Thu nhập ngày càng giảm

Ngồi ở góc phố Linh Đàm từ sáng, ông Nguyễn Văn Toan (quê Thái Bình) làm một lái xe Grab được hơn 3 năm. Ông buồn rầu: “Từ sáng tới giờ chưa được cuốc xe nào. Bình thường bắt đầu mở ứng dụng từ 6 giờ sáng tới 10 giờ, tôi đã chạy được 3-4 cuốc xe”.

Sau khi nghỉ việc bảo vệ tại một công ty tư nhân, ông Toan lên Hà Nội đăng ký lái xe ôm công nghệ. Trung bình một tháng ông thu được khoảng 8 triệu đồng. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông.

Theo ông Toan, hiện số lượng lái xe công nghệ ngày càng tăng do thất nghiệp chính vì thế áp lực rất lớn. Nếu lái xe không chấp hành tốt các quy định của Grab sẽ bị từ chối hoạt động.

Trước thông tin, mức chiết khấu của lái xe tăng, ông càng thêm lo lắng. “Một cuốc xe ôm chỉ vài chục nghìn, trừ các khoản chiết khấu, lái xe còn lại chẳng được bao nhiêu”, ông nói. Các lái xe đang phải tự chi trả các khoản như xăng xe, khấu hao phương tiện, chi phí sửa chữa…

{keywords}
Xe ôm than thở vì vắng khách

Điều ông lo lắng hơn là khi tăng giá cước, đồng nghĩa với khách hàng sẽ tính toán và có thể giảm đặt xe. Điều này càng làm cho thu nhập lái xe bị ảnh hưởng bởi. Trong khi đó, lái xe Grab ngày càng đông nên tỷ lệ nhận chuyến khá thấp.

Tương tự, ông Lê Văn Đình, một lái xe Grab chia sẻ: “Tôi mới tham gia Grab từ đầu năm, lúc đầu tưởng mức chiết khấu chỉ loanh quanh 20%, nào ngờ bây giờ tăng mạnh. Giờ muốn bỏ Grab cũng không được vì chẳng còn việc gì để làm”.

Ông cho hay, thu nhập thực của lái xe máy chỉ 55-60% tổng doanh thu vì ngoài 20% chiết khấu, tài xế phải tốn ít nhất 20% cho xăng nhớt, hao mòn xe, 4G, điện thoại... Nếu tổng doanh thu của tài xế được ghi nhận trên ứng dụng là 10 triệu đồng/tháng thì thu nhập thực tế dưới 6 triệu/tháng.

Không chỉ GrabBike, mức chiết khấu của Grab đối với tài xế GrabCar trên mỗi chuyến xe tăng từ 23,6% lên 28,364% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 20%, và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%.

Grab cho biết tiến hành khấu trừ thuế VAT 10%, thuế thu nhập cá nhân 1,5% và phí sử dụng ứng dụng (20% hoặc 25%, không thay đổi) trên mỗi chuyến xe GrabCar.

{keywords}
Mức trừ với lái xe (Nguồn:Grab)

Nếu trước đây một cuốc xe có giá cước 100.000 đồng, tài xế GrabCar chịu phí sử dụng ứng dụng 20% và nhận về 76.400 đồng thì nay chỉ còn 71.636 đồng, thu nhập giảm khoảng 6,4%. Đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%, thu nhập từ cuốc xe 100.000 đồng giảm từ 71.625 đồng xuống còn 67.159 đồng, cũng giảm khoảng 6,4%.

Vay ngân hàng mua xe chạy được hơn 1 năm, vẫn còn khoản nợ, anh Lê Tuấn Anh, một lái xe Grabcar bức xúc, chiết khấu ngày càng cao, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. “Tôi chạy được 1 triệu, phải trả khoảng 300.000 đồng tiền xăng xe và 283.000 đồng tiền chiết khấu, chưa kể các chi phí sửa xe, hao mòn, gửi xe...”, anh nói.

Anh cho hay, để có nguồn thu nhập ổn định và trả nợ ngân hàng, ngày nào anh cũng phải chạy liên tục. Nếu được quay ngược thời gian thì anh quả quyết rằng, anh sẽ không bao giờ chọn mua xe chạy Grab.

Không còn là công việc hấp dẫn

Lái xe công nghệ từng là một trong những công việc được nhiều người lựa chọn vì thời gian làm việc linh hoạt và nguồn thu nhập khá cao. Khi mới gia nhập thị trường Việt Nam, các hãng xe công nghệ đã đưa ra mức chiết khấu hấp dẫn cùng các khoản thưởng để trao cho các lái xe. Thậm chí, họ chỉ cần mở ứng dụng, không chạy xe cũng có thưởng. Chính vì thu nhập như mơ nên nhà nhà đua nhau vay tiền mua xe chạy taxi công nghệ.

Theo chia sẻ của anh Lê Tuấn Anh, thời điểm 2016, hy vọng có được thu nhập cao, anh quyết định vay tiền mua một chiếc Grand i10 chạy. Sau khi trừ chi phí, các khoản, anh thu về hơn 20 triệu đồng/tháng.

{keywords}
Áp lực lái xe ngày càng nhiều

Thời gian đầu mức chiết khấu chỉ là 20% thôi, nhưng bắt đầu từ giữa tháng 12/2016, Grab yêu cầu "thu hộ" thuế của tài xế nên mức chiết khấu kèm thuế lên thành 23,6%. Các năm sau, mức chiết khấu ngày càng tăng. Hiện, những lái xe công nghệ như anh Tuấn Anh phải chật vật mới đủ khoản thu nhập hàng tháng.

Anh Nguyễn Thanh Ngọc (32 tuổi, tài xế GrabBike) cho biết, ban đầu Grab chiết khấu chỉ 15%, giúp anh em có thu nhập ổn định phần nào nên rất hài lòng. Tuy nhiên dần về sau thì liên tục tăng chiết khấu từ 15% lên 20%, sau đó lại lên 23,6%, giờ lại tăng tiếp.

Theo anh Ngọc, nếu chạy GrabBike thì tiền đồng phục đã 400.000 đồng, tiền duy trì app, chưa kể tiền bảo dưỡng xe, tiền 3G, tiền điện thoại,... Nhiều tài xế bỏ công việc chính đang làm để chạy GrabBike nhưng chạy một thời gian lại quay về công việc cũ vì chịu không nổi mức chiết khấu quá cao.

Bức xúc vì tăng chiết khấu, lái xe công nghệ từng đã có những cuộc phản đối. Sáng 15/1/2018, hàng trăm tài xế GrabCar đã đến trụ sở của GrabCar tại Hà Nội để phản đối việc Gab tăng mức chiết khấu lên 28,3%. Trước đây không lâu, hãng này cũng có đợt tăng mức chiết khấu từ 15% lên 20%.

Ngày 10/1/2018, hàng trăm tài xế GrabBike đã đồng loạt tắt ứng dụng, đình công, cùng nhau kéo đến trụ sở Grab để yêu cầu giải thích rõ ràng về việc tăng chiết khấu lên quá cao khiến nguồn thu của họ bị mất dần.

Những năm gần đây, cạnh tranh giữa các hãng như Gojek, Be, FastGo, Now, Beamin... làm thị phần ngày càng giảm, lượng tài xế tăng đột biến khiến thị trường gọi xe khốc liệt giành khách.

Hiện, mức cước phí xe công nghệ không còn hấp dẫn với người tiêu dùng, điều đó đồng nghĩa với việc sự cạnh tranh của taxi công nghệ và truyền thống ngày càng quyết liệt hơn. Lợi thế đã cân bằng giữa hai bên, điểm cạnh tranh nhất hiện nay vẫn là dịch vụ chuyên nghiệp, đơn vị nào lấy được lòng khách hàng sẽ chiến thắng trong cuộc chơi này.

Duy Anh