Tại lễ phát động hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” diễn ra ngày 11/6, ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nam, cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 3 tháng qua, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng và có thời gian phải dừng hoạt động. Từ chỗ đón 3 triệu lượt khách năm 2019, tăng trưởng từ 20-30% lượng khách qua mỗi năm, du lịch Hà Nam gánh chịu hậu quả nặng nề.

Vì thế, tỉnh xác định du lịch nội địa sẽ là lực đẩy khôi phục ngành dịch vụ - du lịch và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động của địa phương.

Để Hà Nam kích cầu du lịch nội địa hiệu quả, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB lữ hành Unesco Hà Nội, đề xuất với địa phương nhiều giải pháp.

{keywords}
Chủ tịch CLB lữ hành Unesco Hà Nội đề xuất với lãnh đạo tỉnh Hà Nam nhiều giải pháp kích cầu du lịch nội địa.

Trong đó, ông Hùng nhấn mạnh việc tỉnh cần xúc tiến quảng bá mạnh mẽ và có chủ đề ấn tượng về điểm đến mới với các sản phẩm và các chính sách cụ thể,... nhằm thu hút khách du lịch đến địa phương trên các phương tiện truyền thông và các nền tảng mạng xã hội, như làm clip quảng bá riêng Hà Nam,... mời các nhân vật trải nghiệm, các ngôi sao thực hiện trên nền tảng như Tiktok, Facebook, Youtoube, Instagram.

Ngoài ra, Hà Nam nên giảm giá vé thắng cảnh, giá dịch vụ từ 50-100% theo từng giai đoạn, có chính sách áp dụng giá riêng cho doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Hà Nam đến hết năm 2020-2021

Địa phương cũng cần kêu gọi và định hướng các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, điểm đến,... liên kết giảm giá đồng bộ, không chỉ giữ nguyên mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cập nhật liên tục và rõ ràng các chương trình kích cầu (có sự cam kết giảm giá và địa chỉ cụ thể của các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, điểm thăm quan và vận chuyển tại địa phương.

Ngoài ra, định hướng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch tổ chức các chương trình du lịch đến quần thể khu du lịch tâm linh Tam Chúc, du lịch thiền yoga, tour du lịch dưỡng sinh, chăm sóc sức khỏe...; kết nối khu du lịch Tam Chúc với các điểm du lịch khác trong tỉnh như khu lưu niệm nhà văn Nam Cao - nhà Bá Kiến - làng Vũ Đại, đền Trần Thương, chùa Bà Đanh, chùa Hương, Bát Cảnh Sơn, các làng nghề như làng trống Đọi Tam, làng mây tre đan,...

{keywords}
Khu du lịch Tam Chúc thu hút nhiều du khách tham quan

Một trong các giải pháp để thu hút khách là Hà Nam cần hỗ trợ các đoàn khách MICE, hội thảo, giải golf, teambuilding lớn đến nghỉ đêm tại địa phương bằng các hình thức quà tặng, tài trợ địa điểm, chính sách tài chính nếu có thể.

Ông Trương Quốc Hùng cho rằng, tỉnh có thể học hỏi các địa phương khác trong kích cầu thu hút khách. Ông Hùng lấy ví dụ huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) hỗ trợ 50.000 đồng cho 1 du khách mua tour trọn gói trong ngày hoặc dài ngày, với tổng số tiền lên đến trên 1 tỷ đồng.

Hà Nam là địa phương có thế mạnh về phát triển sản phẩm du lịch sinh thái - tâm linh, du lịch văn hóa - lễ hội.

Đến nay, theo ông Lê Xuân Huy, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch 5 khu, điểm du lịch trọng điểm đó là: Khu du lịch Tam Chúc, điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Lảnh Giang, đền Bà Vũ, Khu trung tâm lễ hội thuộc quần thể di tích lịch sử văn hóa đền Trần Thương, điểm du lịch nhà văn Nam Cao.

Nhiều điểm trong số này đã bắt đầu đón khách tham quan từ đầu năm 2019 và tạo sức bật quan trọng cho du lịch Hà Nam. Đặc biệt, năm 2019, Khu du lịch Tam Chúc hoàn thành giai đoạn 1, thu hút hơn 1,8 triệu lượt khách, chiếm khoảng 65% lượng khách toàn tỉnh trong năm qua.

Bà Đinh Thị Lụa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, khẳng định, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh quảng bá các tour du lịch về với Tam Chúc, về với thiên nhiên sơn thủy hữu tình - những thế mạnh của du lịch Hà Nam. Việc kích cầu du lịch sẽ được thực hiện song song với đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.

Ngọc Hà