Xu hướng đào tạo trực tuyến

Với hơn 60% trên tổng số dân sử dụng Internet, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng để phát triển e-Learning (đào tạo trực tuyến). Theo thống kê của B&Company, tại Việt Nam, giai đoạn 2013-2018, tốc độ tăng trưởng hằng năm của ngành e-Learning khoảng 40%.

Tính đến tháng 8/2017, 150 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực e-Learning ra đời. Giá trị của các start-up về EdTech (công ty công nghệ chuyên về giáo dục) toàn cầu được ước tính hơn 190 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến vượt 300 tỷ USD vào năm 2025.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chưa bao giờ nhu cầu e-Learning lại cấp thiết như hiện nay, khi hàng loạt hoạt động offline hoàn toàn bị đình trệ. Các doanh nghiệp lúc này tức tốc chuyển đổi sang hình thức e-Learning.

{keywords}
Thị trường giáo dục trực tuyến

Mặc dù không ít doanh nghiệp đã chạm chân vào lĩnh vực mới này, nhưng dường e-Learning vẫn còn là khái niệm khá “hoang sơ” với người Việt vào thời điểm 2017-2018. Hơn thế, để tìm được một đơn vị chuyên thiết kế và sản xuất nội dung cho khóa học cũng không dễ dàng gì.

Ông Nguyễn Thế Anh - Founder & CEO Amber Online Education - chia sẻ, trở ngại lớn nhất vẫn là thay đổi nhận thức của người học. Thực tế tại Việt Nam, người dùng mới chỉ quen với phương thức đào tạo truyền thống (có giảng viên đứng lớp và chỉ dạy) với tâm thế thụ động. Vì vậy, khi e-Learning ra đời, không ít người đã hoài nghi về tính hiệu quả của mô hình.

Bên cạnh đó, e-Learning là lĩnh vực mới nên tại Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất nội dung bài giảng. Điều này đòi hỏi đội ngũ nhân sự dành rất nhiều thời gian trau dồi kiến thức chuyên môn, dưới sự dẫn dắt của chuyên gia nước ngoài, đồng thời, nắm bắt được các tiêu chí để sản xuất các khóa học đạt chất lượng quốc tế.

“Lĩnh vực e-Learning đòi hỏi doanh nghiệp cần nhanh chóng nhận biết và nắm bắt các nhu cầu xã hội, cung cấp kịp thời những sản phẩm phù hợp. Không ngừng học hỏi, liên tục nâng cao kiến thức, cập nhật xu hướng thế giới”, vị CEO chia sẻ.

Theo bà Hồ Hồng Bảo Trâm, Tổng giám đốc Dream Viet Education, mùa dịch giúp đơn vị này dễ dàng tiếp cận, thuyết phục học sinh trải nghiệm và sử dụng dịch vụ, chuyển từ offline sang online vốn rất khó và tốn nhiều công sức, chi phí trước đó. Đây cũng là một phép thử về hiệu quả thực sự của mô hình học trực tuyến và thay đổi nhận định của phụ huynh.

Thời điểm bùng nổ

Thời gian qua, khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu buộc nhiều trường học phải đóng cửa, công nghệ trở thành “cứu tinh” của ngành giáo dục. Trong bối cảnh đó, e-Learning được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho các startup. Tuy nhiên, để thành công không phải là điều dễ dàng nếu không có gì khác biệt.

CEO Elsa Văn Đinh Hồng Vũ cho rằng, giải pháp mình nghĩ là tốt nhưng chưa chắc người dùng đã cần. Thời điểm ban đầu, startup này đã muốn dùng AI để hỗ trợ người dùng học tiếng Anh, nhưng khi đưa sản phẩm cho khách hàng, họ không quan tâm sự hỗ trợ đến từ đâu mà chỉ ấn tượng là sản phẩm có giúp được họ không.

Những công ty có thể đưa ra sản phẩm có tính quyết định sự thay đổi hành vi của người sử dụng và thực sự giúp giải quyết khó khăn của họ thì mới có thể tồn tại.

{keywords}
Thời điểm vàng đổ vốn đầu tư

Tương tự, ông Hùng Trần, đại diện Got It, nhận định, các startup cần dành thời gian để xem lĩnh vực đó có nhu cầu thực sự hay không. “Các công ty đưa ra mô hình nhưng cũng cần thời gian để chứng minh tính hiệu quả của mô hình đó. Sở dĩ mô hình giáo dục cũ mọi người vẫn tin là vì nó đã chứng minh được sự hiệu quả và kết quả đưa ra được xã hội chấp nhận”, nhà sáng lập Got It nói.

Bên cạnh đó, chi phí học cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Đơn cử như Amber, một startup giáo dục đã phát triển một số dòng sản phẩm giá rẻ để hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo trong mùa dịch này. Với giá thành chỉ từ 30.000-40.000 đồng/nhân sự/khóa, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, tối ưu ngân sách đào tạo.

Với tiềm năng lớn của giáo dục trực tuyến, tại Việt Nam hiện có hơn 100 startup khai thác tiềm năng của thị trường này và có trên 2 triệu người đang tham gia nhiều chương trình học qua mạng.

Ông Võ Trần Đình Hiếu, Thành viên HĐQT kiêm CFO Quỹ Tăng tốc Khởi nghiệp VIISA, đánh giá đại dịch là một “cú hích” lớn cho ngành giáo dục. Ông Hiếu cho biết, ngay cả trước khi đại dịch diễn ra, edtech đã là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Thư Kỳ