Phát biểu tại Lễ ký kết Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Tại hội nghị các nhà lãnh đạo G20 ngày 29/6, tôi có cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ngài ấy nhấn mạnh ngày 30/6 hôm nay là một ngày đặc biệt mang ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam - EU".

Thủ tướng chia sẻ: Chúng ta vừa chính thức ký hai hiệp định quan trọng là EVFTA và IPA, mở ra chân trời mới, hợp tác rộng lớn toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam - EU, đáp ứng nhu cầu của người dân và DN hai bên.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: Phạm Hải

"Nhân dịp này, tôi đánh giá cao các bộ ban ngành Trung ương, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan quan tư pháp đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đối tác tại EU và các nước thành viên EU trong quá trình đàm phán, thống nhất nội dung, thúc đẩy để chúng ta đi đến lễ kí kết hôm nay - một mốc son trong quá trình dài đàm phán", Thủ tướng bày tỏ.

Theo Thủ tướng, EU với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam - một quốc gia đang phát triển nằm cách xa nửa vòng trái đất làm đối tác. Là quốc gia giàu tiềm năng, phát triển năng động hàng đầu Đông Nam Á, thực hiện chính sách đa phương, đa dạng hóa quan hệ với tầm nhìn mạnh mẽ về hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam rất vui mừng hợp tác với liên minh châu Âu - một nền văn minh tiên tiến, phát triển ở phía Tây bán cầu, hùng mạnh hàng đầu thế giới...

{keywords}
Hiệp định EVFTA được ký kết. Ảnh: Phạm Hải

Năm 2012 Việt Nam và EU đã ký hiệp định đối tác toàn diện, là khung hợp tác quan trọng về chính trị, đối ngoại. Nay Việt Nam - EU ký hai hiệp định quan trọng về thương mại là EVFTA và IPA, đây là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích.

"Sự liên kết, tổng hòa các hiệp định quan trọng sẽ nâng cánh quan hệ Việt Nam - EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược", Thủ tướng tin tưởng.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống còn lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Việc hợp tác hai bên mang  ý nghĩa đặc biệt, thể  hiện tư duy mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược của cả Việt Nam và EU, là 2 nền kinh tế bổ sung cho nhau, cùng hợp tác, cùng có lợi, cùng phát triển, hướng về tương lai tươi sáng, đóng góp cho sự phát triển bền vững, hòa bình, ổn định và phát triển.

{keywords}
Ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư IPA. Ảnh: Phạm Hải

"Tôi tin tưởng nghị viện châu Âu, nghị viện các nước thành viên EU, Quốc hội Việt Nam sớm phê chuẩn các hiệp định này để khi có hiệu lực, hai hiệp định này như tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn giữa EU và Việt Nam. Từ đây người dân 2 bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, DN hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, DN EU không chỉ tiếp cận thị trường 100 triệu dân của Việt Nam mà cả thị trường các nước ASEAN, CPTPP, thị trường các nước Đông Á, góp phần tạo nên xung lực của hợp tác đông tây, mang đến sự thịnh vượng của khu vực Á - Âu và toàn cầu.

Tuy nhiên việc kí EVFTA, IPA hôm nay mới là bước khởi đầu, hai bên cần nỗ lực hợp tác.

"Để quá trình triển khai thành công, Việt Nam sẽ ban hành 1 chương trình hành động quốc gia thực hiện 2 hiệp định với các nhiệm vụ biện pháp cụ thể, thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết, triển khai đến các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, DN và người dân, gắn với phát huy sự năng động sáng tạo trong quá trình thực hiện, hướng đến mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển giàu mạnh, hùng cường", Thủ tướng nêu rõ.

{keywords}
Hai hiệp định này như tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn giữa EU và Việt Nam. Ảnh: Phạm Hải

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ... là rất đáng kể.

Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã từng được ký kết. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Cùng với Hiệp định EVFTA, Hiệp định Bảo hộ đầu tư cũng có ý nghĩa quan trọng. Tháng 6/2018, Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).

Đặc biệt trong IPA, Việt Nam có cam kết bảo hộ đầu tư. Việt Nam cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn, v.v...

Lương Bằng