Nhiều dự án có nhà thầu Trung Quốc lâm cảnh chậm trễ, đội vốn, kiện tụng... Nhiều chủ đầu tư đã phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc, kể cả chấp nhận bị kiện.

Điều bắt buộc Việt Nam phải chấp nhận dùng nhà thầu Trung Quốc

Sáu tồn tại trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc

Nhiều dự án gặp khó vì nhà thầu

Trả lời cử tri, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Thời gian qua có nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án của Việt Nam, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số tình trạng như: thi công chậm tiến độ; chất lượng của hàng hóa, công trình sau khi hoàn thành không cao, xuống cấp nhanh sau khi hết hạn bảo hành...

Thực tế, nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không phải là không có cơ sở. Không khó để liệt kê những công trình, dự án có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc mang nhiều tai tiếng.

{keywords}
Dự án đạm Ninh Bình lận đận sau khi vay vốn và sử dụng nhà thầu Trung Quốc

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chỉ là một trong số nhiều dự án gặp vấn đề khi vay vốn Trung Quốc, sử dụng nhà thầu Trung Quốc.

Nhiều dự án của ngành Công Thương cũng "ngậm đắng nuốt cay" khi phải đối mặt với nhà thầu Trung Quốc.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với Tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ. Đây là dự án đầu tư xây dựng dở dang, được khởi công từ tháng 9/2007 nhưng đã phải tạm dừng thi công từ quí I/2013 do gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn vì dự án bị kéo dài và tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao. Mặt khác, hợp đồng EPC ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu Trung Quốc đã phát sinh tranh chấp, vướng mắc đến nay vẫn chưa giải quyết được làm cho dự án càng bị kéo dài và khó khăn hơn.

Nhiều dự án Nhà máy sản xuất phân bón sử dụng nhà thầu Trung Quốc là Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc... cũng trong tình cảnh tương tự. Do các bên không dàn xếp được nên hiện đã phải chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài quốc tế.

{keywords}
Việt Nam phải tự chủ về vốn, tránh việc vay vốn Trung Quốc quá nhiều.

Mạnh tay với nhà thầu Trung Quốc

Không ít dự án thủy điện khi nhà thầu Trung Quốc trúng thầu cũng rất “lận đận”, buộc phải ra tuyên bố “đường ai nấy đi”. Ví dụ như dự án thủy điện Thượng Kon Tum có quy mô công suất lắp máy 220 MW, được thiết kế xây dựng trên sông Đắk Nghé.

Trong quá trình thực hiện thi công Dự án, do tình hình tiến độ thi công tuyến năng lượng và nhà máy chậm trễ nghiêm trọng và thái độ thiếu thiện chí hợp tác của nhà thầu Trung Quốc, Công ty VSH đã có Nghị quyết chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc và ra thông báo chấm dứt hợp đồng vào tháng 7/2014.

Sau khi Công ty VSH chính thức thông báo chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc và thu hồi toàn bộ giá trị bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng, thì nhà thầu Trung Quốc đã gửi đơn kiện lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đề nghị phân xử các nội dung liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng. Công ty VSH cũng đã có Hồ sơ tự bảo vệ và Đơn gửi VIAC đề nghị phân xử về việc nhà thầu Trung Quốc vi phạm hợp đồng.

Hiện tại, chủ đầu tư thủy điện này đang phối hợp cùng với các công ty tư vấn luật được thuê để giải quyết vụ kiện, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, chứng cứ và bổ sung các tài liệu pháp lý cần thiết, chuẩn bị lời chứng về sự kiện để tranh tụng.

“Việc xử lý vụ kiện về chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc là phức tạp và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và vấn đề này có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của dự án”, báo cáo của Bộ Công Thương đánh giá.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư liệt kê hàng loạt nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhà thầu Trung Quốc trúng thầu.

Đó là sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Để vay vốn Trung Quốc thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhà thầu Trung Quốc trúng thầu nhiều ở Việt Nam.

Ngoài ra, chất lượng lập, phê duyệt dự án còn thấp, chưa xác định được một cách tương đối chính xác về công nghệ, khối lượng cũng như tổng mức đầu tư của dự án dẫn đến phát sinh khối lượng khi thực hiện.

Để hạn chế nhà thầu kém chất lượng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, biện pháp cần thực hiện là Việt Nam phải tự chủ về vốn, tránh việc vay vốn Trung Quốc quá nhiều.

Theo Bộ này, các chủ đầu tư phải nâng cao năng lực, đạo đức và trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ để bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu góp phần lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu.

Các chuyên gia cho rằng, đây là lời nhắc nhở hợp lý. Bởi "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", nhiều chủ đầu tư vì lý do nào đó đã chấp nhận đánh đổi hiệu quả để lựa chọn nhà thầu Trung Quốc. Điều đó khiến cho dự án lâm cảnh lao đao, không tìm thấy lối ra. Vì thế, nếu mỗi chủ đầu tư đều nhận thức được trách nhiệm của mình, nâng cao năng lực giám sát, thực thi thì sẽ loại bỏ được các nhà thầu kém chất lượng, bất kể là từ quốc gia nào.

 

Khi trả lời cử tri, Bộ Công an cũng đánh giá: Thời gian qua, nhiều dự án tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, thi công xây lắp) do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Trong quá trình thực hiện một số dự án đã phát sinh những vấn đề phức tạp.

Để nâng cao giải pháp trong quản lý trên lĩnh vực này, từ năm 2015, Chính phủ, các cơ quan chức năng đã có nhiều chủ trương, giải pháp chấn chỉnh công tác này như sửa đổi Luật đấu thầu và các văn bản có liên quan, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, hiện nay các sai phạm như đã nêu trên đã có chuyển biến tích cực. Thời gian tới, các ngành tiếp tục xử lý các tồn tại, bất cập trong các quy định của pháp luật liên quan đến vay vốn ODA, tổng thầu EPC, hoạt động xuất nhập cảnh, việc cấp phép, quản lý hoạt động đối với nhà thầu, lao động người nước ngoài, trong đó có nhà thầu Trung Quốc.

Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình lĩnh vực này, kiến nghị những vấn đề liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu, hạn chế các vi phạm xảy ra.

Lương Bằng

Điều bắt buộc Việt Nam phải chấp nhận dùng nhà thầu Trung Quốc

Điều bắt buộc Việt Nam phải chấp nhận dùng nhà thầu Trung Quốc

Sử dụng vốn vay của Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhà thầu Trung Quốc trúng thầu nhiều ở Việt Nam.