Từ lâu, người ta đã dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Song nhờ thành công của Bắc Kinh trong ứng phó với đại dịch Covid-19, cột mốc đó có thể xuất hiện sớm hơn, có lẽ là vào năm 2028, theo Nikkei Asia.

Trung Quốc ít nhiều khống chế dịch bệnh thành công và quay lại tập trung cho tăng trưởng kinh tế, trong khi Mỹ và nhiều nước phát triển khác vẫn vật lộn với đại dịch. Các chuyên gia tin rằng việc này có thể có tác động lâu dài đến trật tự kinh tế toàn cầu và củng cố vị thế của Trung Quốc trong thế giới hậu Covid-19.

{keywords}
Tàu cao tốc chuẩn bị rời Bắc Kinh đến Thượng Hải. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý IV/2020 đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, theo Cục Thống kê Quốc gia. Tính cả năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,3% - mức thấp nhất 44 năm tại nước này nhưng là tín hiệu tích cực duy nhất trong các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Sự phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch dự kiến tăng tốc trong năm 2021. Chính phủ Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều dự báo tăng trưởng GDP là 8% hoặc hơn.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản hồi tháng 12/2020 cho biết Trung Quốc có thể vượt Mỹ, sớm nhất là vào năm 2028, nếu tác động kinh tế của Covid-19 kéo dài.

Trung tâm này trước đây nói sự soán ngôi khó có thể xảy ra trước năm 2036. Song giờ đây, họ nhận thấy Trung Quốc và Mỹ đang đối mặt với viễn cảnh khác nhau rõ ràng về việc làm, cũng như chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại Anh cũng thay đổi dự báo, nói Trung Quốc sẽ có thể vượt Mỹ vào năm 2028, trong một báo cáo quan trọng công bố vào tháng 12/2020.

CEBR cũng dự báo đến năm 2023, Trung Quốc sẽ gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế thu nhập cao. Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, đây là nền kinh tế có GDP bình quân đầu người từ 12.536 USD trở lên.

Trong khi Trung Quốc đang tập trung hồi phục kinh tế, các nền kinh tế như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu có thể bị ảnh hưởng lâu dài về khả năng cạnh tranh nếu việc cứu trợ dại dịch ăn vào đầu tư cho khoa học và công nghệ.

Ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc đang buộc các nước châu Á và ngoài khu vực phải đánh giá lại mối quan hệ với Bắc Kinh, theo các chuyên gia. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã áp đặt một loạt thuế quan và hạn chế xuất khẩu trong cuộc chiến thương mại và công nghệ với Bắc Kinh.

Vào tháng 11/2020, Trung Quốc đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, với 14 quốc gia khác, bao gồm Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Đến tháng 12, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận đầu tư với Liên minh châu Âu.

(Theo Zing)