Bật dậy sau giấc ngủ ngắn

Dịch Covid-19 xảy ra đã đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “đóng băng” trong ngắn hạn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tổng nguồn cung bất động sản du lịch năm 2019 đạt 18.425 sản phẩm, lượng giao dịch thành công đạt 6.700 sản phẩm.

Nhiều dự án bất động sản du lịch có quy mô lớn với tổ hợp dịch vụ khép kín, đạt tiêu chuẩn quốc tế và được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín, do các tập đoàn nước ngoài có thương hiệu quản lý vận hành, được các nhà đầu tư quan tâm, tỷ lệ hấp thụ đạt trên 70%...

Trên thế giới, xu hướng sở hữu bất động sản du lịch như “ngôi nhà thứ hai” đang ngày càng được ưa chuộng. Việt Nam - điểm đến an toàn - là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần xây dựng sản phẩm và tạo thương hiệu: Việt Nam - ngôi nhà thứ 2 của khách quốc tế.

Tuy nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. “Nhìn nhận một cách thực tế, các khu nghỉ dưỡng hiện đại của Việt Nam đang còn ở tầm thấp so với du lịch thế giới”, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá.

{keywords}
Khách châu Âu có xu hướng gần gũi với thiên nhiên

Các thị trường mới bắt đầu dậy sóng sẽ trở thành điểm dừng chân của các nhà đầu tư. Bởi với yếu tố "mới", "lạ" cũng như khả năng "tiếp thu kinh nghiệm tốt" từ các điểm du lịch truyền thống trước đó sẽ tạo ra ưu thế kép cho vùng đất mới.

Đưa ra giải pháp để thúc đẩy thị trường du lịch nghỉ dưỡng, ông Nghĩa cho rằng, châu Âu thích trải nghiệm, chiêm nghiệm văn hóa ở một vùng miền. Họ rất văn minh trong việc thưởng thức, nghỉ dưỡng. Vì thế, không chỉ quan tâm đến việc đầu tư các khu du lịch đẳng cấp mà còn cần quan tâm đến yếu tố bản sắc văn hóa, vùng miền. Đặc biệt, trong tương lai sẽ có cơ hội lớn để đầu tư phát triển.

Ông Nghĩa dẫn chứng, Phú Quốc - nơi được khách châu Âu yêu thích nhất - là những khu nghỉ dưỡng được thiết kế gần với thiên nhiên, các chất liệu có thể hoàn toàn bằng tranh tre, nứa lá.

Để thúc đẩy thị trường, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần phát triển kinh tế đêm, nếu làm tốt có thể đóng góp 5-8% GDP. Ông Lực phân tích, tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm bao gồm: Khả năng hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu du lịch toàn cầu; Định hướng coi “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn” và xu hướng phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam.

Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh dẫn đến nhu cầu về giải trí, du lịch, chi tiêu cũng tăng; Quá trình đô thị hoá nhanh dẫn tới sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ; Tiềm năng gia tăng chi tiêu, số ngày lưu trú của khách du lịch (đặc biệt khách quốc tế) còn rất lớn khi các hoạt động du lịch, dịch vụ ban ngày đã đến ngưỡng.

Tầm nhìn dài hạn

Thời gian qua, nhiều tập đoàn bất động sản lớn đã có những chiến lược dài hạn, cho ra mắt những tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp, tạo ra sự khác biệt rõ nét trên thị trường, góp phần nâng cao bộ mặt của ngành du lịch Việt Nam trong mắt khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo ra những cơ hội đầu tư sinh lời hiệu quả.

Tuy nhiên, thị trường cần thêm nhiều sản phẩm đẳng cấp, các điểm đến hấp dẫn, các khu du lịch có thương hiệu mạnh với quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế để níu chân du khách.

{keywords}
BĐS nghỉ dưỡng trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ

PGS. TSKH. Võ Đại Lược nhận định, phát triển dịch vụ du lịch phải đa dạng, không chỉ tắm biển, tham quan, mà phải là các đô thị thể thao, hội họp, triển lãm, mua sắm, an dưỡng,... Chính sự đa dạng của các ngành dịch vụ này mới tạo ra sức hấp dẫn du khách. Để phát triển dịch vụ du lịch đa dạng, nhất thiết phải tổ chức và đẩy nhanh tốc độ xây dựng các tổ hợp kinh doanh bất động sản du lịch đa công năng, đa tiện ích, đặc biệt là tại các khu kinh tế chưa có hạ tầng du lịch phát triển như Vân Đồn.

Chắc chắn, những mô hình phát triển phức hợp “Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp quốc tế” khai thác đa chiều, trải nghiệm 4 mùa sẽ là mắt xích quan trọng làm nên sự tăng trưởng nhanh và bền vững cho các khu kinh tế đặc biệt như Vân Đồn hay Phú Quốc.

Liên quan tới chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh, nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng hiện ngày càng đa dạng, phong phú và chất lượng. Do vậy, đòi hỏi các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng luôn phải đổi mới, đầu tư đa dạng tiện ích với chất lượng cao nhằm nâng cao năng lực hút khách mới đảm bảo hiệu quả đầu tư kinh doanh.

Một khu du lịch muốn hút được nhiều khách cần phải đầu tư đồng bộ hệ sinh thái dịch vụ cũng như tính nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, mua sắm, thể thao, hội nghị, hội thảo, các sự kiện văn hoá, nhạc hội, công viên sinh thái đa dạng loài động thực vật.

Nhà đầu tư cần phải đánh giá được lực hút khách của dự án mà mình đang xem xét, khả năng kinh doanh ổn định và tính bền vững. Dự án càng đầu tư đồng bộ, đa dạng thì càng có nhiều khả năng sinh lời tốt.

Với chủ trương đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2025 thu hút ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu khách trong nước, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 80 tỷ USD, với mức tăng trưởng bình quân 13-14%/năm, vì vậy, chắc chắn nhu cầu về bất động sản du lịch sẽ còn nhiều dư địa để phát triển.

Duy Anh