bài học xương máu khiến start-up “khôn” ra mà không có bất cứ giáo trình nào ghi lại.

“Hồi mới khởi nghiệp, tôi và mấy anh em có bao vốn liếng đều dốc hết vào dự án, kết quả là trắng tay, lỗ không còn đồng nào. Giờ nhìn lại mới thấy liều lĩnh, bởi ngoài công nghệ, chúng tôi khi đó chẳng có thứ gì, ngay đến marketing còn chẳng hiểu. Đây cũng là bài học không chỉ riêng tôi mà cho rất nhiều dân công nghệ muốn nhảy sang làm kinh tế”- ông nói.

{keywords}
 Không ngừng nỗ lực, sáng tạo là cách giúp các start-up sống lâu hơn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ

Trải qua nhiều sóng gió, ông Thắng rút ra được những bài học xương máu như: Thứ nhất phải tìm được người đồng hành có cùng tầm nhìn, cùng ý chí và hạn chế là anh em, bạn bè. Đây là sai lầm thường mắc phải trong khởi nghiệp khi chọn cộng sự sai, bởi người Việt có tính cả nể cao, đôi khi làm việc với người thân sẽ mất đi sự tranh luận cần có. Thứ hai là phải nghiên cứu thị trường một cách đầy đủ, tức là mô hình kinh doanh của mình phải là thứ xã hội thiếu, chứ không phải cái đang thừa.

Đồng quan điểm, ông Ngọc cho rằng, để khởi nghiệp thành công cần 3 yếu tố. Trong đó, con người là nhân tố quyết định đến 60% sự thành bại. Tiếp theo là người lãnh đạo phải đủ giỏi nhưng thế nào là giỏi thì khó xác định, nên từ đó đặt ra việc các start-up phải luôn có tinh thần học hỏi và cầu thị. Và cuối cùng là start-up phải đủ nhiệt, nhiệt ở đây chính là nhiệt huyết, dũng khí để đương đầu với mọi khó khăn, thử thách.

Ngoài ra, ông Thắng còn cho biết thêm, có một thực tế hiện nay là các start-up thường quen tiếp cận với khối vốn ngoại nhưng giờ đây là một sản phẩm Make in Vietnam, do con người Việt Nam làm ra cho thị trường Việt Nam. Nên việc phụ quá nhiều vào vốn ngoại lâu dần sẽ dẫn tới tình trạng bị thu mua. Vậy nên, việc có thêm nhiều nguồn vốn nội và sự hỗ trợ của chính phủ là động lực lớn để thúc đẩy khởi nghiệp và thắp lửa tinh thần Make in Vietnam.

CEO Databay nói thêm: “Để trả lời câu hỏi quốc gia cần làm gì để phát triển khởi nghiệp là câu chuyện vĩ mô và đòi hỏi quá trình dài hạn. Chúng ta phải mất nhiều năm để trở thành quốc gia khởi nghiệp, số lượng doanh nghiệp không phải cứ nói là tăng là tăng được. Sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm, không có nguồn tiền, nguồn vốn ổn định cũng không thể khởi nghiệp được. Tất cả mọi thứ cần phải có quá trình, bởi thương trường chính là chiến trường, nó không có chỗ dành cho người mộng mơ”.

Hoàng Dung

Video: Đức Yên - Linh Trang