Đây là nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chuyên gia kinh tế và DN tại Hội thảo Điểm lại Pháp luật kinh doanh năm 2018.

Ít ý nghĩa thực tế

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, 2018 được coi là năm của cải cách thể chế với những nỗ lực cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Đó cũng là hai điểm nghẽn lớn nhất cho việc gia nhập thị trường và lưu thông thương mại qua biên giới.

Trong đó, 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được đơn giản hóa hoặc dỡ bỏ, giải phóng DN khỏi hàng ngàn thủ tục và chi phí không cần thiết. Nhưng pháp luật kinh doanh 2018 vẫn còn những điểm mờ. Cải cách ở nhiều lĩnh vực vẫn còn chưa thực chất. Vẫn thấy tình trạng “ngập ngừng” trong tư duy quản lý của các bộ ngành.

{keywords}
Nhiều DN lo ngại việc cắt giảm giấy phép này lại mọc ra giấy phép khác

Các giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân vẫn thiên về ưu đãi hơn là giải quyết những vấn đề cốt lõi thuộc phạm vi thể chế. Hành trình tiến đến môi trường kinh doanh an toàn thuận lợi và minh bạch còn rất gian nan.

VCCI cho biết, qua rà soát, thấy có 16 Luật, 18 Nghị quyết của Quốc hội, 169 Nghị định của Chính phủ, 51 quyết định của Thủ tướng, 590 Thông tư của các bộ và 47 văn bản khác đang tồn tại trong lĩnh vực kinh doanh, tác động rất lớn đến DN. 

Tính đến tháng 10/2018, tất cả các bộ, ngành đều hoàn thành chỉ tiêu cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý. Tuy nhiên, cắt giảm điều kiện kinh doanh ở nhiều bộ, ngành chỉ mang tính hình thức, bảo đảm được yêu cầu về số lượng nhưng ít ý nghĩa thực tế và không mang lại những hiệu ứng lớn.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, can thiệp quá nhiều vào quyền kinh doanh của DN như trong lĩnh vực đại lý tàu biển, dịch vụ kế toán, kinh doanh rượu,... chưa được cắt giảm. 

Không những thế, nhiều văn bản mới ban hành, liên quan đến quy định của thủ tục hành chính lại làm cho trình tự thêm phức tạp, thiếu các mốc thời gian và thời hạn giải quyết thủ tục còn dài. 

Lo ngại bỏ cũ thêm mới

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, có tình trạng “bỏ cũ thêm mới” trong cắt giảm điều kiện kinh doanh. Một số sửa đổi tại các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh còn gây nên sự mâu thuẫn giữa mục tiêu và hành động. Một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi, gây khó khăn hơn cho DN, hoặc có tình trạng bỏ giấy phép này nhưng lại “đẻ” thêm giấy phép khác và việc ban hành các loại giấy phép mới cũng không được xem xét, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu chí tạo thuận lợi cho DN.

Chẳng hạn như điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng của Nghị định 100/2018/NĐ-CP còn khó hơn so với quy định tại nghị định 59/2015/NĐ-CP. Quy định cá nhân nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ, phải đảm bảo “đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trình”, thay vì “đã trực tiếp giám sát thi công” như trước đây.

{keywords}
Kinh doanh gas cũng được cắt giảm điều kiện, quy định gây khó cho DN

Đối với hoạt động kiểm tra chứng nhận sự phù hợp, còn cho thấy sự độc quyền và thiếu minh bạch. 

“Có một số ít tổ chức được quyền chứng nhận sự phù hợp, hoặc các tổ chức do bộ, ngành chỉ định... dẫn đến tình trạng độc quyền. Điển hình như chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực phân bón. Một số trường hợp khác vẫn do cơ quan Nhà nước đứng ra kiểm tra, như kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu, gây khó khăn cho DN”, ông Tuấn nói.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cho rằng, những rà soát, sửa đổi thời gian qua, mới chỉ dừng lại ở việc gỡ bỏ các rào cản, chưa phải là động thái thúc đẩy kinh doanh. Trong khi đó, pháp luật phải hướng tới viêc phát triển kinh doanh. 

Năm 2019 dự kiến sẽ ban hành 170 Nghị định, ai đảm bảo rằng các nghị định đó không phát sinh thêm những điều kiện kinh doanh, những quy định mới, gây khó cho DN, ông Hiếu nghi ngại.

Đại diện Viện CIEM kiến nghị, cần thay đổi cách tiếp cận về cải thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ nên bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh bất hợp lý, gây khó cho DN đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực, từ Công Thương tới Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục, Xây dựng mà không cần phải bàn cãi thêm.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, dòng chảy chính của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là sự dịch chuyển các hộ kinh doanh thành DN. Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp hơn 40% GDP cả nước, nhưng chỉ có 8% từ các DN chính danh, còn lại từ 5,2 triệu hộ kinh doanh.

“Lâu nay, chúng ta kêu gọi rất nhiều việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh thành DN. Vì sao không như mong muốn? Vì sao các hộ kinh doanh rất thờ ơ với việc nâng cấp lên DN. Vấn đề là pháp luật kinh doanh không thuận lợi, mà còn gây khó với DN”, ông Lộc nói.

Vì vậy, cần phải đơn giản hóa các thủ tục về thuế, chính sách kế toán; cắt giảm tối đa các điều kiện kinh doanh và hạn chế tối thiểu việc kiểm tra, thanh tra,... để thúc đẩy nhanh tiến trình này, ông Lộc nếu quan điểm.

Trần Thủy