Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa có báo cáo kết quả khảo sát ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thời gian thực hiện khảo sát trong 2 ngày, từ 2-3/3, bằng cách gọi điện phỏng vấn trực tiếp các chủ doanh nghiệp (CEO) và tiếp nhận thông tin các doanh nghiệp điền bảng khảo sát online.

Có 1.200 doanh nghiệp tham gia trả lời khảo sát, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ dưới 100 lao động chiếm 75% còn doanh nghiệp có quy mô trên 200 lao động chiếm 14,3%.

Tỷ lệ doanh nghiệp du lịch (Dịch vụ lưu trú, ăn uống) chiếm tới 29% số doanh nghiệp trả lời khảo sát. Tương tự là tỷ lệ doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và tào tạo trả lời khảo sát là 7%.

Theo Ban IV, số liệu này phần nào phản ánh tác động nghiêm trọng và tức thì của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành du lịch và ngành giáo dục khiến các chủ doanh nghiệp rất tích cực tham gia khảo sát nhanh để bày tỏ vấn đề cùng các kiến nghị của mình. Rất nhiều doanh nghiệp không thể ứng phó kịp khi đồng loạt công ty du lịch không có khách hàng, hay các cơ sở giáo dục, đặc biệt giáo dục ngoài công lập, không có học sinh đến trường.

Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có tỷ lệ phản hồi tương đối cao, chiếm 20% trong tổng số doanh nghiệp trả lời khảo sát.

Ban IV cho rằng: Dịch bệnh Covid-19 tác động rất nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia trong khảo sát nhanh. Nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm từ 20-50% chiếm gần 29%; chỉ có 1,8% số doanh nghiệp được hỏi nhận được tác động tích cực lên doanh thu do dịch bệnh. Qua khảo sát, những doanh nghiệp có doanh thu tăng là những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật tư trong nước.

{keywords}
Khảo sát của Ban IV về tác động của dịch Covid-19

Cũng theo kết quả khảo sát nhanh, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng thì gần 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác.

{keywords}
Nguy cơ phá sản là rất cao với nhiều doanh nghiệp.

Xét trên nhóm đặc thù là Giáo dục, theo Kiến nghị thư của Tập thể giáo dục ngoài công lập ngày 3/3, “nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi. Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30.000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, bảo vệ, lao công sẽ mất việc".

Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP.HCM và Hà Nội, sẽ có hàng ngàn giáo viên mất việc, hàng ngàn tỷ đồng tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn. Đấy là chưa kể hàng ngàn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư sẽ mất việc. Nếu họ chọn rời khỏi Việt Nam thì chi phí để tuyển dụng họ quay trở lại vô cùng lớn.

"Như vậy, những tác động xấu đến xã hội do dịch bệnh Covid-19 gây ra cũng không kém so với tác động về mặt kinh tế", Ban IV nhận định.

Ba giải pháp trước mắt mà các doanh nghiệp đề xuất nhiều nhất và mong Chính phủ ưu tiên tập trung hỗ trợ.

Một là, Chính phủ thực hiện chính sách riêng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, để doanh nghiệp được giảm thuế TNDN, thuế VAT và các loại thuế khác và cho phép miễn lãi suất đối việc nộp chậm thuế, đồng thời cho phép miễn đóng BHXH trong thời gian dịch bệnh (đề xuất này chiếm 42,9% số ý kiến doanh nghiệp trả lời).

Hai là, hỗ trợ vốn vay ưu đãi với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch (chiếm 41,2% ý kiến).

Ba là, giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay (29,2%).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề cập đến các giải pháp khác như Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, mở cửa thông quan để nhập nguyên liệu đầu vào, cung cấp thông tin minh bạch, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá điện nước.

Lương Bằng

Nỗi lo đứt nguồn cung, áp lực tăng nợ xấu

Nỗi lo đứt nguồn cung, áp lực tăng nợ xấu

Nhiều ngành sản xuất trong nước đang đối mặt với khó khăn do nguồn cung cấp phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Các DN đang “ngấm đòn” và không khỏi lo lắng nếu tình hình tiếp tục kéo dài.