Qua rồi thời một ông lãnh đạo tỉnh có thể dễ dàng “ký văn bản đề xuất trung ương hỗ trợ vốn” cho các dự án của tỉnh mình ngay cả khi các thủ tục cơ bản nhất về đầu tư vẫn chưa hoàn tất. Tinh thần “siết chặt quản lý” đối với đầu tư công đã đưa tới các phản ứng từ các bên liên quan, đặc biệt là từ các địa phương, vốn đang được “thụ hưởng” ngân sách khá dễ dãi lâu nay.

Những vướng mắc mới

Ngày 18/6/2014, Luật Đầu tư công 2014 đã ra đời và có hiệu lực từ 1/1/2015, tạo ra sự thay đổi đáng kể trong lĩnh vực đầu tư công. 

Theo các chuyên gia, việc triển khai Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn thi hành, từ khâu quyết định chủ trương đầu tư đã ngăn ngừa được sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và một chiều trong việc quyết định chủ trương đầu tư, phân cấp mạnh mẽ cho các bộ, ngành trung ương và địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai đã cho thấy nhiều lúng túng trong thực hiện do nhiều nội dung đổi mới, chặt chẽ hơn trước.

{keywords}

Tinh thần “siết chặt quản lý” đối với đầu tư công đã đưa tới các phản ứng từ các bên liên quan.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, thừa nhận có tình trạng vì nhiều lý do nên việc triển khai ở nhiều đơn vị vẫn còn lúng túng, thực hiện một số quy định còn chưa phù hợp, đề xuất và triển khai thực hiện một số nội dung không đúng với các quy định của pháp luật, trái thẩm quyền,...

“Một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tư tưởng xin - cho, bao biện, nên chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư công chưa nghiêm, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí đã đề ra, nên phải điều chỉnh kế hoạch giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn; theo dõi, đánh giá, kiểm tra kế hoạch, chương trình, dự án thực hiện chưa sát sao, chưa đầy đủ”, bà Hà cho biết.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký công văn số 6561/BKHĐT-TH gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Luật Đầu tư công, các nghị định hướng dẫn và nghị quyết số 60/NQ-CP.

Theo công văn này, có tới 12 nhóm vấn đề mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ghi nhận các phản hồi từ các địa phương. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các địa phương, trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về Bộ để tổng hợp xử lý theo thẩm quyền.

Có hay không chuyện “co kéo”?

“Soi” kỹ 12 nhóm vấn đề mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời các địa phương, nếu nhìn từ phía địa phương, rõ ràng hoạt động “xin dự án” đã không còn dễ dãi như trước.

Qua rồi thời một ông lãnh đạo tỉnh có thể dễ dàng “ký văn bản đề xuất trung ương hỗ trợ vốn” cho các dự án của tỉnh mình ngay cả khi các thủ tục cơ bản nhất về đầu tư vẫn chưa hoàn tất và sự thay đổi này đang đưa tới những “ấm ức”.

{keywords}

Hoạt động “xin dự án” giờ đã không còn dễ dãi như trước.

Một chuyên gia về lĩnh vực quản lý đầu tư thừa nhận, chính tinh thần “siết chặt quản lý” đối với đầu tư công đã đưa tới các phản ứng từ các bên liên quan, đặc biệt là từ các địa phương, vốn đang được “thụ hưởng” ngân sách khá dễ dãi lâu nay.

Theo các chuyên gia, sau khi Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư được quy định cụ thể rõ ràng, làm rõ trách nhiệm của từng khâu. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án chỉ được gửi đến các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn khi đã được nhiều cơ quan lập, thẩm định đánh giá về sự cần thiết, hiệu quả, quy mô đầu tư...

Như vậy về thẩm quyền lựa chọn dự án do bộ, ngành trung ương và địa phương lựa chọn và quyết định; mức vốn bố trí cho các bộ, ngành trung ương và địa phương theo các nguyên tắc, tiêu chí, định mức đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chỉ thẩm định xem ngân sách trung ương trong từng giai đoạn có thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện các dự án này, để bảo đảm dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư là phải cân đối được nguồn vốn để thực hiện…

Trong trường hợp bộ, ngành trung ương và địa phương đề xuất thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho nhiều dự án, vượt quá khả năng cân đối vốn của từng giai đoạn, Bộ KHĐT sẽ yêu cầu Bộ, ngành trung ương và địa phương rà soát lại sự cần thiết đầu tư các dự án, cắt giảm quy mô, sắp xếp thứ tự ưu tiên, đề xuất lại danh mục dự án trong khả năng cân đối vốn từng thời kỳ để thẩm định.

Tuy nhiên, với tinh thần thắt chặt quản lý đầu tư như đã đề cập, đang xuất hiện các ý kiến cho rằng các bộ đang “còn tư tưởng xin - cho, co kéo lợi ích trong khâu thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, xây dựng phương án phân bổ vốn”.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, thắt chặt quản lý đầu tư công là một đòi hỏi từ thực tế của Việt Nam và cũng là thông lệ quốc.

Về nguyên tắc, một đồng của đầu tư công cũng phải quản lý chặt chẽ. Chúng ta nhân danh nhà nước để quản lý đồng tiền của Nhà nước thì phải làm chặt chẽ hơn nhiều lần so với quản lý đầu tư của tư nhân. Nhưng mặt khác không vì thế mà chúng ta làm cho mọi việc rối rắm, phức tạp hơn mà phải minh bạch và đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu chi phí thực hiện.

Theo ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, Luật Đầu tư công và các văn bản khác mới được thông qua là những bước tiến lớn trong việc hoàn thiện cơ chế nhất quán về quản lý đầu tư công. “Nếu được bổ sung bằng những văn bản pháp quy chi tiết và giám sát chặt chẽ, các văn bản này có tầm quan trọng trong việc hỗ trợ nâng cao hiệu quả và xác định mục tiêu chi đầu tư tốt hơn”, ông Quang nhận xét.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để khắc phục các tồn tại, hạn chế này, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8/7/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.

Theo đó, Bộ đang chỉ đạo, quán triệt, phân công trách nhiệm từng đơn vị đối với từng nội dung cụ thể, riêng việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án đầu tư công quy định cụ thể thời gian thực hiện và có các chế tài cụ thể. Tuy nhiên, tinh thần chung là áp dụng nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật Đầu tư công, đảm bảo các mục tiêu, định hướng của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Bình Yên