Quy định không cho chuyển lãi kinh doanh BĐS bù cho các hoạt động kinh doanh khác của DN đang được các DN kiến nghị bãi bỏ. Từ chỗ ra đời như một cách phòng xa để kiểm soát khi những quy định lúc đó còn chưa bao trùm hết, thì nay, sau nhiều năm thị trường hoạt động ổn định, các quy định pháp lý đã hoàn thiện - việc tiếp tục tồn tại luật riêng sẽ kìm hãm sự phát triển.

Vướng mắc trong chính sách thuế đang là một rào cản rất lớn tới các doanh nghiệp BĐS. Trong khi đó, đây lại là một ngành xương sống của nền kinh tế, tác động rất lớn tới các ngành nghề liên quan. Số liệu của Tổng cục thống kê quý 1 cho biết, ngành BĐS đã tăng trưởng ở mức cao nhất từ 2012 đến nay, tăng 3,43%.

Theo báo cáo của Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, lượng giao dịch trong năm 2015 có mức tăng trưởng khá so với những năm trước, tăng gần gấp đôi so với năm 2014, không chỉ ở phân khúc nhà ở trung bình và thấp, mà còn ở cả phân khúc căn hộ trung-cao cấp, đất nền, nhà ở riêng lẻ và phân khúc văn phòng, dịch vụ. 

Tuy nhiên, là một ngành mũi nhọn, là một trong những yếu tố động lực đóng góp vào tăng trưởng GDP, song BĐS vẫn luôn bị đối xử phân biệt với các loại hình doanh nghiệp khác. Nhìn  lại sự phát triển của thị trường, BĐS từng được xếp vào nhóm ngành phi sản xuất để siết chặt cho vay tín dụng. Chính điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới thị trường cũng như các doanh nghiệp BĐS trong một thời gian dài. 

{keywords}
Hướng tới tập đoàn đa ngành trong đó có BĐS

Tương tự như vậy, tính toán lỗ lãi của doanh nghiệp BĐS cũng được áp theo một quy chế riêng. Vì cho rằng là ngành siêu lợi nhuận nên các DN đã bị cấm không cho bù lỗi lãi ngành BĐS. Năm 2014, dù một phần quy định này được gỡ bỏ nhưng vẫn đang bị “khóa” một chiều. Doanh nghiệp được lấy lợi nhuận trong hoạt động ở các lĩnh vực khác để bù trừ cho kinh doanh BĐS bị thua lỗ nhưng không được lấy lợi nhuận từ kinh doanh BĐS để bù trừ cho các hoạt động khác bị thua lỗ. 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp Tổng Giám đốc CTCP đầu tư Dầu khí Toàn Cầu thẳng thắn cho rằng đây là điều bất hợp lý bởi các ngành nghề hoạt động đầu tư, kinh doanh là như nhau. Hơn nữa, các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong cùng một doanh nghiệp đều được đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp, cùng một mã số thuế. Mặt khác, mức thuế suất thu nhập là 20% đang áp dụng hiện nay là vẫn cao so với các nước trong khu vực. Điều này vô tình là gánh nặng đè lên vai các doanh nghiệp BĐS.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước, đã có những nhóm doanh nghiệp tư nhân mạnh, có mối liên kết và hoạt động dưới sự điều hành chung, thương hiệu chung. Đây có thể xem là điều kiện hình thành những mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành. Tuy nhiên, mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân tại Việt Nam hiện gặp không ít khó khăn, trong đó, các doanh nghiệp địa ốc càng khó khăn “hai lần” vì quy định “tận thu” này. 

Chủ tịch Hiệp hội BĐS VN Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng cơ quan thuế cần phải nuôi dưỡng, duy trì và mở rộng nguồn thu của ngân sách, bằng cách mở chính sách thông thoáng cho DN thay vì tận thu. Chính cách tạo điều kiện để DN vượt qua khó khăn, trở thành những tập đoàn kinh tế hùng mạnh, thì cơ quan thuế càng có thêm nguồn thu mới.

“Những DN kinh doanh đa ngành nghề đều đầu tư từ nguồn vốn của họ thì họ phải được quyền cân đối tài sản, cân đối thu chi”, ông Nguyễn Văn Đực, Công ty địa ốc Đất Lành chia sẻ.

Ở góc độ vĩ mô, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, nền kinh tế chúng ta đang hoạt động theo cơ chế thị trường, nếu chưa có sự công bằng thực sự trong hoạt động kinh doanh đối với mọi lĩnh vực mà pháp luật cho phép sẽ là một rào cản lớn đối với sự phát triển của DN. 

Đặc biệt, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam vẫn chưa có những tập đoàn kinh tế tư nhân ngang tầm khu vực và trong bối cảnh nền kinh tế thị trường còn non trẻ, ngoài chính sách thông thoáng, cởi mở phát triển kinh tế tư nhân - chính sách về thuế rất quan trọng để làm nền tảng phát triển mạnh lực lượng này.

Nam Hải