“Chúng ta nghe DN phản hồi nhưng phải có giải pháp, không phải nghe để biết, để đó. Cái chính là Nhà nước được gì, DN được gì, nhân dân và người lao động được gì. Đó là 3 câu hỏi cần phải trả lời và phải có cải cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”.

Cải cách mạnh mẽ để thông thoáng hơn

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016 ngày 5/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định: “Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để tư nhân phát triển mạnh mẽ, phấn đấu đạt chỉ số môi trường kinh doanh đạt mức ASEAN 4 trước 2020”.

Theo Doing Business 2017 của WB, Việt Nam xếp thứ 82/190 quốc gia, tương đương hạng 4 ASEAN. Còn Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam đạt thứ hạng 56/140, đứng thứ 6 trong ASEAN.

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để tiếp tục cải thiện thứ hạng môi trường kinh doanh. Thủ tướng kêu gọi DN Việt Nam chủ động, tích cực tham gia sâu hơn tái cơ cấu, thông qua đa dạng hóa hoạt động đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia đề xuất sáng kiến chính sách phù hợp tăng trưởng xanh bền vững…

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại VBF 2016.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh thông điệp: DN tư nhân “nội” hay DN FDI đều bình đẳng trước pháp luật. Chính phủ mong muốn cộng đồng DN phát huy giá trị sáng tạo trong cạnh tranh và phát triển, nâng cao hơn nữa năng suất lao động toàn nền kinh tế, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải “tiếp thu, nghiên cứu” những đề xuất kiến nghị phù hợp của diễn đàn hôm nay để sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật liên quan

“Chúng ta nghe DN phản hồi nhưng phải có giải pháp, không phải nghe để biết, để đó. Cái chính là Nhà nước được gì, DN được gì, nhân dân và người lao động được gì. Đó là 3 câu hỏi cần phải trả lời và phải có cải cách mạnh mẽ hơn thời gian tới”.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, có kế hoạch triển khai các nhóm vấn đề đã thảo luận. Trước mắt, sửa chữa, chấn chỉnh những bất cập tồn tại kéo dài, phù hợp thông lệ quốc tế và tính thị trường. Các bộ trưởng phải làm nhiều việc để có môi trường tốt cho DN tư nhân cũng như DN FDI phát triển.

Không chào đón nhà đầu tư vi phạm bảo vệ môi trường

Ngay tại diễn đàn này, Thủ tướng bày tỏ mong muốn DN FDI đến Việt Nam bằng “cả trí óc và trái tim”, đồng thời nhắc nhở, DN FDI chung tay cùng Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của môi trường và sự trong lành của môi trường sống của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi mà quý vị cam kết. Bởi vì điều đó không chỉ làm phương hại lợi ích Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến uy tín và mẫu mực kinh doanh của nhiều nhà đầu tư khác đang có mặt ở Việt Nam, làm giảm mức độ hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư danh tiếng, có tiềm năng đến Việt Nam trong tương lai.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thực tiễn 30 năm đổi mới, cải cách mở cửa đã chứng minh kinh tế tư nhân là động lực quan trọng kinh tế Việt Nam, góp phần xây dựng vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị của mạng sản xuất toàn cầu.

Hiện nay, Việt Nam đã có 600 nghìn DN đăng kí, trong đó có nhiều công ty tư nhân, công ty cổ phần lớn trên thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam có hơn 100 nghìn DN thành lập mới trong một năm. Như vậy, bình quân 1 tiếng có 12 DN được ra đời. Bên cạnh đó là lực lượng đông đảo hơn là 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Đây là lực lượng kinh tế quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc mục tiêu Việt Nam có 1 triệu DN vào 2020.

Nhắc đến hơn 21 nghìn DN FDI đầu tư tư gần 300 tỷ USD ở Việt Nam, Thủ tướng khẳng định: đây là khu vực tiềm lực kinh tế mạnh, phát triển tốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, hợp tác tốt với khu vực kinh tế trong nước, bao gồm cả DN tư nhân nhưng vẫn chỉ mới bước đầu.

Thủ tướng nhấn mạnh: Khu vực FDI là mắt xích không thể tách rời và đóng góp ngày càng quan trọng cho kinh tế Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao và cam kết tạo thuận lợi hơn nữa cho DN. Chính phủ mong muốn DN FDI với thế mạnh về công nghệ, tài chính, năng lực quản trị… sẽ có cam kết và hành động cụ thể để hỗ trợ tăng cường liên kết, hỗ trợ DN trong nước cùng phát triển.

Không cẩn thận, Việt Nam sẽ 'tụt lại phía sau'

Phát biểu khai mạc VBF sáng nay, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, 2016 có thể coi là năm doanh nghiệp của Việt Nam.

Đây là năm cộng đồng doanh nghiệp nhận được sự quan tâm nhất của toàn hệ thống chính trị, để trở thành động lực mạnh mẽ của nền kinh tế.

Khẳng định doanh nghiệp đã phục hồi sau một thời gian khó khăn, nhưng ông Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận “doanh nghiệp tuy đông nhưng chưa mạnh”. Nhiều doanh nghiệp chưa khẳng định và củng cố được khát vọng lớn mạnh, vươn cao, vươn xa.

{keywords}
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam là hoạt động được tổ chức thường niên để lắng nghe ý kiến của các DN

“DN nhỏ chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Dù giải quyết được vấn đề việc làm nhưng thiếu doanh nghiệp lớn, mạnh, đủ tầm, đủ tiêu chuẩn, khả năng dẫn dắt cuộc chơi tại thị trường trong nước cũng như vươn ra thế giới”, ông Dũng chia sẻ.

Nhắc đến vấn đề môi trường kinh doanh, lãnh đạo Bộ KH-ĐT khẳng định, quan tâm môi trường ngay từ đầu dự án đến vận hành là yêu cầu tiên quyết với một dự án đầu tư bền vững, lâu dài. Đây là điều kiện để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh bền vững.

“DN đầu tư ở Việt Nam đều mong muốn lâu dài và ổn định, muốn vậy môi trường phải đặt lên hàng đầu. Đó là yêu cầu của Chính phủ cũng như của nền kinh tế xã hội”, ông Dũng nói.

Thời gian qua, năng lực cạnh tranh nền kinh tế và môi trường kinh doanh của Việt Nam có cải thiện về thứ hạng. Thế nhưng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận rằng sự tiến bộ ấy “chưa tạo được bứt phá nếu xét trong khu vực ASEAN”.

Ông Dũng cho rằng: Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang đứng 5 trong 10 nước ASEAN. Trong khi các nước phía trên không dừng lại để ta vượt qua, thì các nước xếp sau chúng ta lại cải thiện vượt bậc. Cho nên không cẩn thận chúng ta vừa khó tiếp cận trung bình ASEAN 3-4 mà lại tụt lại phía sau.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, khả năng 2016 là năm đầu tiên mà số lượng DN thành lập mới đạt mức kỷ lục, vượt con số 100.000.

Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá, ông Lộc cho rằng so với các quốc gia khác, trước hết trong khu vực ASEAN, thì môi trường kinh doanh vẫn còn khoảng cách khá lớn. So với mong muốn của DN thì lại càng xa.

“Khác với nhiều nước, các DN Việt Nam vẫn phải nặng gánh các khoản chi trả không chính thức, gặp phải tình trạng nhũng nhiễu cho đến luôn phải tìm cách đối phó với những rủi ro có thể xảy ra từ thay đổi chính sách hay áp dụng và thực hiện không nhất quán, không dự đoán được của cơ quan nhà nước các cấp”, ông Lộc băn khoăn.

Ông Kyle F.Kelhofer, giám đốc quốc gia cấp cao Việt Nam, Lào, Campuchia tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành tâm điểm sản xuất của thế giới. Nhưng ông cũng nhấn mạnh Việt Nam phải làm thế nào phát triển sạch hơn, xanh hơn, đảm bảo môi trường trong lành.

Thay mặt cộng đồng DN, ông Ryu Hang Ha, đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cam kết tuân thủ những điều kiện môi trường ngặt nghèo nhất. “Chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác, có cảnh báo, trừng trị những kẻ gây ô nhiễm”, ông Ryu Hang Ha nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo VCCI, thông điệp đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ, giải pháp quan trọng là hành động, là rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn, xóa bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi.

Lương Bằng