Những làng nghề “thức thời”

Nhắc dến làng nghề ở Bắc Ninh không thể không nhắc đến làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ. Bắt đầu từ những năm 1960, cho đến nay những sản phẩm gỗ mỹ nghệ làng Đồng Kỵ: bàn ghế, tủ đứng, tủ chè... nổi tiếng và có mặt trên nhiều miền đất nước. Nghề gỗ mỹ nghệ cũng giúp Đồng Kỵ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Điều đáng nói, với sự nhanh nhạy của những nghệ nhân làng nghề Đồng Kỵ, sản phẩm của làng nghề trở nên “hút khách” hơn nhờ bắt đúng thị hiếu người dùng như hoa văn mới mẻ, kiểu dáng độc đáo, hiện đại... Chính vì vậy, nhiều người không chỉ “đủ sống” mà còn trở thành những “ông chủ, bà chủ”, làm giàu được bằng chính nghề của cha ông truyền lại.

{keywords}
 

Làng nghề tranh Đông Hồ cũng là một điển hình cho những làng nghề linh hoạt chuyển mình ở Bắc Ninh. Trước đây, tranh Đông Hồ chủ yếu phục vụ người dân trong dịp Tết cổ truyền để treo trong nhà. Tuy nhiên, thói quen này dần mai một khiến lượng tranh Đông Hồ tiêu thụ không còn mạnh.

Trong tình hình đó, Bắc Ninh quy hoạch làng nghề thành một điểm du lịch, kiểu dáng cũng được tân trang cho phù hợp với tình hình thị trường, tranh được in thành nhiều kiểu khác nhau và được đóng khung,...

Hiện làng tranh Đông Hồ trở thành một điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt nơi đây còn sở hữu phong cảnh sông nước, gần nhiều di tích lịch sử... khiến lợi thế du lịch tăng cao. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn... cũng lựa chọn tranh Đồng Hồ để trang trí, làm quà tặng đối tác. Cũng nhờ những nỗ lực này, nhiều người dân cũng bắt đầu cải thiện cuộc sống và gắn bó hơn với làng tranh.

{keywords}
 

Làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ và làng tranh Đông Hồ chỉ là 2 trong số 73 làng nghề ở Bắc Ninh, trong đó có phần lớn chuyên sản xuất mặt hàng tiểu thủ công nghiệp. Trong thời kì đổi mới, nhu cầu, thị hiếu cũng như thói quen tiêu dùng ngày càng thay đổi, yêu cầu đối với các sản phẩm, đặc biệt sản phẩm tiểu thủ công nghiệp lại càng khắt khe hơn.

Nắm bắt được điều này, Bắc Ninh không chỉ đơn thuần gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống mà còn chú trọng đẩy mạnh việc thích ứng của các làng nghề với những tiêu chuẩn mới. Nhờ vậy, nhiều làng nghề của Bắc Ninh đã phục hồi, phát triển và ghi tên tuổi trên thị trường.

Hiện làng nghề ở Bắc Ninh góp phần không nhỏ trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu xã hội nông thôn theo hướng tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo, từng bước nâng cao phúc lợi cho người dân, góp phần tích cực trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Phát triển đi liền với bền vững

Cùng với việc thay đổi để thích ứng nhu cầu mới, làng nghề ở Bắc Ninh còn đứng trước yêu cầu phát triển làng nghề gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo sự phát triển bền vững. Trong đó, bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt và quan trọng cần được chú trọng.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề Bắc Ninh chưa nhận thức hết tầm quan quan trọng việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng gia tăng. Kết quả phân tích chất lượng nước tại một số làng nghề giấy Phong Khê, Bún bánh Khắc Niệm, Giấy Phú Lâm… cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Trước thực trạng trên, mới đây tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề án tổng thể bảo vệ môi trường. Trong đó, chi 23,5 tỷ đồng để triển khai dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phong Khê và bún Khắc Niệm.

Kinh phí xử lý các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí do nhà nước hỗ trợ 80%, 20% còn lại do doanh nghiệp, cơ sở phát sinh chất thải đóng góp. Kinh phí vận hành công trình xử lý nước thải tập trung do các doanh nghiệp trong làng nghề đóng góp chi trả 100%.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh cũng đang xem xét, cân nhắc triển khai nhiều giải pháp giữ gìn môi trường làng nghề trong địa bàn tỉnh như thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, quy hoạch hạ tầng cho các làng nghề; xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề, kế hoạch chuyển đổi ngành nghề hoặc di rời ra khỏi khu dân cư; Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất trong làng nghề; yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…

Việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào việc phát triển các làng nghề cũng được chú trọng nhằm hỗ trợ nhiều ngành nghề phát triển phù hợp xu thế phát triển chung.

Những kế hoạch bài bản, định hướng phát triển bền vững hứa hẹn tăng thêm tiềm lực cho các làng nghề ở Bắc Ninh, vừa bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, vừa đưa làng nghề trở thành “mảnh ghép” không thể thiếu trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh.

D. An