Còn TS Huỳnh Thế Du thì khẳng định: Dùng vốn Trung Quốc phải cân đong thêm rủi ro, nếu chi phí rủi ro dưới hiệu quả, mới nên chấp nhận. 

Xung quanh chủ đề đang được dư luận quan tâm hiện nay khi ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, doanh nghiệp trong nước không có khả năng tham gia xây dựng đường cao tốc Bắc Nam, trong khi nhà đầu tư Trung Quốc rất quan tâm, nhiều luồng ý kiến khác nhau đã được đưa ra.

{keywords}
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện CIEM, chuyên gia kinh tế quốc tế

Xin trích đăng sơ lược ý kiến của hai chuyên gia kinh tế Việt Nam về vấn đề sử dụng và quản lý vốn Trung Quốc tại Việt Nam.

Nói "Không" với vốn Trung Quốc: Tưởng dễ nhưng lại khó

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Thế giới hiện nay tồn tại các thái cực khác nhau, trong đối tác có đối tượng và ngược lại, nên Việt Nam cần tỉnh táo, khôn ngoan và chính sách thông minh. Ai cũng biết Trung Quốc gắn liền với các dự án xấu, kém hiệu quả, làm ăn lèm bèm, đội vốn, thua lỗ. Đối với Trung Quốc, ngoại giao kinh tế phải bằng cả trái tim và trí óc".

Trả lời câu hỏi của PV về việc quản lý thế nào các dự án có vốn liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc để không bị thua lỗ, kéo dài tiến độ, ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước và phá vỡ quy hoạch của Việt Nam?

TS Thành cho rằng: Với nhà đầu tư Trung Quốc, chiêu bài bỏ thầu thấp luôn được đem ra thí điểm ở Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã sửa và khắc phục nhưng cơ bản chúng ta vẫn phải đối phó với nhiều kiểu biến hóa.

"Nói "No"- "không" với các nhà đầu tư Trung Quốc tưởng dễ, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay là khó, phải có luật lệ, quy định, phải dựa vào đâu? Còn nếu nói "Yes" với họ, phải làm rõ 4 vấn đề thuyết phục thì mới cho làm là: Tính hiệu quả của đồng vốn, của dự án; sức lan tỏa của dự án; giải quyết đầu tư công và đặc biệt là phải làm rõ và minh bạch với người dân", ông Thành nói.

Theo TS Thành, sử dụng vốn Trung Quốc hiệu quả hay không và có cơ chế nào giám sát họ làm tốt hay không, cơ bản là do chính sách và các quản lý của Việt Nam.

Ông Thành nói: "Vay nước nào cũng là nợ, chỉ có điều là trọng số "nặng" - "nhẹ" thôi. Nếu chúng ta có có sách lược rõ ràng, có luật lệ quy định chi tiết, khi làm hợp đồng phải thương thảo cụ thể, thì sẽ hạn chế nhiều phát sinh".

Dùng vốn Trung Quốc phải "cân đong" thêm rủi ro

Trả lời câu hỏi về luồng vốn Trung Quốc, đã, đang gây nhiều điều tiếng xấu tại Việt Nam như đội vốn, chậm tiến độ, máy móc linh kiện cũ, TS Huỳnh Thế Du cho rằng: Đây là bài toán lợi ích cần được tính về hiệu quả trước khi đặt bút ký phê duyệt, đầu tư.

{keywords}
TS Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam

"Ví dụ Việt Nam tiếp nhận các nguồn vốn ODA của Đức, Pháp, Nhật, chỉ cần chúng ta phân tích lợi ích của nguồn vốn này A, B, C. Nhưng với nguồn vốn của Trung Quốc, chúng ta phải chọn thêm rủi ro D nữa. Đại khái, nếu chi phí lợi ích trừ đi rủi ro, ra con số dương, thấy hiệu quả thì nên triển khai, còn nếu chi phí rủi ro lớn hơn lợi ích thì chúng ta không nên triển khai", TS Du nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam cũng nhận rất nhiều quả đắng từ các đại dự án do vốn Trung Quốc và doanh nghiệp Trung Quốc mang lại như: sự chậm chễ và đội vốn tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông; các đại dự án về xăng sinh học Ethanol, gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, phân bón DAP Ninh Bình - Lào Cai... Dư luận đang rất lo lắng nếu tiếp tục cho nhà đầu tư Trung Quốc thầu các dự án riêng lẻ của Cao tốc Bắc Nam, kịch bản cũ sẽ lặp lại: đội vốn, chậm tiến độ và đặc biệt là làm chậm quá trình phát triển, lớn mạnh của Việt Nam.

Ông Huỳnh Thế Du thừa nhận: "Các dự án Trung Quốc thời gian qua đã để lại khá nhiều thông tin không mấy tốt đẹp. Tuy nhiên, cũng phải công bằng, ngay ở đường sắt số 1 TP.HCM: Bến Thành - Suối Tiên cũng bị chậm tiến độ, đội vốn. Dự án đường sắt của Nhổn - ga Hà Nội, dự án đường sắt số 2 của TP.HCM có vốn của Đức cũng bị đội vốn.... Đây là vấn đề của chính sách, quản lý của Việt Nam và là vấn đề của đầu tư công của Việt Nam".

"Nhiều dự án vay ODA và dự án đầu tư công của Việt Nam đều có trục trặc" và "những phát sinh hệ quả xấu liên quan đến vốn và dự án Trung Quốc chính là do chính sách và năng lực quản lý của Việt Nam", TS Du thừa nhận.

TS Du khái quát: Nếu chúng ta không có cái nhìn toàn diện, không giải quyết được đâu là nguyên nhân thì càng tạo làn sóng phải đối những gì liên quan đến Trung Quốc ngày càng lớn ở Việt Nam.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia cảnh báo, vốn và dự án Trung Quốc thắng thầu ở Việt Nam có thể liên quan đến vấn nạn tham nhũng, lót tay. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phỏng đoán, chưa có bất kỳ công bố nào chính thức cả.

Đáng lo ngại trong đầu tư hạ tầng đường bộ là doanh nghiệp có vốn ít, nhỏ vay từ 50 - 70% từ tổ chức tài chính, chủ yếu là trong nước. Trường hợp nếu nhà thầu Trung Quốc thắng trong một hay nhiều gói thầu đường cao tốc Bắc Nam, họ sẽ vay vốn tại các ngân hàng trong nước và rủi ro về nợ, chi phí dự án và mất vốn là khá lớn. Theo ông Du, điều này khó ngăn chặn được.

"Tôi thấy vấn đề này là của thị trường, do thị trường quyết định, không phải doanh nghiệp Việt không vay vốn ngân hàng để làm đường BOT, thậm chí họ còn vay nhiều hơn. Nếu doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận vốn trong nước, cũng đơn giản là do cung cầu, do ngân hàng chứ chúng ta không có luật nào, quy định nào cấm họ làm cách này cả", TS Du nói.

(Theo Dân trí)